A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Ganh ghét, đố kỵ”: Căn nguyên của mất đoàn kết nội bộ

 

QPTĐ-Đoàn kết thống nhất là sinh mệnh của Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng, cơ sở để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngọn lửa nhiệt huyết của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) sẽ được nhen lên, bùng cháy, khi sức mạnh đoàn kết, tinh thần thương yêu đồng chí trong tổ chức Đảng được phát huy. Nhưng thực tế, vẫn có không ít cơ quan, đơn vị mất đoàn kết do mang tư tưởng “ganh ghét, đố kỵ” tạo nên.

Cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu đi đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. (Ảnh: INTERNET)

Thói “ganh ghét, đố kỵ” làm mất đi ngọn lửa nhiệt huyết

Biểu hiện rõ nhất của CB, ĐV mang trong mình thói “ganh ghét, đố kỵ” là ghét người tài giỏi hơn mình, còn bản thân thì bảo thủ, duy ý chí, xem thường thực tiễn, xem nhẹ vai trò tập thể, hám danh vọng, địa vị cao, phủ định thành quả, thành công của người khác, đề cao thành tích bản thân. Trong công việc, cuộc sống hằng ngày, luôn “thiên vị” cục bộ, ai hợp với mình thì dù xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, che đậy ủng hộ, tán dương. Còn ai không hợp với mình thì tốt cũng cho là xấu, dìm người đó xuống, tìm mọi cách để dèm pha, nói xấu, việc hay cho là dở, công kích, xuyên tạc, vu khống, quy kết “bới lông tìm vết”, thổi phồng khuyết điểm. Điều đáng lo ngại hơn, khi tư tưởng CB, ĐV đã hình thành nên thói “ganh ghét, đố kỵ” thường trực, thì sẽ rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong bản thân. Từ chỗ so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình rất dễ sa vào bè phái, bất mãn, chống đối trong nội bộ, xa hơn nữa là đi ngược chủ trương của tổ chức, của Đảng nếu không được chữa trị kịp thời.

Đối với tổ chức Đảng, có nhiều CB, ĐV này, thường làm việc đơn điệu, sơ cứng, hay đâm chọc cản trở, bàn lùi, làm cho từng cá nhân sống trong tổ chức phải cầm chừng, thui chột tính đấu tranh, đề phòng nghi kỵ lẫn nhau dẫn đến đánh mất sự tin cậy, thân ái, chan hòa tình đồng chí, phá hoại khối đoàn kết thống nhất, làm cho tổ chức Đảng không thực hiện được vai trò hạt nhân chính trị, phát huy năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, dẫn tới rệu rã về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Chính vì thế, thói “ganh ghét, đố kỵ” có lúc, có chỗ không hẳn xuất phát từ sự ích kỷ, hẹp hòi của cá nhân, mà đôi khi trỗi dậy từ trong tập thể thiếu đoàn kết, hay đoàn kết xuôi chiều. Hậu quả làm giảm ý chí phấn đấu của những CB, ĐV gương mẫu, kéo lùi sự phát triển của cơ quan, đơn vị và địa phương.

Nguyên nhân hình thành thói “ganh ghét, đố kỵ” gây mất đoàn kết ở CB, ĐV thường bắt nguồn trong các tổ chức Đảng, do việc duy trì quản lý kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm hoặc làm chiếu lệ, buông lỏng phê bình, tự phê bình, nể nang, xuề xòa, né tránh trong đấu tranh với những vi phạm, đã làm thui chột tính tích cực, dung dưỡng cho tính không trung thực, hình thành thói xấu, che đậy, bọc lót cho nhau, tạo điều kiện cho lòng tham, ích kỷ, vụ lợi của chủ nghĩa cá nhân nảy nở. Đó cũng là logíc tất yếu cho những tư tưởng bon chen, ghen ghét người khác len lỏi vào đầu óc CB, ĐV nảy sinh suy nghĩ làm việc hời hợt, thiếu khát vọng, không dám dấn thân, mang nặng hành vi vun vén cá nhân, thậm chí tham nhũng, không quan tâm đến lợi ích chung, do đó, không sớm muộn gì cũng sinh ra mất đoàn kết nội bộ. 

Rèn luyện, kiên trì đấu tranh là liều thuốc đặc trị

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi hiện tượng “ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình” là bệnh “óc hẹp hòi”. Cụ thể: “Ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình, ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình”. Nên ngay từ năm 1927, trong cuốn Đường Kách Mệnh, Bác đã xác định những yêu cầu về đạo đức của người cách mạng là phải: “Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh-Ít lòng ham muốn về vật chất. Vị công vong tư. Không hiếu danh, kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Phục tùng đoàn thể…”. Còn trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Đảng ta đã chỉ ra nhiều giải pháp để khắc phục thói “ganh ghét, đố kỵ”, căn nguyên của sự mất đoàn kết thống nhất. Trong đó, chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết trong từng chi bộ, làm hạt nhân cho khối đoàn kết của tập thể.

Thói “ganh ghét, đố kỵ”, có thể ví là kẻ thù vô hình với những biến tướng phức tạp, rất nguy hại đối với mỗi CB, ĐV và mọi tổ chức Đảng. Vì thế, đối với cấp ủy, tổ chức Đảng phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, duy trì nghiêm chế độ, nền nếp sinh hoạt đảng, thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề, đưa các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động vào thực tiễn công việc. Trong nhận xét, đánh giá, đề bạt, khen thưởng phải thật sự khách quan, dân chủ, công khai và đúng thực chất, không bao che, không ích kỷ hẹp hòi, thành kiến cá nhân làm tổn thương đồng chí, làm suy yếu năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tập thể chi bộ, cơ quan, đơn vị. Trong chi bộ, Đảng bộ mà thấy CB, ĐV có biểu hiện ganh ghét, đố kỵ, không muốn người khác hơn mình phải chỉ cho họ thấy rõ và góp ý để họ tự sửa. Nếu cố chấp, bảo thủ, tự phê bình qua loa, đại khái, thì phải tiến hành phê bình trong cấp ủy và tổ chức Đảng. Khi thực hiện chế độ phê bình trong sinh hoạt Đảng, cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục đích của tự phê bình và phê bình là “phê bình việc chứ không phê bình người”, không phải là “bới lông tìm vết”, nên phê bình phải có lý, có tình để cùng nhau tiến bộ. 

Đối với mỗi CB, ĐV để trị được thói “ganh ghét, đố kỵ” trong lòng mình? Ngoài tích cực học tập nâng cao trình độ, lý luận, thì một trong những việc cần làm là kiên trì bền bỉ, rèn luyện bản lĩnh ngày càng chỉn chu, chín chắn, sống chân thành, trung thực, cởi mở với chính mình, với người khác, với tập thể. Cần biết khiêm nhường lắng nghe, từ tốn học hỏi cái hay, cái tốt, cái mới của người khác mà mình chưa có; biết chia sẻ, động viên kịp thời với kết quả, thành tích nổi bật của đồng chí, đồng đội; biết nâng niu những việc đồng chí đã làm tốt, đã cống hiến cho tập thể; biết trân trọng, khuyến khích những ý tưởng, hiến kế, giải pháp, sáng chế, phát minh mà người khác nỗ lực tạo ra. Đó là tình cảm cao thượng, tinh thần quang minh, chính đại trong đối nhân xử thế của CB, ĐV và cũng là một cách để phòng ngừa, ngăn chặn thói “ganh ghét đố kỵ” nảy sinh trong mỗi con người.

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ