A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tam Hưng ngày ấy huy tưởng

 

Về quê hương Tam Hưng, huyện Thanh Oai, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi mới của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Những con đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, hệ thống các công trình phúc lợi và trường học, trạm y tế được quy hoạch khang trang. Đặc biệt là những khu di tích lịch sử văn hóa, đình chùa và các căn cứ địa kháng chiến thời kỳ chống thực  dân Pháp vẫn còn nguyên vẹn.

 

 

Du kích Tam Hưng luyện tập sẵn sàng đánh giặc.

 

Chúng tôi tìm đến thăm gia đình cụ Nguyễn Văn Nghĩa (86 tuổi). Trong ngôi nhà ấm cúng, cụ vẫn nhớ rất chi tiết một thời trai trẻ tham gia lực lượng du kích cùng nhân dân trong xã đấu tranh chống giặc Pháp, bảo vệ quê hương. Theo lời kể của cụ: Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tam Hưng có khoảng trên 800 hộ dân, sinh sống ở 8 thôn: Tê Quả, Đại Định, Lê Dương, Bối Khê, Phúc Khê, Hưng Giáo, Bùi Xá và Văn Khê. Từ khi Đảng ra đời, một số thanh niên yêu nước ở các thôn Đại Định, Bối Khê, Hưng Giáo đã tiếp thu ánh sáng cách mạng của Đảng tham gia phong trào dân chủ và các Hội ái hữu, tổ chức các hoạt động truyền bá cho nhân dân trong làng, trong xóm đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống chiến tranh, chống phát xít, phản động, thuộc địa.

 

Sau khi được thành lập năm 1941, Mặt trận Việt Minh đã nhanh chóng phát triển ở Hà Đông. Khi đó, nhiều tài liệu quan trọng của Mặt trận Việt Minh được chuyển về xã Tam Hưng, tuyên truyền giác ngộ quần chúng nhân dân đi theo cách mạng. Năm 1944, Mặt trận Việt Minh ở thôn Bối Khê được thành lập. Các cơ sở cách mạng đã hoạt động tích cực trong việc đào tạo, bồi dưỡng kết nạp một số quần chúng ưu tú làm nhiệm vụ liên lạc cho cách mạng, gây dựng phát triển phong trào đấu tranh ở các thôn trong xã và các vùng lân cận. Khi lực lượng được mở rộng, hàng loạt hoạt động đấu tranh kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh, tổ chức rải truyền đơn, dán áp phích tố cáo tội ác của Nhật- Pháp và bè lũ tay sai. Từ phong trào đấu tranh cách mạng ở thôn Bối Khê, Mặt trận Việt Minh đã phát triển đến các thôn Hưng Giáo, Đại Định, Tê Quả. Nhiều trí thức giàu lòng yêu nước đã tập  hợp lại để hoạt động như nhóm “Hương Quốc” ở thôn Hưng Giáo do các đồng chí Lê Kim Cúc, Lê Kim Ngô và Lê Kim Gia phụ trách. Hoạt động chủ yếu là sưu tầm sách báo tiến bộ và tổ chức đọc, bình luận, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh cách mạng cứu nước. Mặc dù lúc đầu mang tính tự phát nhưng sau đó đã hoạt động theo sự chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh. Các hội viên nhóm “Hương Quốc” sau này đều trở thành những cán bộ cốt cán của “Thanh niên cứu quốc”, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở cách mạng và lãnh đạo phong trào quần chúng đấu tranh cách mạng trên địa bàn xã Tam Hưng.

 

Sáng ngày 19/8/1945, đồng chí Tạ Đình Đề đã chỉ huy hàng nghìn quần chúng nhân dân ở 8 thôn trong xã, phối hợp với các xã lân cận mang theo cờ đỏ sao vàng kéo lên Bình Đà, đồng thanh hô khẩu hiệu “Đả đảo Chính phủ Nam triều”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm”. Tên quan tri huyện Lê Quang Nhạ đã hoảng sợ trước khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân, tìm đường bỏ trốn. Lực lượng khởi nghĩa các thôn đã tước triện bạ, sổ sách của chính quyền bù nhìn tay sai, tuyên bố xóa bỏ mọi chính sách của bọn thực dân Pháp, thiết lập chính quyền cách mạng lâm thời. Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời các thôn gồm các đồng chí: Tạ Đình Hùng (thôn Tê Quả), Lê Năng Lương (thôn Hưng Giáo), Tổng Miết (thôn Văn Khê), Phạm Duy Khương (thôn Đại Định), Vương Đình Dốc (thôn Lê Dương), Lê Thiện Thuật (thôn Song Khê). Chỉ trong thời gian ngắn, với sự đấu tranh của đông đảo quần chúng nhân dân, sự hỗ trợ của lực lượng tự vệ, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở xã Tam Hưng giành thắng lợi hoàn toàn.

 

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân xã Tam Hưng đã bám đất, bám làng, anh dũng, kiên cường chiến đấu. Một mặt củng cố, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng, tổ chức thành lập hai đại đội du kích, trong đó có một trung đội “Cảm tử quân”, mặt khác tăng cường củng cố xây dựng 7.800 mét rào tre, đào 400 hầm bí mật và 4.700 mét đường địa đạo dưới lòng đất để phòng tránh, đánh giặc. Điển hình trong trận chống càn ngày 19/9/1949, lực lượng du kích của xã Tam Hưng đã kiên cường chiến đấu trước nhiều đợt tấn công dữ dội  của gần 1.000 binh lính Pháp có pháo binh từ các bốt lân cận yểm trợ.  Sau trận đánh này, Tỉnh ủy Hà Đông đã phát động toàn tỉnh học tập xây dựng Làng kháng chiến kiểu mẫu xã Tam Hưng.

 

Nhìn lại những trang lịch sử trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Tam Hưng có trên 800 thanh niên tham gia nhập ngũ và thanh niên xung phong; ở hậu phương, lực lượng du kích đã phối hợp với bộ đội chủ lực và độc lập tham gia chiến đấu 172 trận, tiêu diệt, bắt sống 405 tên địch, thu giữ hàng trăm súng các loại. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Tam Hưng lại tiếp tục đóng góp sức người, sức của chi viện  cho miền  Nam ruột  thịt. Toàn xã có 1.400 thanh niên lên đường chiến đấu ở khắp các chiến trường. Ở hậu phương, lực lượng dân quân phòng không vừa lao động sản xuất, vừa ứng trực chiến đấu tại các trận địa, cùng với bộ đội chủ lực bảo vệ an toàn 30 cơ quan, kho tàng bí mật của Trung ương, tỉnh và hàng nghìn người dân Hà Nội về sơ tán tại địa phương.

 

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân xã Tam Hưng không ngừng phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.\

 

Huy Tưởng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội