A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Leo thang căng thẳng giữa Nga và NATO, EU

QPTĐ-Nếu như mấy thập kỷ trước, Trung Đông, Bắc Phi là “Hỏa Diệm Sơn” của thế giới với các cuộc xung đột ở Kawaii, Iraq, Syria, Lybia, Afghanistan thì gió đã đổi chiều với “cuộc chiến tranh thông tin” về mối nguy cơ chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân ở Iran, Triều Tiên và hiện nay là xung đột ở Ukraine.

Hơn ba chục năm sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga đang lấy lại vị thế, trở thành siêu cường về quân sự, kinh tế, đối trọng với Mỹ và phương Tây, khiến thế giới trở lại mối quan hệ đa cực, không phải là câu chuyện dễ dàng, khó nuốt trôi với các cái đầu nóng, cực đoan phương Tây, thổi bùng tái diễn Chiến tranh Lạnh, đối đầu giữa Nga và Mỹ, phương Tây.

Thập kỷ qua, sau sự kiện Crimea (mùa Xuân năm 2014), Điện Kremlin công nhận bán đảo Crimea trở về Đất Mẹ Nga, trong cuộc Cách mạng Màu, biểu tình đường phố Maidan do phương Tây khởi xướng; Mỹ và phương Tây đã áp hàng loạt lệnh cấm vận, trừng phạt Nga, nhất là sau cuộc chiến ở Ukraine (từ tháng 2/2022), Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt, ngăn chính quyền Kiev “quân sự hóa”, “phát xít hóa”. Hiện tại, châu Âu trở thành điểm nóng, ngọn núi lửa của thế giới.

Ngày 18/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhóm Buchrest Nine (B-9) bao gồm Ba Lan, Romania, Lithuania, Latvia-đại diện cho Nhóm 9 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO, 32 nước); ở khu vực sườn phía Đông, nhóm họp, thảo luận về các vụ xâm phạm không phận NATO gần đây của máy bay không người lái Nga, cũng như các bước cần thiết ở cấp quốc gia và cấp liên minh để củng cố không phận NATO. Các Bộ trưởng Quốc phòng đã ký một văn bản, gửi các đồng minh khác, nhấn mạnh rằng, đây là một thực tế mới không thể bỏ qua cũng như không thể không có phản ứng quyết đoán.

Đại diện Nhóm B-9 đưa ra bằng chứng, hồi đầu tháng 9 vừa qua, máy bay không người lái của Nga có trang bị thuốc nổ, được cho là bay từ lãnh thổ Belarus, rơi ở Latvia, Romania, kể cả vụ tên lửa Nga bay qua lãnh thổ NATO. Vì thế, NATO phải tăng cường năng lực phát hiện, xác định và vô hiệu hóa các vật thể bay thấp và chậm cũng như phòng không luân phiên phải được triển khai ngay lập tức.

Tại sự kiện German Marshall Fund (19/9), Tổng Thư ký NATO J.Stoltengberg  kêu gọi Mỹ và đồng minh tăng cường viện trợ vũ khí, đạn dược cho Kiev, hòng đánh bại Nga. “Nghịch lý là, chúng ta càng cung cấp nhiều vũ khí cho Ukraine, khả năng chúng ta được hòa bình và chấm dứt chiến tranh càng cao. Tôi không tin rằng, chúng ta có thể thay đổi suy nghĩ của ông V.Putin. Nhưng tôi tin rằng, chúng ta có thể thay đổi tính toán của ông ấy”.

Trước đó, ngày 16-17/9, phát biểu với báo giới, Tổng Thư ký NATO nói: “Ông ấy (Tổng thống Nga V.Putin) từng tuyên bố nhiều về “lằn ranh đỏ” nhưng ông ấy chưa leo thang vì nhận ra điều này cũng liên quan trực tiếp đến các đồng minh NATO trong cuộc xung đột. NATO là liên minh quân sự mạnh nhất thế giới. Họ cũng nhận ra rằng, vũ khí hạt nhân, chiến tranh hạt nhân, không thể giành chiến thắng và không nên thực hiện”.

Nghị viện châu Âu (EP, ngày 19/9) nhóm họp, bỏ phiếu ủng hộ việc dỡ bỏ hạn chế vũ khí, cho phép Kiev tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa của phương Tây. Châu Âu kêu gọi thành lập các cơ sở sản xuất quân sự tại Ukraine và tích hợp hơn nữa tổ hợp công nghiệp quân sự nước này vào nền quốc phòng và công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU). Các quốc gia thành viên EU và đồng minh NATO yêu cầu cam kết hỗ trợ tập thể và song phương về quân sự cho chính quyền Kiev, với ít nhất 0,25% GDP hằng năm. Tuy nhiên, các nghị quyết của EP không có hiệu lực pháp lý, chỉ mang tính tham khảo với các nước.

Trước đó, EU ban hành 14 gói cấm vận Nga, nhằm vào các ngành xuất khẩu ngũ cốc, phân bón, nguyên vật liệu thô như nhôm, thép, uranium, titan, niken, gỗ và các sản phẩm gỗ, khí đốt, dầu mỏ, ngăn chặn việc tái xuất khẩu sản phẩm. EU kêu gọi trừng phạt ngành công nghiệp điện hạt nhân của Nga, phong tỏa hàng trăm tỉ USD của Nga, lấy lợi nhuận này hỗ trợ Kiev. Tuy nhiên, cản trở lại là Hungaria, quốc gia gần như duy nhất trong EU, phản đối chính sách “bài Nga, thân Mỹ” của châu Âu.

Trong chuyến thăm Nhà Trắng, tuần qua, tân Thủ tướng Anh K.Starmer và Ngoại trưởng D.Lammy đã hội đàm với người đồng cấp Mỹ J.Biden và A.Blinken, thảo luận về những vấn đề toàn cầu và châu Âu.  Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ J.Kirby nói: “Không có thay đổi nào trong quan điểm của chúng tôi về việc cung cấp khả năng tấn công tầm xa để Kiev tiến hành vào lãnh thổ Nga. Ông V.Putin bắt đầu vung thanh kiếm hạt nhân. Chúng tôi quan tâm đến điều đó”.

Đáp trả những phát ngôn nóng của các nhà lãnh đạo NATO và EU, EP; Người phát ngôn Điện Kremlin D.Peskov (18/9) trả lời báo chí: “Việc không tôn trọng những lời tuyên bố của Tổng thống Nga là một động thái hoàn toàn thiển cận, thiếu chuyên nghiệp”. Thái độ, lập trường của ông Tổng Thư ký NATO là “vô cùng khiêu khích và nguy hiểm”-Ông D.Keskov nhấn mạnh. Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đặc phái viên Nga V.Nebenzia tuyên bố, các nước NATO sẽ bị coi là “khởi động chiến tranh mở” với Nga nếu cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa. “NATO sẽ là một bên trực tiếp tham gia các hành động thù địch chống lại một cường quốc hạt nhân”.

Chủ tịch Hạ viện Nga V.Volodin (19/9) cảnh báo về một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu phương Tây bật đèn xanh cho Kiev tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia D.Medvedev, cựu Tổng thống, cựu Thủ tướng Nga cảnh báo, Moskva sẽ áp dụng học thuyết hạt nhân khi an ninh quốc gia bị đe dọa. Tổng thống V.Putin cũng tuyên bố: “Nếu phương Tây quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công Nga, điều đó đồng nghĩa với các quốc gia NATO như Mỹ và các nước châu Âu tham gia trực tiếp vào cuộc chiến này. Dĩ nhiên, điều này sẽ làm thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột. Nga sẽ đáp tra thích đáng”.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga không nói rõ, biện pháp đáp trả là gì. Giới quân sự phỏng đoán, có thể là một cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân nào đó, bởi Nga đã dừng từ năm 1990. Hoặc Nga sẽ tấn công đáp trả vào hạ tầng quân sự, tài sản của Mỹ, Anh ở nước ngoài hay đóng cửa Đại sứ quán. Tuy nhiên, Nga sẽ không tấn công lãnh thổ NATO-Nhóm chuyên gia phương Tây nhận định.

                                    NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ