A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sơn Tây một thời khói lửa

 

Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng tỉnh Sơn Tây (cũ) 3-8-1954, Ban liên lạc Hội cán bộ kháng chiến của tỉnh lại gặp gỡ cùng nhau nhớ về những năm tháng khó khăn, gian khổ nhưng đầy oanh liệt và tự hào. Năm nay cũng vậy, Hội cán bộ kháng chiến tỉnh Sơn Tây có 238 thành viên, đến nay người còn, người mất, nhiều đồng chí tuổi cao, sức yếu nhưng họ vẫn tìm về với nhau để sống lại ký ức của một thời khói lửa.

 

 

Thành cổ Sơn Tây.

 

Thực hiện dã tâm xâm lược, tái khôi phục chế độ thống trị thực dân đối với nước ta, ngày 18-12-1946, tướng Pháp Mooclie gửi cho Chính phủ ta tối hậu thư. Thay mặt Đảng và Chính phủ, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Muốn hoàn thành xâm lược Việt Nam thì thực dân Pháp phải chiếm được Thủ đô Hà Nội, song làm được điều đó thì phải thôn tính được chiếc “áo giáp” Sơn Tây. Vì vậy trong những năm tháng chống Pháp xâm lược, cuộc chiến đấu của quân và dân Sơn Tây diễn ra hết sức gay go, ác liệt.

 

Theo bác Hoàng Mạnh Phú, Trưởng Ban liên lạc Hội cán bộ kháng chiến tỉnh Sơn Tây (cũ), cuộc kháng chiến chống Pháp của Sơn Tây chia làm 4 giai đoạn chính: Từ 1946-1948, chuẩn bị chiến tranh, khi giặc chiếm Thủ đô thì Sơn Tây trở thành nơi  bị uy hiếp, chúng tôi ở Sơn Tây lúc đó phải thực hiện chiến lược “vườn không, nhà trống” nhằm ngăn chặn, làm chậm bước tiến của địch, không để cho chúng có nơi tập kết, trú quân lâu dài; triệt để phá các cầu đường quan trọng, kiểm soát các đường giao thông để địch không lấn chiếm được. Giai đoạn này, Sơn Tây đã phối hợp với Mặt trận Thủ đô, bằng lực lượng vũ trang địa phương với vũ khí thô sơ và vũ khí tự tạo, chủ động chặn đánh các cuộc hành quân lấn chiếm của địch từ Hà Đông sang, từ Lương Sơn (Hoà Bình) tràn qua. Trong thời gian đầu, các cuộc chiến đấu chỉ mới diễn ra cục bộ, ngắn ngày. Để chỉ đạo kháng chiến, Đại hội Đảng bộ Sơn Tây họp đầu năm 1948 đã ra Nghị quyết: Xây dựng cơ sở, củng cố chính quyền; phát triển lực lượng vũ trang; đoàn kết rộng rãi toàn dân; đẩy mạnh chiến tranh nhân dân. Trong gần 2 năm, Đảng bộ và quân dân tỉnh Sơn Tây đã trải nghiệm chiến tranh, chuẩn bị một bước quan trọng về tinh thần, lực lượng và những điều kiện vật chất cho cuộc kháng chiến lâu dài.

 

Giai đoạn thứ hai là từ ngày 7/11/1948-4/1951, địch bắt đầu nhảy dù chiếm Sơn Tây. Pháp tập trung lực lượng lớn bất ngờ tiến đánh Sơn Tây từ 3 mặt: Quân nhảy dù xuống Chiều Dương (xã Phú Cường, huyện Quảng Oai) và Việt Trì; bộ binh cơ giới từ Hà Nội qua Phùng theo Đường 11 (nay là Đường 32) và đê sông Hồng tiến lên thị xã Sơn Tây; quân nhảy dù dùng ca nô theo sông Hồng đổ bộ xuống thị xã Sơn Tây. Thực hiện khẩu hiệu “Mỗi làng là một pháo đài”, “Mỗi người dân là một chiến sĩ”, vận động nhân dân triệt để tản cư, thực hiện “vườn không, nhà trống” hầu hết các xã đều tổ chức chống địch vây càn, chủ yếu dùng mìn tự động hoặc giật mìn diệt địch. Trong giai đoạn này, các lực lượng vũ trang còn phối hợp với bộ đội chủ lực đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở phía Bắc và phía Nam tỉnh…

 

Đến giai đoạn thứ ba từ tháng 5/1951-8/1953, cuộc kháng chiến của nhân dân Sơn Tây gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhất, đã trải nghiệm những thử thách khốc liệt của chiến tranh, đã chịu nhiều hy sinh, tổn thất, nhiều người từng đánh giá Sơn Tây là “Bình-Trị-Thiên” của Bắc bộ. Trong bối cảnh đó, Tỉnh uỷ Sơn Tây ra nghị quyết chuyển hướng chỉ đạo, lấy đấu tranh chính trị-kinh tế là chính, áp dụng phổ biến phương thức kết hợp đấu tranh hợp pháp với bất hợp pháp, lấy dân vận và địch vận là 2 khâu công tác chính…

 

Giai đoạn thứ tư, từ tháng 8/1953 - 8/1954, đây là thời kỳ chuẩn bị tư tưởng và lực lượng đón thời cơ tổng phản công. Bước vào chiến dịch Thu-Đông năm 1953 và Đông-Xuân năm 1954, một không khí chuẩn bị tổng phản công diễn ra sôi nổi khẩn trương. Trong bối cảnh đó Tỉnh uỷ Sơn Tây quyết định chuyển hướng chỉ đạo, kết hợp đấu tranh chính trị, kinh tế với đấu tranh vũ trang; chuẩn bị đưa đấu tranh vũ trang lên hàng đầu, tạo điều kiện để mở các cuộc du kích. Tư tưởng chỉ đạo đúng này đã có ảnh hưởng quyết định trong giai đoạn kết thúc chiến tranh…

 

Sau hơn 2.000 ngày đêm chiến đấu ngoan cường chống thực dân Pháp, chiến tranh đã chấm dứt vào 3/8/1954. Quân viễn chinh Pháp rút hoàn toàn khỏi Sơn Tây, tập kết về Hải Phòng. Bộ đội và cán bộ ta vào tiếp quản thị xã Sơn Tây và các huyện trong tỉnh. Sự kiện này đánh dấu một mốc lịch sử: Sơn Tây được hoàn toàn giải phóng.

 

Bác Hoàng Mạnh Phú cho biết: “Thời đó, tôi tham gia với tư cách Bí thư Huyện uỷ Quảng Oai cũ (gồm 16 xã), nay là huyện Ba Vì, tham gia cuộc kháng chiến Sơn Tây từ năm 1946 đến 1954. Tôi không trực tiếp chiến đấu nhưng chỉ đạo các cơ sở chiến tranh nhân dân, chiến tranh vùng địch hậu như: Công tác dân vận, địch vận, xây dựng cơ sở vùng tạm chiếm cho tới lúc giải phóng Sơn Tây… Điển hình khi ở trong vùng địch hậu, nhiệm vụ của chúng tôi khi ấy là làm thế nào gây dựng được cơ sở trong thanh niên, phụ nữ, phụ lão, dân quân tự vệ; đồng thời đấu tranh chính trị, chống bắt lính, bắt phu và chống thu thuế, vận động lương thực; tiến đến xây dựng các khu du kích, huấn luyện các lực lượng vũ trang, rào làng kháng chiến.

 

Có thể khẳng định, bản chất nhân dân ta yêu nước nồng nàn và dũng cảm nhưng thời kỳ này chúng tôi cũng phải không ngừng giáo dục để nhân dân hiểu tại sao giặc Pháp lại xâm lược nước ta và là người dân đất Việt, chúng ta cần phải đứng lên bảo vệ độc lập, tự do”.

 

Bác Phú bồi hồi: Suốt quá trình kháng chiến ở Sơn Tây, có biết bao kỷ niệm nhưng tôi nhớ nhất trận càn của Pháp vào năm 1952, tôi đã thoát chết nhờ sự trung kiên của nhân dân. Khi ấy, quân Pháp tới vây làng Phú Cường, Phú Thịnh, tôi nằm dưới hầm của một gia đình cơ sở cách mạng. Sau khi lục lọi không thấy, chúng lùa hết dân ra đình làng để tra tấn, yêu cầu khai ra nơi ẩn nấp của cán bộ (khi ấy tôi đang là Bí thư Huyện uỷ) nhưng chủ nhà nhất định không khai. Đó là kỷ niệm tôi không bao giờ quên.

 

Đến năm 1954, sau khi giải phóng Sơn Tây, chúng tôi tiếp tục lãnh đạo nhân dân trong công cuộc khôi phục sau chiến tranh như: Phát triển kinh tế, xây dựng, làm đổi công, hợp tác hoá, đưa khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp, xây dựng Đảng, hệ thống chính quyền, đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm hậu thuẫn cho cuộc kháng chiến, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

 

Trần Hiền


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ