A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyết tử quân Lý Đàm Nghiên

 

Làng văn hóa Lũng Kinh, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức là một làng quê bình dị, không tấp nập, sầm uất như nhiều làng quê khác của thành phố Hà Nội trong phong trào nông thôn mới đang được triển khai sâu rộng. Tuy nhiên, Lũng Kinh lại là một trong 4 làng của xã Đức Giang giàu truyền thống lịch sử cách mạng. Đình làng Lũng Kinh được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa. Chùa Lũng Kinh có niên đại trên 300 năm và cũng được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa. Trong cuốn Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Đức Giang (1930- 2010) đã nêu bật truyền thống yêu nước của nhân dân xã Đức Giang. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, xã Đức Giang đã tiến hành tiêu thổ kháng chiến. Thanh niên tình nguyện tham gia chiến đấu trên mặt trận Hà Nội rất đông, trong đó có Lý Đàm Nghiên, người làng Lũng Kinh. Tháng 12/1946, Lý Đàm Nghiên vào Vệ quốc đoàn và anh tình nguyện ghi tên vào cảm tử quân. Rạng sáng ngày 13/1/1947, đồng chí Lý Đàm Nghiên đã anh dũng hy sinh, khi ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch trong một trận đánh ở Ngã tư Kim Liên (Hà Nội). Như vậy, kể từ khi nhập ngũ đến lúc hy sinh, Lý Đàm Nghiên mới có 20 ngày trong quân ngũ và khi hy sinh anh mới 22 tuổi.

 

 

Quê hương người Anh hùng Lý Đàm Nghiên.

 

Chúng tôi đến thăm ngôi nhà số 23, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, nơi ở của gia đình Đại tá Mai Đắc Hiền, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn 11.  Năm 1946, ông là Trung đội trưởng Trung đội cảm tử thuộc Trung đoàn 37 (Sư đoàn 304). Trong văn bản xác nhận thành tích của liệt sĩ Lý Đàm Nghiên ngày 9/7/1997, ông đã viết: “…Trung đội cảm tử chúng tôi được lệnh đánh địch ở ngã tư Kim Liên. Trong cuộc họp trước khi đi làm nhiệm vụ, đồng chí Lý Đàm Nghiên đã nói: “Dù có phải hy sinh để đánh đuổi thực dân, phong kiến, làm cho dân ta được tự do, sung sướng là tôi mãn nguyện”. Ông viết tiếp: “Tối ngày 12/1/1947, Tổ cảm tử quân gồm 3 người do tôi làm Tổ trưởng, đồng chí Trung làm nhiệm vụ yểm trợ, đồng chí  Lý Đàm Nghiên trực tiếp đánh bom ba càng… Khoảng 2 giờ sáng  ngày 13-1, tôi ra lệnh cho đồng chí Nghiên ôm bom ba càng xông lên mặt đê tiêu diệt xe tăng địch. Đồng chí Lý Đàm Nghiên đã đánh cháy xe tăng địch và anh dũng hy sinh…”.  Đại tá Doãn Huy Chu, nguyên Chính ủy Sư đoàn 472, là bạn chiến đấu với Đại tá Mai Hiền. Thời đó, ông là cán bộ trung đội thuộc Đại đội 55, Tiểu đoàn 64. Đơn vị ông chốt giữ các vị trí trên địa bàn ngã tư Kim Liên- Ô Cầu Dền. Ông cũng đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Lý Đàm Nghiên và Lê Gia Định, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 101 Vệ quốc đoàn, đã dùng đạn pháo đánh xe tăng địch để bảo vệ Bắc Bộ phủ. Đại tá Doãn Huy Chu cũng đồng tình với ý kiến của Đại tá Mai Đắc Hiền đề nghị Nhà nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho cả Lý Đàm Nghiên và Lê Gia Định, những chiến sĩ cảm tử đầu tiên khi Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc.

 

Khi trở lại thôn Lũng Kinh, chúng tôi được cả gia đình của Anh hùng liệt sĩ (AHLS) Lý Đàm Nghiên đón tiếp thân thiết như người nhà đi xa mới về. Các ông, bà Lý Đàm Phái, Lý Thị Mậu và Lý Thị Xuân là em gái AHLS Lý Đàm Nghiên đều bùi ngùi khi kể về tuổi thơ đầy khó khăn, nhọc nhằn của ông Lý Đàm Nghiên. Mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới 6 tuổi, ông đã được gia đình người bác họ ở quê đón về nuôi. Đến thời giặc giã, ông nhất quyết đi bộ đội. Bà Mậu kể rằng, khi ấy cả nhà thương ông,  không ai muốn cho đi, nhưng không thay đổi được quyết định của ông. Được 20 ngày sau, thì nghe tin ông đã hy sinh trong đội quân cảm tử. Đau xót lắm các ông ạ! Bà Mậu rưng rưng… Ông Lý Đàm Phái kể, tôi là anh nhưng lại ít tuổi hơn ông em là Lý Đàm Nghiên. Lần cuối tôi thấy là khi chú ấy đứng cạnh bể nước ngoài sân. Người cao lớn, mặc chiếc áo trấn thủ. Chú ấy cười rất tươi chào mọi người… Không ngờ sau lần gặp đó, chú ấy ra đi mãi mãi… Còn anh Lý Đàm Nghĩa, cháu thờ phụng AHLS Lý Đàm Nghiên thì nói rằng, cả gia đình, dòng họ, bà con thôn Lũng Kinh và nhân dân xã Đức Giang đều tự hào vì có một người Anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc ngay từ ngày đầu Toàn quốc kháng chiến.

 

Tuy nhiên, trong khi làm việc và tìm hiểu tình hình tại đây, chúng tôi thấy bà con thôn Lũng Kinh, gia đình dòng họ AHLS Lý Đàm Nghiên đều có nguyện vọng được đặt lại tên con đường tỉnh lộ 422 nối từ ngã tư Trạm Trôi đến Sơn Đồng hiện nay thành đường Lý Đàm Nghiên. Bà con ở đây cho biết, trước đây con đường này đã từng mang tên là đường Lý Đàm Nghiên. Trong bản xác nhận thành tích của liệt sĩ Lý Đàm Nghiên do Đại tá Mai Đắc Hiền viết vào năm 1997, đã nhắc đến con đường Lý Đàm Nghiên, như vậy có thể hiểu con đường mang tên Lý Đàm Nghiên đã có từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nay, con đường đã được thay bằng tên gọi đường 422, đã tạo nên những thắc mắc cho người dân nơi đây. Bà Lý Thị Xuân-em gái của AHLS Lý Đàm Nghiên chỉ mong muốn việc đặt tên con đường Lý Đàm Nghiên để lưu giữ muôn đời cho con cháu noi theo, chứ gia đình cũng không đòi hỏi gì cả. Còn các bà Lê Thị Lãng, Nguyễn Thị Hồng mà chúng tôi đã gặp một cách ngẫu nhiên, đều mong muốn Nhà nước đặt tên Lý Đàm Nghiên và có thể thì xây tượng đài Lý Đàm Nghiên ở quê hương ông.

 

Trao đổi với đồng chí Cao Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Giang về nguyện vọng của gia đình và nhân dân, chúng tôi được biết UBND xã đã nhận được đơn kiến nghị của gia đình, dòng họ và ý kiến của nhân dân về việc đặt lại tên con đường 422 thành đường Lý Đàm Nghiên và UBND xã cũng đã chuyển ý kiến này lên cấp trên. Tuy nhiên, để thay đổi một cái tên trên tuyến đường tỉnh lộ- theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND- là không đơn giản, bởi nó liên quan đến quy hoạch, đến thẩm quyền. UBND xã cũng đã và đang nghiên cứu phương án khác, có thể đặt tên cho một con đường nào đó trên địa bàn huyện quản lý mang tên Lý Đàm Nghiên.

 

Lấy tên một vị Anh hùng có công với nước để đặt tên cho một tuyến đường, tuyến phố là việc làm nhiều ý nghĩa và trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều tuyến đường như thế, nhất là người anh hùng đó lại là người con của quê hương thì tính chất giáo dục truyền thống càng trở nên sâu sắc. Nguyện vọng của gia đình, dòng họ và nhân dân thôn Lũng Kinh muốn đặt lại tên Lý Đàm Nghiên cho con đường 422 hiện nay là một nguyện vọng chính đáng và nên được các cấp xem xét. Tấm gương của AHLS Lý Đàm Nghiên mãi mãi là tấm gương hy sinh cao cả, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” cho các thế hệ noi theo. Và AHLS Lý Đàm Nghiên đã trở nên bất tử trong lòng nhân dân. Đó là điều thiêng liêng nhất.

 

Nguyễn Long


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ