A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đêm ở phố, nghĩ bão ở quê

 

QPTĐ-Ở phố nơi tôi ở cách quê độ chừng 300km, đêm đã bắt đầu có mưa rơi lác đác do chịu ảnh hưởng một phần của cơn bão ngoài biển Đông đang đổ bộ vào đất liền. Hướng đi của bão nếu chẳng có gì thay đổi thì đúng hơn 24 tiếng đồng hồ nữa thôi thì nó sẽ ghé thăm quê tôi. Nằm ở phố, lòng bồn chồn không yên, ngoài trời tiếng mưa một lúc một to rơi lộp độp đập mạnh vào mái tôn, sau đó là tiếng gió rin rít từng hồi, tôi nghĩ đến ngày mai thức dậy với những con phố nhỏ sẽ ngập trũng nước, những cây, những mái nhà, những cột điện ngổn ngang bên đường. Chỉ nghĩ chừng đó thôi mà thấy lòng hoang hoải quá chừng…

 

 

Lúc chiều gọi điện về cho bố. Bố bảo mọi thứ đã sẵn sàng hết rồi, kêu trên phố cứ yên tâm, bố mẹ đã có kinh nghiệm những mấy chục năm chống bão. Nhưng ký ức về những đợt bão xưa dội về khiến tâm chẳng vững tin một chút nào. Bão về, dẫu được dự báo cấp độ to hay cấp độ nhỏ bố mẹ đều thức trắng đêm không ngủ. Từ buổi chiều, bố đã dặn mẹ chuẩn bị nhốt đàn gà cho vào gian bếp, chất chồng củi khô, làm muối vừng, kho cá khô, dự trữ thức ăn trong mấy ngày mưa bão. Bố trèo lên mái nhà thay lại những viên ngói đã vỡ, chặt bớt một số cành cây sum suê cạnh nhà phòng gió to quật vào mái ngói. Cả nhà buổi tối khi bão đến ăn cơm thật sớm, mẹ chuẩn bị sẵn hai cái đèn dầu, ngồi chụm vào nhau nói chuyện. Mỗi lần nghe gió rít qua, mẹ lại bảo “Đấy, bão chuẩn bị vô rồi đấy”.


Trong bão thường kèm theo mưa rất lớn, sáng ra thấy mảnh sân trước nhà dính một lớp bùn rất dầy, lá rụng thành từng thảm màu xanh bết màu bùn, bao nhiêu cây cối, na, ổi, bưởi, rau màu đều ngả nghiêng xiêu vẹo. Tôi gọi đó là gam màu tan hoang. Đôi khi trong cơn bão người ta không rơi nước mắt, nhưng sau bão thì nước mắt cuồn cuộn chảy, lòng dạ xót xa hơn bao giờ hết.  Của nả, vườn tược, công chăm sóc bao nhiêu ngày giờ thành công cốc. Những ôm củi chất để dành trong xó bếp cũng bị nước nhỏ xuống dột ướt hết cả. Nồi cơm sau bão nấu có khi lên đến cả tiếng đồng hồ cũng chưa sôi.


Còn nhớ mùa bão năm ấy, do mưa lớn, lũ từ thượng nguồn kéo về ồ ạt. Nhìn cảnh dân mới chống bão nay lại chống thêm lũ thì thương lắm. Người lớn cai quản trẻ con không sát, có người mất con vì bị lũ cuốn trôi. Mỗi lần nghĩ đến nước mắt tôi đều chảy. Bố tôi chẳng bao giờ cho mấy anh em rời khỏi nhà trong mùa bão, với bố còn người là còn tất cả. Lại nhớ cái lần mưa bão lớn quá, nhà dột gần như ướt hết, không thể trụ lại bố cõng mấy anh em tôi giữa mưa to gió lớn. Lúc bám chặt trên vai bố, cảm nhận được từng bước chân xiêu vẹo, bám vào từng thớ đất để di chuyển. Sau bão mặc dù có mất mát của nả, tinh thần đi xuống khi nhìn cảnh vật tiêu điều nhưng tình người, tình làng xóm vẫn chung thủy, một lòng giúp đỡ lẫn nhau. Tôi vẫn nhớ những bữa ăn sau bão với cá đồng chú Thiêm cho nấu khế ngon ơi là ngon. Rồi những hũ ruốc nghĩa tình bác An san sẻ, chị em tôi đón lấy như một món quà vô giá.


Thiên tai không chừa một ai và một vùng miền nào nhưng có lẽ với miền Trung thì dường như khắc nghiệt hơn hai miền Nam, Bắc. Miền Trung oằn  mình một năm không biết bao nhiêu cơn bão đổ bộ và mất mát. Là người miền Trung lại càng thấy thương hơn dân miền Trung, con người lam lũ, nghèo khổ cần cù chịu thương, chịu khó nhưng vẫn nghèo bởi không thắng nổi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. 


Đêm ở phố, nghĩ bão ở quê với bao ngổn ngang trong lòng. Mỗi mùa bão qua chỉ cầu mong con người ở quê vững chãi, kiên cường để chống lại thiên tai. Chỉ cần chúng ta tin rằng, sau bão sẽ là những ngày nắng đẹp thì mọi khó khăn không còn là điều đáng lo ngại.


Mai Hoàng 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ