Rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay
QPTĐ- Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, nó được bắt nguồn từ tồn tại xã hội và phản ánh tồn tại xã hội. Đạo đức có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội ở mỗi quốc gia, dân tộc.
Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã và đang diễn ra sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Ðảng; xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Để đạt được mục tiêu đó, việc rèn luyện đạo đức người cách mạng của cán bộ hiện nay là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên trong công tác cán bộ. Theo Hồ Chí Minh: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".
Thấm nhuần lời dạy của Người, đối với mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay càng cần phải ý thức trách nhiệm, không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, luôn ghi nhớ, khắc sâu và thực hiện tốt các yêu cầu sau:
Thứ nhất : “Trung với nước”, đòi hỏi phải đặt quyền lợi của Tổ quốc, của Đảng lên trên hết, trước hết. Người cán bộ, đặc biệt đối với lãnh đạo quản lý là người giữ trọng trách trong bộ máy của hệ thống chính trị càng cần có đức tính hy sinh cho lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, luôn gần gũi với nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng cố làm; việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng cố tránh.
Điều này càng đặc biệt quan trọng trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi các lợi ích đặt ra cho mọi người, trong đó có lợi ích cá nhân trong mối quan hệ với lợi ích của tập thể và lợi ích của Tổ quốc. Người cán bộ, đảng viên cũng như bao con người khác, cũng có những nhu cầu chính đáng về cuộc sống vật chất và tinh thần, nhưng có khác là ở chỗ khi cần, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của cá nhân mình, của gia đình mình cho lợi ích tối thượng của Đảng, của Tổ quốc.
Mọi người, kể cả những cán bộ lãnh đạo, quản lý được khuyến khích làm giàu, nhưng đó là làm giàu chính đáng, chứ không phải làm giàu với bất cứ giá nào, làm giàu bất chấp đạo lý, làm giàu bằng tham nhũng, dùng mọi biện pháp, lúc trắng trợn, lúc tinh vi, chiếm đoạt của công làm của riêng.
“Hiếu với dân”, đòi hỏi trước hết phải hiếu với cha mẹ, có tình yêu thương trong gia đình, cao hơn nữa là có đức hiếu với dân tộc, giai cấp và nhân dân. Vì chính nhân dân đã sinh ra, nuôi dưỡng, rèn luyện, chở che đùm bọc và giúp đỡ người cán bộ trong lúc khó khăn, gian khổ khi hoạt động cách mạng trước đây cũng như hiện nay. Hiếu với dân đòi hỏi người cán bộ phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, rèn luyện về nhân cách đạo đức và trình độ chuyên môn, phấn đấu trở thành tấm gương tốt trong lĩnh vực công tác, học tập, lao động sản xuất của mình. Người cán bộ, đảng viên mà nêu gương xấu, gương mờ trong đời tư thì tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng không lãnh đạo, quản lý được ai một cách thực chất; nói không ai nghe, làm không ai theo, là đạo đức giả, gây phản cảm.
Thứ hai, nhân cách, đạo đức của người cán bộ còn biểu hiện ở đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
“Cần” là cần cù, siêng năng, chịu khó, biết vượt qua khó khăn, gian khổ để làm việc nhằm tăng năng suất lao động. Năng suất lao động của mỗi cá nhân là điều kiện để tạo thành năng suất lao động xã hội. Vì vậy, người cán bộ luôn phải chú ý tới hiệu quả, chất lượng công tác của mình.
“Kiệm” là tiết kiệm. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần phải đi đôi với kiệm; cần mà không kiệm thì tiền như “gió vào nhà trống”. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải luôn kiên quyết, đi đầu về thực hành tiết kiệm, là tấm gương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để mọi người học tập, noi theo. Tuy nhiên, kiệm không có nghĩa là bủn xỉn, mà là việc gì đáng chi thì phải chi, việc gì chưa đáng chi thì khoan hẵng chi, việc gì không đáng chi thì dứt khoát không chi. Đây chính là bài học cơ bản nhất, lâu dài nhất, cần phải học cả đời người, đối với mọi đối tượng, từ con người bình thường và càng đặc biệt hơn đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý là những người nắm quyền, nắm tiền, nếu không chịu rèn luyện đức tính tiết kiệm thì rất dễ bị tha hoá về nhân cách.
“Liêm” là liêm khiết, là trong sạch, không tham ô, tham lam (cả tiền bạc, địa vị). Liêm khiết là một biểu hiện rất rõ của nhân cách con người. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý không những cần rèn cho mình đức tính không tham lam, không tham nhũng mà còn phải đấu tranh không khoan nhượng chống lại những biểu hiện đó. Nhưng trong thực tế, đã có không ít người tìm mọi cách "hạ bệ", nói xấu, kèn cựa, níu kéo nhau, nịnh bợ, cơ hội,... trong công tác cán bộ, công tác nhân sự để kiếm chác chức vụ. Nếu có chí tiến thủ, bằng tài năng và đức độ phấn đấu đạt được chức vụ cao một cách chính đáng để phục vụ Đảng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì đó là điều đáng mừng, nó tô đẹp thêm cho nhân cách của con người. Còn ngược lại, bằng những biện pháp, thủ đoạn không chính đáng để "chạy chức, chạy quyền" thì đó là điều đáng báo động về nhân cách.
“Chính” là ngay thẳng, chính trực, luôn quang minh chính đại – một yêu cầu quan trọng về đạo đức của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Để đạt được phẩm chất này đòi hỏi phải không ngừng nỗ lực rèn luyện bản thân mình, đồng thời luôn tích cực, thẳng thắn đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong xã hội, nhất là tệ tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, hách dịch, cục bộ, bè phái trong cơ quan, đơn vị. Để rèn luyện đức tính này đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có thái độ rõ ràng, trong cuộc sống và công tác luôn yêu cái thiện, ghét cái ác; luôn hành động, làm gương cho mọi người.
“Chí công vô tư” là chống chủ nghĩa cá nhân. Rèn đức tính này đòi hỏi người cán bộ phải luôn có ý thức và hành động chăm lo đến lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân mà người cán bộ đặc biệt là lãnh đạo, quản lý phải vừa tôn trọng tập thể, bảo đảm dân chủ trong công việc, vừa dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tính quyết đoán vì công việc hơn lúc nào hết.
Thứ ba, nhân cách, đạo đức của người cán bộ đòi hỏi phải thường xuyên nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, trở thành tấm gương sáng cho những người xung quanh noi theo. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng không phải cứ tự nhiên có được, mà phải là kết quả của sự rèn luyện tự giác, thường xuyên, suốt đời. Tự giác, tự nguyện, tự tu dưỡng, bồi dưỡng nhân cách phải trở thành nếp sống hằng ngày của người cán bộ. Người nhấn mạnh, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức có liên quan đến sự thành bại của cách mạng, sự sống còn của Đảng, của chế độ. Song thực tế hiện nay, có không ít người chỉ nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo. Điều này là rất nguy hiểm, người cán bộ lãnh đạo, quản lý mà nói không đi đôi với làm thì sẽ bị sa vào lối đạo đức giả, tạo ra sự phản cảm ghê gớm, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Vì vậy, người cán bộ phải luôn rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, trở thành tấm gương sáng về nói đi đôi với làm để mọi người học tập, noi theo.
Thứ tư, xây đi đôi với chống. Đây cũng là phẩm chất đạo đức cần có đối với mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý. “Xây” là xây dựng, học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, xây dựng chủ nghĩa tập thể, xây dựng tinh thần phụng sự Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, sự đoàn kết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị; còn “chống” là chống chủ nghĩa cá nhân, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chống thói kiêu ngạo, vô tổ chức, vô kỷ luật…
Trong đời sống xã hội, những hiện tượng tốt – xấu, đúng – sai, cao thượng – thấp hèn… vẫn tồn tại đan xen, đối chọi, thúc đẩy hoặc kìm hãm nhau. Vì vậy phải luôn kết hợp “xây” với “chống”, trong đó xây là nổi trội để phát huy cái tốt, từng bước loại trừ những hiện tượng tiêu cực, những thói hư, tật xấu ra khỏi đời sống xã hội.
Thứ năm, luôn tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình là một trong những động lực mạnh mẽ cho sự tiến bộ trưởng thành, phát triển của mỗi cá nhân và các tổ chức cách mạng; là vũ khí sắc bén của Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình tu dưỡng rèn luyện, xây dựng và nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Vì vậy, phê bình và tự phê bình phải đi đôi với nhau. Việc này phải được tiến hành thường xuyên triệt để, chỉ rõ nguyên nhân, biện pháp cụ thể để sửa chữa, không được nể nang, né tránh, che dấu khuyết điểm, ngại đấu tranh, thiếu trung thực. Phê bình và tự phê bình để đồng chí, đồng đội nhận ra khuyết điểm để khắc phục, tuyệt đối không được lợi dụng phê bình và tự phê bình để gây mất đoàn kết nội bộ, phá nát tổ chức.
Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng là việc làm thường xuyên, liên tục của người cán bộ cách mạng. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã và đang tiếp tục mang lại những thành tựu to lớn về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nhưng cũng đặt con người trước những thử thách quyết liệt, nhất là đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý, nếu không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng rất dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng, lợi dụng quyền lực để vun vén cá nhân, làm suy yếu bộ máy nhà nước và mất niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của chế độ.
Th.s TRẦN THỊ THANH
Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc