A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trị dứt điểm bệnh “tranh công, đổ lỗi”

 

QPTĐ-Có công thì vơ vội, lỗi lầm thì đổ cho người khác, đổ cho tập thể, nguyên nhân khách quan thậm chí đổ lỗi cho nhiệm kỳ trước. Đó là một trong những biểu hiện của sa sút về lý tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ có chức, có quyền. Trị bệnh “tranh công, đổ lỗi” của cán bộ, đảng viên vừa là nhiệm vụ cấp bách, cũng là nhiệm vụ lâu dài của Đảng ta hiện nay.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự mẫu mực, tiêu biểu về phẩm chất đạo đức cách mạng.

Căn bệnh trầm kha

Đã là người Việt Nam, không ai không biết đến truyện cổ tích Thạch Sanh. Trong truyện, nếu như Thạch Sanh là đại diện của lòng dũng cảm, sự vô tư, chân thật, trong sáng thì Lý Thông là đại diện của sự tham lam, nham hiểm, độc ác, là điển hình của sự “lừa thầy, phản bạn”. Đầu tiên, y đã lừa Thạch Sanh đi "nộp mạng" cho Trăn tinh thay mình. Lần thứ hai, sau khi Trăn tinh bị giết, y lại lừa Thạch Sanh trốn đi để hưởng công hưởng lợi với triều đình. Đến lần thứ ba, Lý Thông đã nhẫn tâm lấp hang đá để hưởng công lao cứu công chúa. Và nhờ sự giả dối, Lý Thông đã thoát chết, đã được làm quan và suýt cưới được công chúa nếu nàng không khôn ngoan giả câm. Nhân vật Lý Thông do đó đã trở nên điển hình của sự giả dối, một kẻ “tranh công, đổ lỗi” trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam.

Trong đời thực ngày nay vẫn còn không ít hạng người như Lý Thông trong truyện cổ tích. Nguy hiểm hơn, những kẻ này lại đang nằm trong các cơ quan công quyền của Nhà nước. Đó là những kẻ bất tài, đố kỵ, ghen ghét, gièm pha người chính trực, tài năng nhưng lại xu phụ cấp trên để “hưởng lộc”. Có thể “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, với cơ quan chỉ là người thừa nhưng rất nguy hiểm vì có thể hãm hại người tài mất cảnh giác. Đó là những kẻ vô cảm, vô trách nhiệm, lại lười biếng nhưng thích thể hiện, thích ăn chơi hưởng thụ, sa đọa. Khi có thành tích thì vơ vào, nhận công nhưng khi có khuyết điểm, hạn chế thì chối bay, chối biến, đổ thừa cho khách quan, cho cấp dưới, thậm chí đổ cho những người ở nhiệm kỳ trước. Chúng ta không khỏi chạnh lòng khi một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ có chức, có quyền sa sút về lý tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Họ không chịu tu dưỡng, rèn luyện mình, không khép mình vào trong tổ chức mà cấu kết với nhau tạo thành những nhóm lợi ích bòn rút của công, chia chác lợi ích trên mồ hôi, công sức của người lao động... Vậy nhưng, không ít người trong số họ lại luôn chứng tỏ mình là người trong sạch và "dạy" người khác phải thế này, thế kia. Họ cứ đương nhiên coi tiêu cực, lãng phí, tham nhũng kia xảy ra ở nơi khác chứ không phải trong cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị do họ lãnh đạo. Những biểu hiện như vậy đã gieo mầm bệnh làm đau yếu tổ chức, gây giảm sút năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cũng trong quá trình đó, những cán bộ, đảng viên chân chính, trung thực sinh ra chán nản, giảm sút ý chí và vơi cạn tình yêu dành cho tổ chức, đơn vị. Tinh thần trách nhiệm và khả năng cống hiến cũng vì đó dần tiêu tan.

Trị dứt điểm bệnh “tranh công, đổ lỗi” 

Để tuyên chiến, đẩy lùi vấn nạn tranh công, cướp công, né tránh trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, trước hết, toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội cần nhận thức rõ về những biểu hiện, tính chất, sự nguy hại của căn bệnh này đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, đối với đạo đức công vụ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng. Trên cơ sở nhận thức đúng, cả hệ thống chính trị và toàn dân mới quyết liệt vào cuộc, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh, diệt khử từng bước vấn nạn “tranh công, đổ lỗi”.

Trong công tác đánh giá cán bộ, đánh giá chất lượng nhiệm vụ, các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị-xã hội cần xây dựng hệ thống tiêu chí cụ thể để đánh giá, nhận diện biểu hiện “tranh công, đổ lỗi”, coi đó là một tiêu chí quan trọng trong hệ tiêu chí đánh giá cán bộ. Trên cơ sở kết quả đánh giá, việc một cá nhân được tập thể phát hiện, phản ánh có biểu hiện tranh công, hoặc đổ lỗi thì tổ chức và cơ quan chức năng phải quyết liệt kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời và có biện pháp xử lý thích đáng, thậm chí phải tiến hành kỷ luật nếu cần thiết. Nhất quyết không được xem nhẹ, cả nể, bỏ qua với bất kỳ biểu hiện nào dù nhỏ nhất của việc tranh công, đùn đẩy trách nhiệm.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, có thể coi phương châm “5 rõ”: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả” là một sáng tạo của Hà Nội. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để trị bệnh tranh công, trốn tránh trách nhiệm. Trong mọi hoạt động xã hội nói chung và trong vận hành bộ máy công quyền nói riêng, không phân định được mọi thứ rõ ràng đương nhiên công việc không những không chạy êm chèo mát mái mà còn là sự chồng chéo, trùng lặp người xuôi người ngược không đạt hiệu quả và xảy ra lãng phí nhân lực, tài lực. Nhiều thứ không rành rõ thì những hệ lụy, hậu quả tiêu cực không thể xác định được do đâu, tại ai. Ngược lại, cái tốt, cái mới, nhân tố tích cực cũng không được phát huy, nhân rộng. Và đấy là mảnh đất màu mỡ để bệnh “tranh công, đổ lỗi” nảy nở, tồn tại. 

Cùng với đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự mẫu mực, tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, năng lực. Muốn vậy, phải thường xuyên giáo dục cho cán bộ, đảng viên tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng; hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân; sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Luôn nêu cao tinh thần yêu nước, có nhận thức và thái độ chính trị đúng đắn, khắc phục vượt qua mọi khó khăn thử thách, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng, phương pháp làm việc có kế hoạch, khoa học, cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo, sâu sát thực tiễn; nêu cao tinh thần sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cá nhân trong mọi công việc.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ