A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trì trệ, bàn lùi, thiếu chí tiến thủ: Lối sống cần phải loại bỏ

 

QPTĐ-Đảng viên là “chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong”, điều đó đồng nghĩa đảng viên khác với đông đảo quần chúng ở phẩm chất tiên phong, gương mẫu. Nhưng bên cạnh những tấm gương cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) thường xuyên nuôi dưỡng và thể hiện chí tiến thủ, vẫn còn xuất hiện một bộ phận CB, ĐV “sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao”- Một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII đã chỉ ra.

Cán bộ, đảng viên cần tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng ngừa và chữa bệnh trì trệ, bàn lùi. (Hình ảnh Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị tại Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương). 

“Thu mình” chờ thời: Lối sống cơ hội

Nói tới vai trò của ý chí, từ xưa đến nay đã có nhiều câu đúc kết về một trong những yếu tố quan trọng làm nên tư cách và thành công của mỗi con người. Ví như: “Có chí thì nên”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”…để nói lên sự kiên trì, bền bỉ rèn luyện mới có được. Thế nhưng, ngược lại với vai trò của ý chí, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn không khó để bắt gặp những CB, ĐV có lối sống “thu mình” khép kín, thiếu chí tiến thủ, nặng tư tưởng bàn lùi. Có thể tạm chia thành hai bộ phận CB, ĐV như thế.

 Bộ phận CB, ĐV “thu mình thụ động”, thường có lối sống cầu an, thiếu chí tiến thủ, sống khép kín, ít can thiệp vào vấn đề thực tại, an phận, bằng lòng đến nhu nhược như khuôn thước đã định sẵn. Nguồn gốc hình thành nên lối sống “thu mình thụ động” này bắt nguồn từ phai nhạt ý chí, thường rơi vào trường hợp CB, ĐV nhiều năm giữ một cương vị, không được điều động sang vị trí khác hay bổ nhiệm cương vị cao hơn thì nảy sinh tư tưởng cầm chừng, làm việc thiếu nhiệt huyết, không say mê nghiên cứu, học tập, suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo để thúc đẩy, bứt phá công việc đi lên, thậm chí an phận thủ thường, mũ ni che tai, ai nói gì cũng mặc kệ, thủ tiêu tính đấu tranh phê bình. 

Còn bộ phận CB, ĐV “thu mình chủ động”, biểu hiện dễ thấy nhất là trước thời điểm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ của các tổ chức Đảng, chính quyền hoặc đề bạt nâng lương, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ. Là thời điểm nhạy cảm, nên những CB, ĐV này luôn biết thích ứng “gió chiều nào, che chiều ấy”, “thu mình” không chỉ có ở các hoạt động bề nổi, mà ngay ở các lĩnh vực tĩnh, mang tính nội tâm cũng có sự thu mình một cách khôn khéo, biết cách dung hòa các mối quan hệ để lấy lòng mọi người. 

Vậy nên, dù CB, ĐV có lối sống thu mình “thụ động” hay “chủ động” đều chứa đựng ý đồ thiếu trong sáng, thiếu lành mạnh, cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng. Thực tế cho thấy, tổ chức Đảng mà có nhiều CB, ĐV sống “thu mình” sẽ xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ; chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của cấp trên, các phong trào hành động cách mạng bị thờ ơ, trên nóng dưới lạnh, làm việc tà tà, dễ làm khó bỏ. Cụ thể như các công trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội. Bởi ở đó là những công việc tất bật, gấp rút, sôi nổi, nhưng đằng này lại được “đắp chiếu” ngủ yên. Hay trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước ta xác định chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân, với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp chỉ đạo quyệt liệt, các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước luôn có mặt kịp thời nơi tâm dịch, địa bàn nóng nhất để động viên, sát cánh cùng nhân dân chống dịch. Nhưng ngược lại với tinh thần cấp bách, khẩn trương thì vẫn còn những CB, ĐV có chức vụ thờ ơ, vô cảm…

  Chữa bệnh phải bắt đầu từ tư tưởng

Năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra khá rõ nét những hạn chế về tư cách CB, ĐV và cũng là biểu hiện của bệnh trì trệ, thu mình. Đó là: “Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc gì dễ thì tranh lấy cho mình. Việc gì khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách để trốn tránh”. Và: “Thấy những việc có hại đến dân chúng cũng mặc kệ, không khuyên răn, không ngăn cản, không giải thích. Làm việc không có kế hoạch, gặp sao làm vậy, làm lấy lệ, làm không có ngăn nắp, làm không đến nơi đến chốn”. Chống bệnh trì trệ, thu mình là trả lại cho Đảng giá trị thiêng liêng “tiên phong, gương mẫu”, tăng sức mạnh cho tổ chức Đảng. Như trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo: “Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”. Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tôi đã nhiều lần nói rồi; nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm! Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”.

Để khắc phục được tình trạng trên, các cấp ủy, tổ chức Đảng, khi xem xét, đánh giá CB, ĐV, phải dựa vào tiêu chí, nội dung đăng ký thực hiện và kết quả công tác của mỗi người, bảo đảm thực chất trong đánh giá, xếp loại CB, ĐV hằng năm, khắc phục triệt để việc đánh giá CB, ĐV một cách chung chung. Thông qua đó tạo động lực để CB, ĐV phấn đấu vươn lên. Đối với mỗi CB, ĐV hiện nay, phải giữ vững tính chất tiên phong và vai trò gương mẫu cả trong tư tưởng và cả hành động, cả trong đạo đức lẫn trong cuộc sống. Muốn vậy, trước hết phải rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng, phân biệt rạch ròi giữa đúng với sai, đủ dũng khí làm theo cái tốt, đấu tranh loại bỏ tiêu cực, cơ hội từ chính bản thân mình. Rèn luyện bản lĩnh chính trị còn giúp CB, ĐV tránh căn bệnh trì trệ, thu mình, kiêu ngạo, chủ quan. Muốn vậy, mỗi CB, ĐV phải luôn luôn đặt mình vào trong tổ chức, không đứng ngoài, đứng trên tổ chức, tập thể, cộng đồng. Chỉ có tự giác và nghiêm chỉnh thực hiện mọi chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, học tập, noi gương đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, tin tưởng vào mục tiêu lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thì lòng dạ mới trong sáng mãi và bản lĩnh chính trị mới giữ được như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ