Nhớ lời cảnh tỉnh của Bác để tránh “đạn bọc đường”
QPTĐ-Trong bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh tỉnh: “...Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy”. Đã 67 năm nhưng lời cảnh tỉnh của Bác vẫn luôn thời sự như ngày hôm qua.
Cán bộ, đảng viên phải có sức đề kháng cao trước mọi loại “đạn bọc đường”. (Tranh cổ động: Internet)
Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, qua các giai đoạn lịch sử, lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên có đức, có tài của Đảng được nhân dân tin tưởng ủy thác quyền lực, đã mật thiết gắn bó với nhân dân, trở thành tấm gương sáng ngời về ý chí cách mạng, về sự tận tụy hy sinh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nếu trước đây, hình ảnh người cán bộ, đảng viên luôn là hình ảnh cao quý, không chút bụi mờ, thì giờ đây một bộ phận cán bộ, đảng viên đã tha hóa, biến chất, trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”, làm hoen ố hình ảnh, thanh danh cao quý bấy lâu của người cán bộ cách mạng, gây bức xúc và lo âu trong toàn Đảng, toàn dân.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước”.
Trong ba nhóm biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII xác định, dễ nhận thấy nhiều biểu hiện suy thoái, tha hóa quyền lực. Sự tha hóa quyền lực hiện nay diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức, và có thể thấy rõ trong công tác cán bộ. Đó là hiện tượng “hậu duệ, quan hệ” trong tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm “thần tốc” người nhà hơn người tài, gây ra hiện trạng “cả họ làm quan”. Không chỉ vậy, bệnh tư duy nhiệm kỳ, bệnh thành tích, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm đã trở thành một thứ quyền lực tha hóa, phản phát triển và băng hoại các giá trị đạo đức.
Điều hết sức nguy hại của bệnh tha hóa quyền lực là nó xảy ra ở một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức quyền, nắm giữ vị trí then chốt trong huyết mạch của nền kinh tế đất nước. Không ít người trong số cán bộ đã tha hóa quyền lực không phải vì non kém trình độ, mà đã từng trải về chính trị, giàu kinh nghiệm thực tiễn nhưng đã bị những viên “đạn bọc đường” bắn gục, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm pháp luật, sa vào tham ô, tham nhũng... Thực chất là họ đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật, kẽ hở của quản lý, tự tung tự tác, lạm dụng quyền lực trong cuộc đua chức quyền-danh lợi. Đáng lưu ý hơn, có những người đến khi gục ngã trước những viên “đạn bọc đường", bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự mới nhận ra sai lầm của mình, lúc muộn màng nói lời tâm sự "giá mà", "nếu như",để lại nỗi đau cho bản thân, gia đình, đồng chí, bè bạn, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức.
Do vậy, cuộc chiến chống “đạn bọc đường" phải bắt đầu từ công việc tự soi, tự sửa, giống như chúng ta đánh răng, rửa mặt hàng ngày, phải phòng ngừa, ngăn chặn ngay những cám dỗ tiền tài, danh vọng, vật chất, sắc đẹp xung quanh mình. Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ quản lý cần thấm nhuần tinh thần từ Quy định số 205-QĐ/TƯ ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị khóa XII quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Song điều quan trọng hơn với mỗi cán bộ, đảng viên là không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng khi nắm trong tay quyền lực để tránh tha hóa, bị “đạn bọc đường” làm cho sa ngã.
Trong đời sống, "đảng viên đi trước, làng nước theo sau", nhân dân luôn nhìn vào cán bộ, đảng viên để nghe theo, làm theo. Vì thế, mỗi đảng viên muốn nêu gương thì nói phải đi đôi với làm trên cả ba mặt: Với người, với mình, với việc. Theo đó, đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, khoan dung, độ lượng, không “dối trên, lừa dưới”.
Đối với mình, không được tự cao, tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, mà phải luôn học tập cầu tiến, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa điều dở của bản thân. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, đặt việc công lên đầu. Đặc biệt, người có địa vị càng cao thì càng phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình, càng phải ra sức hoàn thiện về đạo đức cách mạng, nhất quán giữa nói và làm...
Cùng với tăng cường, siết chặt cơ chế kiểm soát quyền lực của Nhà nước, thì mỗi cơ quan, đơn vị cần chủ động rà soát quy định, quy chế nội bộ để mỗi cán bộ, đảng viên khi nắm quyền lực trong tay không có cơ hội và không dám lạm quyền, lộng quyền hoặc bị ngã gục trước "đạn bọc đường".
Bên cạnh đó, việc đầu tư chiến lược và lâu dài cho công tác nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, chế độ đãi ngộ với đội ngũ cán bộ, đảng viên là hết sức cần thiết. Thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần động viên, quan tâm và tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ tận tâm, tận lực cống hiến nhiều hơn trong công việc được giao và giữ vững sự liêm chính, không bị sa ngã trước những cám dỗ vật chất.
Nhớ lời cảnh tỉnh của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên đều có sức đề kháng cao trước mọi loại "đạn bọc đường" thì càng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Phương Minh