A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Danh nhân văn hoá Nguyễn Khả Trạc

 

QPTĐ-Chúng tôi có mặt tại Nhà thờ cụ Nguyễn Khả Trạc-danh nhân văn hóa, đồng thời là một trong những người đầu tiên khai lập nên làng Mai Dịch xưa (nay là phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) đúng vào thời điểm Hà Nội đang trong những ngày nóng cực điểm. Nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 50 độ C nhưng khi chúng tôi đến, ông Nguyễn Văn Minh-cháu đời thứ 18 của cụ-vẫn niềm nở đón tiếp, tận tình dẫn chúng tôi đi một vòng, giới thiệu về nhà tiền tế, hậu tế, dù vẫn trong thời gian tu sửa và chưa hoàn thiện.

 

 

Anh Nguyễn Văn Minh giới thiệu về Nhà thờ danh nhân Nguyễn Khả Trạc.


Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, cụ Nguyễn Khả Trạc sinh năm 1598 và mất 1672. Tên ông nguyên là Nguyễn Văn Trạc, quê xã Mai Dịch, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (nay thuộc phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy). Chữ Khả sau này do vua Lê Thần Tông ban tặng. Theo các tài liệu, làng Mai Dịch tuy thành lập muộn nhưng sớm có truyền thống học hành và khoa bảng. Năm Tân Mùi, niên hiệu Đức Long, đời Vua Lý Thần Tông (1631), làng có cụ Nguyễn Văn Trạc đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, được bổ làm quan đạo Hải Dương, sau thăng Hiến sát phó sứ Nghệ An. Ngoài ra, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Đề hình giám sát ngự sử, Hộ bộ Hữu thị lang tước Diễn Thọ bá, Lại bộ tả thị lang, Binh bộ thị lang. Quá trình làm quan, cụ Trạc nổi tiếng về sự thanh liêm, có công lớn trong phục vụ đất nước và nhân dân, trong suốt 4 triều vua Lê.


Rời quan về quê, cụ vẫn tích cực làm nhiều việc công đức như: Mở chợ, dựng bia và được nhân dân địa phương yêu quý; mở trường dạy học ở Mai Dịch. Ngoài ra, Cụ cũng được biết đến là người có công lớn trong việc củng cố, phát huy thuần phong mỹ tục, tổ chức xây dựng hương ước của làng cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương thời điểm bấy giờ. Khi mất, cụ được phong Hộ bộ Thượng thư, tước Liêm Quận công, được dân xã Mai Dịch tôn làm thần. 


Năm 1672, cụ Nguyễn Khả Trạc qua đời, thọ 75 tuổi. Cụ được đích thân vua Lê Gia Tông ban sắc viếng và gia phong lên bậc Hộ Bộ Thượng thư. Để ghi nhớ công ơn của cụ, dân làng Mai Dịch cũng lập đền thờ tưởng nhớ, ngoài ra tên của cụ cũng được lấy làm tên đường Nguyễn Khả Trạc và trường tiểu học Nguyễn Khả Trạc. 


Theo ông Minh, khu nhà thờ họ được xây dựng từ cách đây chừng 200 năm, vào năm 1849. Trước đây, nhà thờ cụ Nguyễn Khả Trạc được xây dựng trên khuôn viên rộng lớn hàng nghìn mét vuông song trải qua những năm tháng chiến tranh và biến động lịch sử, di tích này dần bị thu hẹp. Nhà thờ có ba gian được xây dựng theo lối kiến trúc cổ độc đáo, theo nguyên mẫu dinh cơ của các vị vua quan ngày xưa, phía Đông là khu nhà thờ, phía Tây là khu cảnh quan; phía cổng ngoài bề thế với mái cuốn hình vòm… Nhà thờ vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá như chiếc đòn võng, kiệu ông về làng vinh quy bái tổ, lễ tạ cha mẹ; 14 đạo sắc phong và bức hoành phi “Liêm Quận công”.


Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mai Dịch nằm trong vùng địch tạm chiếm, nhà thờ trở thành nơi họp hành, trú ấn của cán bộ ta. Khu nhà thờ cụ Nguyễn Khả Trạc không chỉ là công trình của riêng dòng họ Nguyễn Khả mà còn là di tích đã được Nhà nước xếp hạng, công nhận có giá trị to lớn về mặt văn hóa, lịch sử.


Ngân Mỹ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ