A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tự hào ký ức của "một thời hoa đỏ"

QPTĐ- Đã 70 năm trôi qua sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, song đối với cựu thanh niên xung phong Đỗ Văn Bính (thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) từng làm nhiệm vụ phá bom, thông tuyến, mở đường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, những câu chuyện, những kỷ niệm một thời “khoét núi, ngủ hầm” vẫn vẹn nguyên trong ông.

Cựu thanh niên xung phong Đỗ Văn Bính kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ.

Ảnh: Mạnh Quang

Năm nay tuổi đã ngoài 90, ông Bính vẫn mạnh khỏe và minh mẫn. Ông tâm sự: “Những ngày này, xem thông tin trên đài, báo các chương trình về Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tôi cảm thấy thật xúc động, tự hào khi là người lính góp sức cùng dân và quân ta trong trận chiến lịch sử của dân tộc”.

Sinh năm 1934, thấm nhuần tư tưởng cách mạng, truyền thống của gia đình, từ năm 16 tuổi, ông Bính đã tham gia dân quân du kích và hoạt động thanh niên tại xã. Năm 1952, khi chưa tròn 18 tuổi, ông gia nhập Đại đội 251, những thanh niên xung phong của tỉnh tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Lúc bấy giờ, Trung ương Đảng quyết định mở con đường 13A bắt đầu từ Bến Hiên (tỉnh Tuyên Quang), vượt qua Bến Âu Lâu (Yên Bái), đi qua đèo Lũng Lô tới ngã ba Cò Nòi (tỉnh Sơn La), nối với đường 41 phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Bính cùng các chiến sĩ làm nhiệm vụ mở tuyến đường giao thông huyết mạch qua đèo Lũng Lô, nối chiến khu Việt Bắc và các tỉnh Tây Bắc để ô tô, xe thồ chở vũ khí tiếp ứng đầy đủ, kịp thời cho chiến trường.

Ông Bính tham gia gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại diện cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đến khi tuyến đường được thông suốt, ông Bính tiếp tục được lựa chọn tham gia vào đội phá bom nổ chậm, nơi hội tụ những chiến sĩ trẻ, khỏe, tinh nhanh. Ngừng giây lát nhấp ngụm nước chè, ông Bính nhớ lại: “Hồi đó, tôi là Đội trưởng đội phá bom nổ chậm. Sau khi được bí mật học lớp tháo gỡ bom mìn, chúng tôi bắt tay thực hành phá bom bươm bướm tại bến phà Tạ Khoa (tỉnh Sơn La). Bến phà Tạ Khoa năm xưa nối liền hai bờ sông Đà bằng những chuyến phà, được xem là điểm xung yếu trên tuyến đường từ Yên Bái lên tỉnh Sơn La và Điện Biên. Đây là tuyến đường trọng yếu vận chuyển lương thực, vũ khí của quân và dân ta chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ nên bom đạn quân địch dội xuống suốt ngày đêm.

Để phá bom, chúng tôi buộc dây ở chân để lần theo dấu xuống hố bom, thành thục các kỹ thuật tháo kíp, sau đó lấy thuốc để gói bộc phá. Mỗi ngày, địch rải xuống 5 - 7 loạt bom nên chờ sau tiếng bom ngưng, chúng tôi lại vào vị trí. Gian nan, hiểm nguy vậy, nhưng không một ai lùi bước, tất cả đều với tinh thần sẵn sàng làm nhiệm vụ. Với tôi, kỷ niệm phá bom thì nhiều lắm! Ngoài những vết thương do bị bom ghim vào cơ thể, hình ảnh những đồng đội kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh trước bom, đạn thì tôi càng không thể quên được.

Gan dạ, anh dũng trong chiến tranh, khi trở về với cuộc sống đời thường, cựu thanh niên xung phong Đỗ Văn Bính tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn luôn nêu cao phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, sống mẫu mực làm gương cho con cháu, tham gia các hoạt động xã hội, tích cực nói chuyện truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thể hệ trẻ. Ông mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tự hào, noi theo.

THẢO MY


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ