A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhận diện căn bệnh tham lam, kiêu ngạo, hiếu danh

 

QPTĐ-Người được cất nhắc, bầu vào vị trí lãnh đạo sẽ có cơ hội lớn tiến bộ, trưởng thành, mang tài trí của mình để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Nhưng trước những cám dỗ của đồng tiền, quyền uy, một số cán bộ, đảng viên đã  suy thoái, biến chất, đi vào con đường ăn chơi sa đọa. Đó là mầm mống của bệnh tham lam, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Hiện nay, nhận diện, phòng và chống các bệnh trên cũng chính là xây dựng và bảo vệ Đảng.

Thực hiện tốt công tác cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh để phòng chống bệnh tham lam, kiêu ngạo, hiếu danh.

Biểu hiện của tham lam, kiêu ngạo, hiếu danh

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những căn bệnh của đảng viên “có chức, có quyền” như: Bệnh tham lam, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc lãnh tụ... Trong đó, về bệnh kiêu ngạo, hiếu danh, Người phân tích: "Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ "tự tư tự lợi". Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình... Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình".

Không chỉ mắc vào thói ăn chơi, đua đòi, một số cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vun vén lợi ích cho gia đình, người thân. Dùng quyền lực để chèn ép dân lành, làm những điều sai trái. Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ rõ một số cán bộ “vì tư thù tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho dân oán thán”, họ coi mình là quan cách mạng, ỷ thế, cậy quyền: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân”. Vì đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể nên ở nhiều cơ quan, đơn vị xảy ra tình trạng mất đoàn kết, phe cánh, đấu đá lẫn nhau, và hậu quả lại là người dân hứng chịu. 

Trong giai đoạn hiện nay, biểu hiện rõ nhất của bệnh tham lam, kiêu ngạo, hiếu danh là tham vọng quyền lực. Trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng gần đây đã đề cập nhiều kiểu “chạy” thể hiện rất rõ căn bệnh này như: Chạy tuổi, chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy quy hoạch, chạy việc, chạy vào chỗ có liên quan đến vật chất để hòng lợi dụng thu vén cá nhân... Người tham vọng quyền lực thì họ cũng dễ mắc vào các kiểu “chạy” để được đề bạt, bổ nhiệm vào những chức vụ trong hệ thống chính trị, đặc biệt là những chức vụ liên quan nhiều đến lợi ích vật chất. Người kiêu ngạo, hiếu danh còn khuếch đại, phô trương công trạng của mình để tìm mọi cách để đưa những người trong gia đình, những bè bạn, những người cùng cánh hẩu, nghĩa là những người thân tín, vào nắm giữ các chức vụ ở các cấp. Do đó, hình thành các nhóm lợi ích, mà thực chất là cũng chỉ mưu cho lợi ích cá nhân. 

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã chỉ ra rất nhiều biểu hiện về tham vọng quyền lực. Cụ thể là: “Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh”; “tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”; “kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng”, “háo danh”; “thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.

Chặn đứng tham vọng quyền lực

Để chữa bệnh tham lam, kiêu ngạo, hiếu danh, trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. 

Vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, để ngăn chặn tham vọng quyền lực một cách hiệu quả, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, trước hết là sự tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện của từng cá nhân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng; khiêm tốn, thật thà, không được đố kỵ, luôn luôn tự răn mình, tự hạ mình xuống thấp hơn tổ chức Đảng và nhân dân.

Cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng chỉ rõ: Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức, cách chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, lựa chọn người có đủ đức, đủ tài, vừa hồng, vừa chuyên, có tâm, có tầm, chọn những người có bản lĩnh chính trị vững vàng. Cùng với đó, công tác cán bộ phải được công khai để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và giám sát. Khi quy hoạch và lựa chọn cán bộ, lựa chọn nhân sự cần các kênh giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội… Đồng thời, thông qua các cơ quan kiểm tra, cơ quan thanh tra, ủy ban kiểm tra các cấp rà soát, phát hiện xem cán bộ có đủ các tiêu chuẩn không, kiên quyết không để những người có tham vọng quyền lực vào các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ