Quyền con người trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Bài 1: Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân
QPTĐ-Dân chủ và quyền con người có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, vì vậy, để bảo vệ và thúc đẩy có hiệu quả các quyền con người đòi hỏi phải tăng cường và mở rộng, phát huy dân chủ. Với cách tiếp cận trên, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội.
Việt Nam cam kết và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong thực tế.
Quyền con người và dân chủ
Dân chủ và quyền con người có mối quan hệ mật thiết, tuy không phải là hai phạm trù đồng nhất. Một trong những tiêu chí đầu tiên và cơ bản của một xã hội có dân chủ là mọi cá nhân, nhóm và chủ thể khác nhau đều có các quyền và cơ hội bình đẳng để nêu lên ý kiến, quan điểm của mình và tham gia vào mọi tiến trình chính trị. Sự tôn trọng các quyền và tự do cá nhân, đặc biệt là các quyền dân sự, chính trị, cùng với các nguyên tắc pháp quyền, bình đẳng, không phân biệt đối xử, cùng tồn tại trong đa dạng, là những yêu cầu không thể thiếu và được tuân thủ nghiêm ngặt trong một nhà nước dân chủ.
Tất cả những đặc trưng và yêu cầu kể trên của một xã hội dân chủ chính là những đầu mối kết nối dân chủ và quyền con người. Không thể xây dựng một xã hội dân chủ nếu không tôn trọng và bảo vệ các quyền con người; và ngược lại, các quyền con người cũng không thể được bảo đảm một cách đầy đủ và thực sự nếu xã hội không có dân chủ.
Trên thực tế, một trong hai điều ước quốc tế cơ bản nhất về quyền con người là Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) hàm chứa những chuẩn mực của một xã hội dân chủ. Trong khi đó, các quyền được ghi nhận trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) chỉ có thể được thực hiện một cách hiệu quả trong bối cảnh một nhà nước dân chủ và pháp quyền. Điều 21 của Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 cũng nêu rõ:
1. Mọi người đều có quyền tham gia quản lý đất nước mình, một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại diện mà họ tự do lựa chọn.
2. Mọi người đều có quyền được tiếp cận các cơ quan công quyền ở nước mình một cách bình đẳng.
3. Ý chí của nhân dân phải là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền; ý chí đó phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, được tổ chức theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín, hoặc bằng những thủ tục bầu cử tự do tương tự.
Trong văn kiện của Hội nghị Thượng đỉnh thế giới năm 2005 cũng khẳng định: Chúng tôi tái khẳng định rằng dân chủ là một giá trị phổ quát dựa trên ý chí của nhân dân được tự do bày tỏ để quyết định hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của riêng họ và tham gia đầy đủ của họ vào mọi khía cạnh đời sống...
Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa
Mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong những mục tiêu và hoạt động xuyên suốt của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới. Cốt lõi tư tưởng của Đảng về mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa thể hiện ở việc hoàn thiện và hiện thực hóa cơ chế bảo đảm sự tham gia có hiệu quả của mọi tầng lớp nhân dân vào tất cả các quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách và quy định pháp luật của Đảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực.
Trên thực tế, trong hơn 30 năm đổi mới, quan điểm, tư tưởng và tinh thần dân chủ của Đảng, Nhà nước ta được vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của đất nước và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Điều đó được thể hiện rõ nét trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ban hành Hiến pháp năm 2013 với nhiều sửa đổi, bổ sung rất mới, quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân chính là cơ sở bảo đảm cho nhân dân các quyền cơ bản như: Quyền được thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do sáng tạo, quyền đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, quyền thảo luận và biểu quyết những vấn đề quan trọng trong xây dựng đất nước. Nhân dân có quyền thảo luận và giám sát các dự án về an sinh xã hội, về xóa đói, giảm nghèo, về hỗ trợ do thiên tai...
Để tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI, văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thế chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp năm 2013. Thực hiện tốt, có hiệu quả trong thực tế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Văn kiện Đại hội XIII cũng yêu cầu tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo nền tảng chính trị, pháp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ; hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo phải tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân.
Bên cạnh đó, đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tính tích cực chính trị-xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức.
Phát huy tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa, khơi dậy được sức mạnh tiềm tàng và vô tận trong dân, chúng ta nhất định xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phương Minh