A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếng hát người lính Hà Thành

 

QPTĐ-Ngỡ ngàng và thán phục là cảm nhận của nhiều người khi xem chương trình ca hát dân ca do các hội viên trong Câu lạc bộ (CLB) Người lính Hà Thành biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật do Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch, CLB di sản Thăng Long, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Chỉ với 21 hội viên bao gồm cả nhạc công nhưng các cựu chiến binh trong CLB đã mang đến sắc màu dân ca mượt mà, ấn tượng đến với người thưởng thức. Từ làn điệu dân ca quan họ, chèo, hát xẩm cho tới những điệu múa uyển chuyển trong những giai điệu chầu văn. 

 

 

Câu lạc bộ biểu diễn tại Hội nghị của Nhà Văn hóa Hội CCB Thành phố.

 

Theo cựu chiến binh Đàm Thị Tuất, người yêu thích loại hình nghệ thuật này, trong xẩm chứa đựng nhiều làn điệu. Mạch lạc, mạnh mẽ là xẩm chợ, trữ tình, tinh tế là xẩm nhả tơ, xẩm huê tình... nhưng các nghệ nhân lang thang khá tài tình chuyển thể từ xẩm sang chèo, trống quân, cò lả, quan họ, ru em... Đôi khi cao hứng họ lại nổi phách, đàn bầu, xuống giọng ngâm thơ. Phần lớn là thơ theo thể lục bát, song thất đệm theo nhiều tiếng láy, í ơi đậm sắc Xẩm. Ngồi trên tàu điện lắc lư, nghe xẩm vào độ rét mướt đông về càng thêm day dứt. Trong nhiều năm qua xẩm vắng bóng... Thế rồi với tâm huyết của những nghệ nhân hát xẩm, họ đã làm sống lại những làn điệu xẩm quen thuộc.

 

Những bài được lưu truyền cả trăm năm, có nội dung gắn liền với Thăng Long lại vang lên, khiến người nghe xao xuyến như được trở về với một Thăng Long-Hà Nội xưa. Thề Non nước (Tản Đà), Tiễn chân anh Khóa xuống tàu (Á Nam Trần Tuấn Khải), Khóc Dương Khuê, Thu Cảm (Nguyễn Khuyến). Ngày nay hát xẩm không chỉ bó hẹp trong mấy CLB dành riêng cho những người sành và si mê xẩm mà đã xuất ngoại để quảng bá một loại hình nghệ thuật dân dã độc đáo của Việt Nam đến đất nước Nhật Bản-đất nước vốn có nhiều hình thái nghệ thuật dân gian giống như Xẩm Việt Nam. 


Được biết, các thành viên trong CLB đa số là cựu chiến binh, trưởng thành từ các hạt nhân văn nghệ của khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Qua nhiều lần giao lưu biểu diễn tại các chương trình văn nghệ quần chúng, họ bắt gặp ở nhau sự đồng điệu về sở thích-đó là tình yêu với những làn điệu dân ca quê hương. Sau nhiều lần bàn tính, họ quyết tâm thành lập Đội văn nghệ chuyên hát dân ca, sau này chuyển thành CLB dân ca.

 

Đầu năm 2017 CLB chính thức ra mắt với tên gọi CLB dân ca Người lính Hà Thành. Ban đầu CLB có khoảng 10 người, qua quá trình giao lưu, biểu diễn, đến nay CLB thu hút 21 hội viên, sinh hoạt mỗi tuần một lần vào ngày thứ tư. Căn nhà rộng rãi khang trang của Chủ nhiệm CLB Đàm Thị Tuất là nơi mọi người cùng nhau tập luyện với đủ loại nhạc cụ, âm thanh. Mỗi buổi luyện tập, cùng với sự hướng dẫn của nghệ nhân, CCB Cao Thị Kim Chi, các hội viên còn chọn lọc các tiết mục đặc sắc trên mạng Internet để tham khảo, học hỏi thêm.

 

Một số hội viên trong CLB đã chủ động tham gia các khóa học về hát dân ca Quan họ của của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Nhờ vậy, nhiều thành viên trong CLB không chỉ hát được những làn điệu Quan họ quen thuộc như: “Mời nước mời trầu”, “Hoa thơm bướm lượn”, “Ngồi tựa song đào” mà còn hát được một số bài Quan họ cổ khó như: “Con nhện giăng mùng”, “Thú giải phiền”, “Cuốc gọi hè”… CLB còn tích cực tham gia các chương trình biểu diễn liên hoan hát ru hát dân ca và âm nhạc cổ truyền của Thành phố, của Ban văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam. 


Với sự say mê tập luyện nên dù không được nuôi dưỡng trong cái nôi của những làn điệu dân ca, nhưng từ cử chỉ, dáng đi và giọng hát của các thành viên đều mang đậm dấu ấn người làng dân ca. 
 Từ khi sinh hoạt tại CLB, mọi thành viên đều nhận thấy lợi ích thiết thực đó là có sự tự tin hơn khi đứng trên sân khấu đông khán giả, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần, sống vui, sống khỏe. 


DUY MINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ