A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quang Dũng-nhà thơ của xứ Đoài

 

QPTĐ-Nhà thơ Quang Dũng, một người con xứ Đoài tài hoa, sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ông được biết đến với nhiều tác phẩm đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam như: Tây Tiến, Mây đầu ô, Đôi mắt người Sơn Tây, Bài ca sông Hồng...

 

 

Nhà thơ Quang Dũng cùng vợ và các con.       

Ảnh: Gia đình cung cấp

 

Trao đổi với chúng tôi, nhà thơ Bùi Phương Thảo-con gái nhà thơ Quang Dũng, cũng là người lưu giữ nhiều kỷ vật về người cha của mình, xúc động nhớ lại: Cha tôi làm thơ từ rất sớm, khi mới 17 tuổi (bài Chiêu Quân cống Hồ) nhưng  không nhiều, cả gia tài thơ của ông chỉ còn gần hai trăm bài. Tây Tiến là bài thơ được ông dành cho tình cảm đặc biệt, ông từng nói: “Tây Tiến là bài thơ mà tôi tâm đắc nhất”. Khi sáng tác bài thơ Tây Tiến, cha tôi mới dời đơn vị Tây Tiến chưa lâu.

 

Với sức vóc của một chàng thanh niên 27 tuổi hừng hực tinh thần yêu nước, muốn chiến đấu, xông pha trận mạc, muốn cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”; Ông đã đưa được tinh thần ấy, sức trẻ ấy của ông và của cả một thế hệ thanh niên cùng thời vào thơ. Thơ Tây Tiến đã góp phần vinh danh Trung đoàn 52 Tây Tiến thời kì chống thực dân Pháp, giúp cho nhiều người hiểu và yêu mến binh đoàn Tây Tiến kiêu hùng.  Tây Tiến là đứa con tinh thần vạm vỡ, tráng kiện của ông và đứa con tinh thần mà ông yêu quý nhất. Đến nay, sau khi trải qua nhiều trắc trở và cũng gây không ít hệ lụy cho cuộc đời ông, bài thơ tròn 70 tuổi.


Khi sáng tác Tây Tiến, cha tôi viết rất nhanh, ý tứ xuất thần, chắc hẳn cha tôi không bao giờ nghĩ sẽ có lúc bài thơ được đón nhận và yêu thương đến vậy. Giờ đây, nhắc đến nhà thơ Quang Dũng là nhắc đến bài thơ Tây Tiến.

 

Năm nay, sau 30 năm cha tôi đi xa, không biết bao nhiêu lần tôi đã đọc Tây Tiến. Mỗi lần đọc Tây Tiến là mỗi  lần cảm xúc trong tôi ùa về khác nhau và có cả những tiếc nuối vì tôi đã không thể chia sẻ với ông sớm hơn như cách một tri kỉ cùng ông đàm đạo. Tôi đọc Tây Tiến và một số tác phẩm của cha khi tôi 14 tuổi và thực sự bị mê hoặc. Tôi trở thành độc giả mê thơ của cha mình mà chưa một lần thốt nên lời trước ông. Trong rừng kí ức về cha tôi-một chiến binh Tây Tiến-luôn hiện hữu một trái tim nhân hậu trong vóc dáng trượng phu.  


Là một nhà thơ, chị học được gì từ cha mình trong sáng tác?-chúng tôi hỏi. “Điều tôi học được ở cha trong sáng tác là tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống. Cách hành văn  mộc mạc, giản dị, câu từ dễ hiểu và hơn hết đó là sự trân trọng tâm trạng và cảm xúc. Trong thi ca, sáng tạo không có giới hạn nhưng tôi chỉ tâm niệm những khoảnh khắc có tâm trạng thường làm nên tác phẩm”- chị Thảo chia sẻ. 


Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài, đi nhiều, viết nhiều. Từ cuộc sống riêng đến tác phẩm của ông biểu hiện một cá tính, một phong cách nghệ sĩ độc đáo.  Ngoài làm thơ, ông còn viết kịch, xuất bản truyện ngắn, vẽ tranh, làm nhạc, trong lĩnh vực nào cũng có những thành tựu đáng kể. Nhiều tác phẩm của ông được dịch và xuất bản ở nước ngoài. Ông từ trần tại Hà Nội ngày 13-10-1988. Tượng nhà thơ chiến sĩ Quang Dũng được đặt trang trọng tại Trường Tiểu học thị trấn Phùng, ngôi trường ông học thuở nhỏ. Với các thành tích trong kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Quang Dũng được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật đợt 1 năm 2001.


Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ