Nhận diện, đấu tranh loại bỏ thói “lựa gió bẻ măng”
QPTĐ- Tự phê bình và phê bình (TPB&PB) là một trong những nguyên tắc quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Vì thông qua TPB&PB mới có thể giúp cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) nhận ra những sai lầm, khuyết điểm, từ đó đề ra biện pháp khắc phục, cũng như thấy được những ưu điểm để tiếp tục phát huy. Nên nói về tác dụng của phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết thống nhất nội bộ”. Tuy nhiên, do mắc phải căn bệnh chủ nghĩa cá nhân, đặt cái tôi cá nhân lên trên, lên trước tập thể, thấy ai hơn mình là ghen ghét đố kỵ, nên dẫn đến vẫn còn một số CB, ĐV “mượn danh chính nghĩa, mượn nghĩa phê bình” để thực hiện những ý đồ và toan tính cá nhân. Đây là một biểu hiện suy thoái về tư tưởng, cần nhận diện đấu tranh loại bỏ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về phê bình trong Đảng.
Mượn phê bình để “bới lông tìm vết”
Trong cuộc sống cũng như trong công việc, bản thân mỗi người, ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu, bởi vì, có làm việc, có va chạm thì sẽ có khuyết điểm là điều không tránh khỏi. Ông cha ta cũng đã từng đúc kết: “Không ai nắm tay cả ngày đến tối được”, ý muốn nhắn nhủ rằng, ở đời không ai có thể tròn vẹn tất cả được. Đối với CB, ĐV cũng vậy, có làm việc ắt sẽ có lúc sai sót, càng làm nhiều việc thì càng nhiều sai sót. Cho nên để khắc phục, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, TPB&PB là cách thức hiệu quả nhất, để giúp nhau tiến bộ, đối với tổ chức Đảng là để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Còn với các đảng viên, một mặt là để sửa chữa cho nhau, một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau, làm cho mọi người học ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, khi mà phần đông CB, ĐV quán triệt sâu sắc, thực hành nghiêm túc quan điểm, đường lối của Đảng về TPB&PB, thì đâu đó vẫn xuất hiện một số CB, ĐV mượn danh chính nghĩa, mượn nghĩa phê bình, để “lựa gió bẻ măng” thực hiện những ý đồ và toan tính cá nhân, đặc biệt là nhắm vào những người không cùng “cánh hẩu” với mình. Biểu hiện cụ thể đối với những CB, ĐV này là, lợi dụng việc phát huy dân chủ, đề cao phê bình để liệt kê khuyết điểm, công khai nói xấu, công kích, hạ thấp uy tín của người được phê bình, bằng thái độ phê bình gay gắt theo lối “bới lông tìm vết”, phê bình người nhiều hơn phê bình việc. Tác hại của kiểu phê bình này không chỉ tác động tiêu cực đến tư tưởng của người được phê bình, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cả tập thể, cơ quan, đơn vị, là nguyên nhân của sự chia rẽ mất đoàn kết nội bộ.
Ngược lại, đối với những CB, ĐV này khi được người khác góp ý, phê bình, họ lại thường có biểu hiện không thừa nhận khuyết điểm, thái độ cầu thị không tốt, thậm chí tiếp nhận các ý kiến phê bình của người khác một cách cực đoan, nếu họ là CB, ĐV cấp trên thì tìm cách để ý, trù dập những người phê bình mình là cấp dưới. Điều này sẽ gây ra rất nhiều những hệ lụy nguy hiểm, nhất là làm sai lệch đối với công tác đánh giá năng lực, trình độ, tác phong công tác đối với cán bộ. Bởi vì trên thực tế, có CB, ĐV trước đó có thể vì lý do gì đó mà mắc phải sai lầm, khuyết điểm, nhưng không phải vì thế mà họ sai lầm mãi. Cũng có những CB, ĐV từ trước đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này bản thân họ không mắc sai phạm.
Cho nên mới nói, quá khứ, hiện tại và tương lai của mỗi CB, ĐV không phải luôn giống nhau. Nếu muốn xem xét, đánh giá chính xác CB, ĐV, phải đặt và xem xét người đó trong toàn bộ quá trình công tác, cả lúc khó khăn và khi thuận lợi. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem xét họ trong cả quá trình công tác lâu dài. Nhưng chỉ vì lòng ghen ghét đố kỵ, phe cánh, lợi ích nhóm, nên có những CB, ĐV đã lợi dụng TPB&PB làm cái cớ để công kích, nên người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Trong tự phê bình và phê bình, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn khá phổ biến, một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao phụ trách”. Như vậy, việc lợi dụng TPB&PB để đấu đá, hạ bệ nhau là biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay.
Phải chú trọng tính thực chất và hiệu quả
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính... Sợ phê bình, tức là “quan liêu hóa”, tức là tự mãn tự túc, tức là “mèo khen mèo dài đuôi”. Phê bình không phải để công kích, để nói xấu”. Như vậy, phê bình cốt là để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, làm việc cho tốt hơn, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất nội bộ.
Với tinh thần ấy, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn chú trọng công tác TPB&PB, nhờ đó nên đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là, khi Đại hội lần thứ VI của Đảng xác định đưa đất nước phát triển trong thời kỳ đổi mới, tháng 5/1987, trên Báo Nhân Dân xuất hiện chuyên mục mới mang tên “Nói và làm” và “Những việc cần làm ngay”, chủ đích công khai hạn chế trong lãnh đạo, quản lý, vạch rõ hướng sửa chữa khắc phục, mang đậm tinh thần TPB&PB. Từ ngày 25/5/1987 đến ngày 28/9/1990, có 31 bài đăng trên chuyên mục “Những việc cần làm ngay”, đều của tác giả N.V.L (bút danh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), nội dung quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới của Đại hội VI của Đảng (năm 1986) là “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”. Những tập thể, cá nhân có hiện tượng, hành vi tiêu cực bị “điểm mặt, chỉ tên” và yêu cầu, đề nghị xử lý. Việc TPB&PB một cách trực diện, kịp thời đã góp phần quan trọng trong việc triển khai đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, từ đó làm cơ sở, nền tảng cho đất nước bước vào giai đoạn mới với nhiều thành tựu vượt bậc trên tất cả lĩnh vực.
Còn không ít ví dụ sinh động, sâu sắc, nổi bật khác về TPB&PB trong Đảng một cách kịp thời, thực chất, hiệu quả. Bởi vì trong thực tế, đã làm việc là có sai lầm, dễ mắc khuyết điểm, dù với bất kỳ ai, bất kể công việc, ở bất cứ lĩnh vực nào. Nhưng vì nhiều lý do, không phải sai lầm, khuyết điểm nào cũng được chỉ ra, để rồi xảy ra hậu quả đáng tiếc. Vậy nên, việc TPB&PB phải luôn được coi trọng, xem đó là thứ “vũ khí sắc bén” cần được sử dụng thường xuyên, hiệu quả. Tất nhiên, TPB&PB một cách thường xuyên, liên tục không nên chỉ là khẩu hiệu hay phong trào, mà phải là việc làm thực chất của mỗi đảng viên, tổ chức cơ sở đảng. Ví như mỗi đảng viên, nhất là những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, cần thường xuyên nhìn lại mình sau mỗi ngày làm việc, mỗi việc làm cụ thể, nhất là những việc tác động đến tập thể, đến nhiều người, đến xã hội. Sự nhìn lại mình thường xuyên như “rửa mặt hằng ngày” ấy là sự tự rút ra những bài học kinh nghiệm, xem xét về những gì chưa làm được, những gì còn hạn chế để không mắc phải sai lầm tương tự, đồng thời tìm giải pháp khắc phục, cải thiện trong những công việc sau này, để hành xử đúng đắn, phù hợp và tốt đẹp hơn. Một khi đảng viên và tổ chức Đảng tạo ra được bầu không khí TPB&PB một cách dân chủ thực sự sẽ giúp CB, ĐV nhận ra khuyết điểm, sai lầm một cách nhanh chóng, từ đó có giải pháp khắc phục hiệu quả những biểu hiện trù dập, đấu đá, hạ bệ lẫn nhau.
NGUYỄN VĂN TUÂN