A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nơi phát hiệu lệnh cho Hà Nội mở đầu Toàn quốc kháng chiến

 

NƠI PHÁT HIỆU LỆNH CHO HÀ NỘI MỞ ĐẦU TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN

Pháo đài Láng thuộc thôn Láng Trung, xã Yên Lãng, nay là phố Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Pháo đài Láng do quân Pháp xây dựng trong thời kỳ Đại chiến thế giới lần thứ II (1941-1945) nhằm mục đích phòng thủ khu vực Hà Nội với nhiệm vụ chủ yếu đánh trả máy bay quân đội Nhật. Pháo đài Láng được xây dựng trên một khu đất cao bằng phẳng, rộng khoảng 1.000m2, cạnh Đài Khí tượng thuỷ văn. Tại đây có 4 khẩu pháo 75mm, được gắn chặt vào bệ bê tông, bố trí ở bốn góc, giữa là Sở chỉ huy được nối với nhau bởi hệ thống hào giao thông và công sự chiến đấu. Pháo đài được Đài Khí tượng thuỷ văn cung cấp các số lệnh khí tượng phục vụ cho nhiệm vụ.

 

 

Di tích lịch sử Pháo đài Láng.

 

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Pháo đài Láng đã vào tay Quân giải phóng. Ngày 22-12-1946, Chính phủ ra Sắc lệnh đổi tên Vệ quốc đoàn thành Quân đội quốc gia Việt Nam, do đó bộ đội Thủ đô được tổ chức lại thành 5 tiểu đoàn bộ đội bộ binh và 4 trung đội pháo binh ở 4 khu vực: Pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh và Thổ Khối. Theo lịch sử phường Láng Thượng: Trung đội pháo binh ở Pháo đài Láng có hơn 40 đội viên, gồm phần lớn các chiến sĩ Giải phóng quân, binh lính khố đỏ cũ do ông đội Gia chỉ huy đã theo cách mạng trở về pháo đài và một số chiến sĩ tự vệ Yên Lãng, những người am hiểu địa hình đã có công bảo vệ pháo đài. Sau khi ổn định tổ chức, anh em tu sửa lại các khẩu pháo bị hỏng và chỉnh lại đài quan sát. Một số các bà, các chị phụ nữ tích cực tham gia vào đội tiếp tế, hàng ngày nấu cơm ở chùa Láng rồi cử người gánh xuống Đền Vườn cho bộ đội pháo đài và dân quân tự vệ về Yên Lãng (chừng 50 người). Nguồn thóc do sư chùa Láng ủng hộ, sau ban tiếp tế vận động nhân dân trong xã ủng hộ.

 

Ngày 16-12-1946, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí Vương Thừa Vũ  trong Bộ Tư lệnh Mặt trận Hà Nội đến kiểm tra phương án tác chiến, thăm hỏi, động viên các chiến sĩ, tất cả quân và dân Yên Lãng đã sẵn sàng chiến đấu.

 

Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng 20 giờ 3 phút ngày 19-12-1946, cùng với tiếng mìn phá nhà máy điện, đèn điện tắt cũng là lúc Pháo đài Láng được lệnh nổ súng bắn vào quân Pháp trong thành Hà Nội, mở đầu cho cả nước kháng chiến. Khẩu pháo tại  di tích hiện  nay là 1 trong 2 khẩu pháo thời kỳ đó đã mở đầu cho quân và dân Hà Nội “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, bảo vệ Thủ đô yêu dấu. Nơi đây cũng chính là cội nguồn xây dựng  và trưởng thành của lực lượng pháo binh Việt Nam Anh hùng. Ngay từ đêm đầu tiên chiến đấu, Pháo đài Láng đã bắn trúng nhiều trại lính Pháp ở nội thành, gây tổn thất nặng cho chúng. Thấy được sự lợi hại của Pháo đài Láng, ngay sáng hôm sau, giặc Pháp cho máy bay trinh sát đến để dò xét, chỉ điểm cho pháo bắn vào. Sáng 22-12-1946, để tiêu diệt mối họa do máy bay trinh sát địch gây ra, một khẩu đội của Pháo đài Láng bắn trúng máy bay trinh sát địch, xác máy bay rơi ở phố Hàng Bột. Lại thêm một chiến công của Pháo đài Láng. Lần đầu tiên ta bắn rơi máy bay địch trên vùng trời Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã gửi thư khen chiến công của các chiến sĩ Pháo đàng Láng…

 

Đến ngày 20 tháng Chạp, tức ngày 11-1-1947, Bộ đội Pháo đài Láng được lệnh rút về phía sau, mang theo khẩu pháo có bánh xe mới được tăng cường cùng đạn dược, phá hủy các khẩu súng không mang đi được, không cho địch sử dụng. Với thành tích trong chiến đấu, năm 1993, Pháo đài Láng được Bộ Văn hoá-Thông tin trao Bằng công nhận Di tích lịch sử-văn hoá.

 

PHƯỜNG LÁNG THƯỢNG ANH HÙNG LLVT THỜI KỲ CHỐNG PHÁP

Phường Láng Thượng được hình thành từ thôn Láng Thượng và một phần của thôn Láng Trung của xã Yên Lãng, quận Đống Đa, Hà Nội. Làng Láng có nghề trồng rau gia vị từ lâu đời, có kinh nghiệm, kỹ thuật khéo léo, sản phẩm ngày càng phong phú với chất lượng cao. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Yên Lãng một lòng theo Đảng, ủng hộ Việt Minh chống Pháp, chống Nhật. Khi thời cơ đến, Yên Lãng cùng cả nước thực hiện Tổng khởi nghĩa thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân. Thực dân Pháp trở lại nước ta, ngày 5/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động lập hũ gạo kháng chiến, Tuần lễ vàng phục vụ kháng chiến kiến quốc, nhân dân làng Láng đã tích cực hưởng ứng, đóng góp.

 

Trong 60 ngày đêm khói lửa, với những vũ khí sẵn có trong tay, người dân Yên Lãng chiến đấu với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Từ Pháo đài Láng, hàng loạt đạn nổ vang trời bắn vào các trại lính Pháp ở nội thành, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Nhân dân Yên Lãng đã tổ chức nhiều hoạt động: Tiếp lương, tải đạn, phục vụ hậu cần cho đơn vị Pháo đài Láng. Những năm địch tạm chiếm, với lòng trung kiên bất khuất, nhân dân Yên Lãng duy trì cuộc chiến đấu với nhiều hình thức, phối hợp với bộ đội tổ chức chống càn, phá tề, trừ gian, chống ách kìm kẹp của thực dân Pháp, bảo vệ cơ sở kháng chiến, tích cực đóng góp sức người, sức của đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.

 

Hoà bình lập lại, nhân dân Yên Lãng tích cực khôi phục, phát triển kinh tế, thực hiện cải cách ruộng đất, bảo đảm người cày có ruộng. Nhân dân phấn khởi, tích cực sản xuất, phát triển kinh tế, văn hoá ở địa phương theo con đường đi lên CNXH.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Yên Lãng vừa sản xuất, vừa chiến đấu dũng cảm, cùng quân và dân miền Bắc đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, mà đỉnh cao là trận “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972; thực hiện tốt nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến, bảo đảm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Hàng trăm thanh niên Yên Lãng đã lên đường chiến đấu trên khắp các chiến trường và lập công xuất sắc.

 

Với những thành tích đặc  biệt xuất sắc, năm 2003, phường Láng Thượng đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân” thời kỳ chống Pháp và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba thời kỳ đổi mới.

 

Hiền Mĩ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ