A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về Thạch Thất thăm xã 2 lần Anh hùng

 

TỪ TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG

Từ tháng 5-1947, thực dân Pháp lập phòng tuyến bảo vệ Hà Nội, đóng quân ở các bốt Phùng, Sấu Giá, Mai Lĩnh, Thanh Quang, đồng thời, bắn pháo vào các địa phương lân cận. Với tinh thần đấu tranh kiên cường, dân quân du kích xã Đại Đồng được tổ chức với số lượng ngày càng tăng (đến cuối năm 1948 là 294 người), là lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng làng kháng chiến, tuần tra canh gác, giữ gìn an ninh chính trị tại địa phương.

 

 

Cổng làng Đại Đồng, Xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất.

 

Đội thường xuyên luyện tập sẵn sàng chiến đấu, phối hợp với các lực lượng hàng đêm tổ chức quấy rối các đồn bốt địch, làm cho chúng hoang mang, lo sợ. Thời kỳ này, Ủy ban kháng chiến hành chính xã được thành lập, đẩy mạnh công tác lãnh đạo nhân dân xây dựng làng kháng chiến. Tận dụng hệ thống ao, ngòi và lũy tre ở các bìa làng, nhân dân các thôn, xóm chặt tre ken dày đặc xung quanh, mỗi gia đình đều đào từ 1-2 hầm trú ẩn. Thực hiện “vườn không nhà trống”, nhân dân tổ chức xây dựng các lán trại xa khu dân cư làm nơi cất trữ lương thực phòng bị địch cướp bóc. Để triển khai thực hiện phương án chiến đấu, dân quân du kích xã đã đào được 2,5 km hào giao thông ven các đường làng, ngõ xóm, đồng thời, huy động hàng nghìn ngày công tham gia đào đắp hàng trăm ụ đất trên tuyến đường 32, 21A để ngăn địch, cắm nhiều chông, gài các bãi mìn ở một số điểm ngăn địch nhảy dù. Cùng với đó, Ủy ban kháng chiến hành chính xã đã thành lập “Quỹ kháng chiến”, các mẹ trong Hội phụ nữ cứu quốc tổ chức “Ban bảo trợ du kích”, hàng ngày đi quyên góp lương thực, thực phẩm, tiền. Chỉ trong một thời gian ngắn, cả xã đã quyên góp được trên 5 tấn thóc, 7.200 đồng giúp đỡ dân quân du kích, xây dựng 2 lò rèn, tận dụng sắt thép phế liệu để sản xuất dao, kiếm trang bị cho các đội viên. Trên các tường nhà, nơi công cộng, đâu đâu cũng được kẻ vẽ những khẩu hiệu hành động “Đả đảo giặc Pháp xâm lược”, “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Mỗi làng là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”…Nhờ sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, nhân dân và du kích xã Đại Đồng đã phối hợp với bộ đội tham gia đánh nhiều trận chống địch càn quét, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Có thể kể đến các trận đánh tiêu biểu như: Đêm 25/9/1950, phối hợp với cán bộ, chiến sĩ C254 tỉnh Sơn Tây san phẳng bốt Đại Đồng; ngày 15/7/1954, cùng với bộ đội Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 364, Đại đoàn 304 đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch vào các xóm Rộc Đoài, Đình Rối, tiêu diệt 50 tên, bắn bị thương nhiều tên, phá hủy 1 xe quân sự…Với thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, năm 2005, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Đại Đồng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân”.

 

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân xã Đại Đồng tự hào đã đóng góp một phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, 642 thanh niên ưu tú của Đại Đồng đã lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc (gia đình ông Kiều Văn Hành có 6 người con trai đều tòng quân đánh Mỹ, gia đình ông Vũ Đình Cúc cả 5 bố con, anh em đều tham gia bộ đội…), trong đó, 74 chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, 37 người là thương binh; cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đại Đồng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 26 huân chương kháng chiến hạng Nhất, 33 Huân chương chiến công giải phóng, 120 bảng vàng danh dự, 241 bảng gia đình vẻ vang, 15 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

 

ĐẾN XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ và nhân dân xã Đại Đồng đã đạt được những thành tựu lớn, năm 2006, được Chủ tịch nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động. Ông Nguyễn Hữu Minh, Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng cho biết: “Đến nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, sản xuất, kinh doanh…trên địa bàn xã được tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định. Tính đến năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống chỉ còn 3,1%; 90% số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 11/11 thôn dân cư giữ vững danh hiệu Làng văn hóa; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%; 100% dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh; 25 năm liền (1990-2015) tại địa phương không có đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người...Năm 2014, xã được UBND thành phố Hà Nội trao bằng công nhận Đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2015”.

 

Là địa phương có truyền thống hiếu học (tính đến tháng 6/2015, toàn xã có trên 1.200 người có trình độ Đại học trở lên, trong đó có 14 Tiến sĩ), 82% thanh niên có trình độ THPT, đó là nguồn lực to lớn, lợi thế để xã Đại Đồng tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Chúng tôi tin tưởng rằng, cán bộ, nhân dân và LLVT xã Đại Đồng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống địa phương 2 lần được tuyên dương Anh hùng, giữ vững và nâng cao hơn nữa các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, xây dựng quê hương Đại Đồng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

Đỗ Ngọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ