A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thế Hiển-nhạc sĩ cháy hết mình với bộ đội

 

QPTĐ-Trên chuyến hải trình thăm và động viên quân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Đoàn công tác số 13, tôi nhớ mãi hình ảnh nhạc sĩ-nghệ sĩ ưu tú Thế Hiển luôn mang bên mình cây đàn guitar, đến điểm đảo nào cũng  “cháy” hết mình phục vụ bộ đội. Nhìn cách Thế Hiển say sưa hát, say sưa nhảy cùng cánh lính đảo, ít ai nghĩ ông đã ở tuổi 63. Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân chia sẻ: Giọng hát của anh Thế Hiển vẫn khỏe khoắn và dài hơi lắm. Đám thanh niên khối anh thua xa. Và thú thực, những nhạc phẩm anh viết về Trường Sa nghe mãi không chán.

 

 

Nhạc sĩ Thế Hiển với chiến sĩ đảo An Bang.     

                        

Mỗi buổi chiều khi con tàu KN290 rẽ sóng vượt trùng khơi đưa đoàn công tác đến các đảo chìm, đảo nổi, tôi lại lên boong tàu ngồi ngắm hoàng hôn. Biển thật đẹp, sóng sánh ánh vàng, xa xa thấp thoáng bóng tàu ngư dân đang đánh bắt hải sản tô điểm thêm sức sống Trường Sa. Và thật vui khi nhiều lần tôi được gặp nhạc sĩ Thế Hiển khi ông cũng có sở thích giống mình. Một lần, tôi hỏi: Nhạc sĩ đi Trường Sa lần thứ mấy rồi? Ông cười đôn hậu: Đây là lần thứ 6 tôi vinh dự được đến với Trường Sa.

 

Và mỗi chuyến đi đều để lại cho tôi nhiều cảm xúc khó tả, giúp tôi sáng tác những ca khúc gửi tặng những người chiến sĩ. Rồi ông kể về cách từng nhạc phẩm đến với ông, nó như cơn mưa rào, đến bất chợt. Khi ông viết ca khúc ngay trên đảo, khi trên tàu, lúc lại về đất liền ngôn từ mới “nảy”. Tình cảm của đất liền luôn giành trọn cho Trường Sa, và đi thăm, được chứng kiến đời sống của bộ đội đang công tác trên các điểm đảo, ông thấy rằng, họ chính là “tượng đài” truyền lại sức sống cho những người đến thăm. Cần phải ghi lại tình cảm của họ bằng ca từ để gửi về đất liền.

 

Nhạc sĩ Thế Hiển cho biết: “Vỏ ốc biển” là bài hát đầu tiên tôi viết về lính đảo. Năm 2013, trong chuyến đi thăm đảo Sinh Tồn Đông, tôi thấy ở đầu giường của các chiến sĩ có nhiều vỏ ốc biển. Tôi hỏi một chiến sĩ: “Thế này làm sao chuyển về đất liền được? Anh nói rằng: Chúng em ở giữa biển chẳng biết tìm quà gì để gửi về đất liền. Chỉ có những vỏ ốc biển gửi về qua những chuyến tàu chở hàng thôi. Tôi cho đó là một hình tượng đẹp. Thế là, tôi chọn chủ đề vỏ ốc biển để nói lên tình cảm của những người chiến sĩ gửi về đất liền: “Anh gửi về em, những vỏ ốc biển từ Trường Sa, đảo xa. Trường Sa, đảo xa, xa xôi lắm nhưng em yêu ơi em vẫn thật gần. Khi em nhận em hãy áp tai vào lòng ốc biển. Em hãy lắng nghe tiếng sóng gió dạt dào là ngàn nỗi nhớ anh gửi về em...”. Và ở những chuyến đi sau đó, ông đều thăng hoa cảm xúc để cho ra đời một loạt những ca khúc viết về biển đảo. Có thể kể đến các nhạc phẩm: Tiếng hát trên đảo Sơn Ca; Nỗi nhớ từ đảo xa; Khúc hát tự hào HQ561; Lính đảo thích tăng gia...


Thế Hiển được mệnh danh là “Người viết nhật ký bằng âm nhạc”, bởi với những ca khúc của ông sáng tác đều là ghi chép lại hành trình của những chuyến đi. Đến với biên giới phía bắc, phục vụ anh em bộ đội, tình cảm của anh em truyền lửa, ông cho ra đời nhạc phẩm “Hát về anh” năm 1983. Và còn nữa những ca khúc nổi tiếng như: Nhánh lan rừng, Hát trên nông trường xanh, Tóc em đuôi gà... “Nhớ lúc chiến đấu khi dừng chân bên bờ suối vắng; Thấy nhánh lan rừng lá vẫn xanh trên cành cháy khô...”,  lời ca cứ mộc mạc như vậy, song khi cất lên giai điệu có sức lay động lòng người. Và như nhạc sĩ bộc bạch, mỗi tác phẩm có được đó là cách để ông nuôi dưỡng cảm xúc từ chất liệu cuộc sống, kể lại cho mọi người nghe bằng các ca khúc.

 

Ngọc Quang

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ