A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Mười chín Tháng Tám, ánh sao tự do đem tới”

QPTĐ-Trong cuộc Cách mạng “long trời, lở đất” tháng Tám năm 1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội có ý nghĩa quyết định, thúc đẩy Tổng khởi nghĩa thắng lợi trên phạm vi cả nước, đồng thời để lại cho cách mạng nhiều bài học kinh nghiệm rất quý báu.

Cuộc mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19/8/1945.

Ảnh: Tư liệu

Ngày 19 tháng 8, từ sáng sớm, các đường phố Hà Nội tràn ngập cờ đỏ sao vàng. Cả Hà Nội xuống đường theo tiếng gọi của Mặt trận Việt Minh, khởi nghĩa giành chính quyền. Tự vệ, công nhân các nhà máy trong nội thành và Gia Lâm được trang bị vũ khí thô sơ tập hợp đội ngũ trước cổng nhà máy, giương cao cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ cách mạng, rầm rập tiến về quảng trường Nhà hát Lớn. Nhân dân các khu phố trong nội thành, xếp hàng theo từng khối phụ nữ, thanh niên, viên chức, học sinh, trí thức nối nhau tiến về địa điểm dự mít tinh, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu và hát các bài ca cách mạng. 

Từ ngoại thành, trên các ngả đường dẫn vào trung tâm thành phố, hàng vạn bà con nông dân, già trẻ, gái trai đi đầu là các đội tự vệ với đủ các loại vũ khí, gậy gộc, mã tấu, dao phát bờ, câu liêm rầm rập tiến vào nội thành. Đồng bào các huyện lân cận Hà Nội thuộc các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên như Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Đan Phượng, Hoài Đức theo lệnh Xứ ủy, nườm nượp kéo vào tham gia khởi nghĩa. 

Theo đúng kế hoạch, từ sớm, Đội Tự vệ xung phong ngoại thành có mặt ở làng Hạ Yên Quyết cùng tổ chức Thanh niên cứu quốc hô hào bà con tập trung trước đình làng. Đội tuyên bố lật đổ chính quyền cũ, cử ra chính quyền cách mạng lâm thời của làng do các đồng chí Việt Minh trong làng giới thiệu. Từ đây, cuộc biểu tình tiến đến Giáp Nhất. Ở Giáp Nhất, rồi Quan Nhân cũng tiến hành tương tự như ở Hạ Yên Quyết. Giành chính quyền xong, đoàn quân khởi nghĩa lại được bổ sung thêm lực lượng. 

Theo kế hoạch, đoàn quân này cùng với lực lượng khởi nghĩa từ Nam Đồng, Thái Hà tiếp tục tiến về Đại lý Hoàn Long giành chính quyền ngoại thành. Cuộc biểu tình tiến vào trụ sở cơ quan ngụy quyền tại ấp Thái Hà với khí thế hùng dũng. Tiếng hô khẩu hiệu và các bài hát Tiến quân ca, Diệt Phát xít, Du kích quân vang lên suốt dọc đường với khí thế hăng say. Các đoàn quân khởi nghĩa ở các làng ngoại thành tụ hội về Thái Hà ngày càng đông. Trên đường xuất hiện nhiều xe ô tô chở quân Nhật qua lại, đầy ắp binh lính và súng đạn nhằm uy hiếp đoàn biểu tình. Tuy nhiên, quân Nhật bị ngợp trước khí thế của quần chúng nên chỉ thụ động đề phòng. 

Hình ảnh những ngày Tháng Tám lịch sử ở Hà Nội.

Đoàn quân tiến vào khu lô cốt bảo vệ Đại lý Hoàn Long tại ấp Thái Hà, 10 giờ 30 phút, binh lính ở đây được ta thuyết phục đã đầu hàng, giao nộp vũ khí cho cách mạng. Hoàn thành nhiệm vụ tại đây, một số đơn vị tiếp tục tiến về Nhà hát Lớn hợp lực với các lực lượng khác giành chính quyền toàn thành.

Trong khi đó, các đơn vị tự vệ chiến đấu nội thành, lực lượng xung kích của cuộc khởi nghĩa, tập trung kiểm tra trang bị, quán triệt nhiệm vụ rồi xuất phát. Từ phía Nam Thành phố, Đoàn Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu xuất phát từ làng Giáp Tứ, Giáp Nhị hành quân lên đến chợ Mơ. Tiếp đến là Đoàn trưởng, các liên đội trưởng, các đội viên được trang bị súng trường, súng ngắn, kiếm, mã tấu. Sau khi lên đến chợ Mơ, một chuyến xe điện đặc biệt đợi sẵn, anh em khẩn trương lên tàu. Dọc đường tàu đi, nhiều nhà hai bên dãy phố treo cờ đỏ sao vàng trước cửa. Đoàn quân đi đến đâu, tiếng đồng bào hoan hô không ngớt, kèm theo tiếng hô khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh", "Hoan hô các chiến sĩ Việt Minh", "Hoan hô Đoàn Tuyên truyền xung phong". 

Từ phía Bắc và phía Tây Thành phố, một số đội tự vệ chiến đấu cũng về tập trung tại Nhà máy gạch Năm Diệm (vị trí Khách sạn Horison, đường Cát Linh ngày nay) làm lễ xuất phát. Tổng số đội viên Tự vệ chiến đấu tập trung tại đây khoảng trên 300 người, với khoảng 30 khẩu súng các loại, còn lại là gươm, kiếm, giáo mác, mã tấu. Đúng 5 giờ 30 phút, sau phát súng lệnh, đoàn quân xuất phát theo đường Cát Linh, qua Cửa Nam, Tràng Thi, Tràng Tiền đến khu vực Nhà hát Lớn. Hàng vạn quần chúng hai bên đường hòa nhập vào làm cho đoàn quân mỗi lúc càng thêm đông đảo, khí thế càng lên cao. 

Trên quảng trường Nhà hát Lớn và các phố lân cận, một biển người đứng thành đội ngũ dưới một rừng cờ đỏ sao vàng, xen lẫn là các khẩu hiệu: "Đả đảo Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim", "Thành lập Chính phủ Cộng hòa dân chủ Việt Nam", "Anh em binh lính hãy tham gia nhập hàng ngũ chiến đấu bên cạnh Việt Minh". Các đơn vị tự vệ trong tư thế sẵn sàng chiến đấu được bố trí ở những vị trí quy định để bảo vệ cuộc mít tinh.

Đúng 11 giờ, cuộc mít tinh lớn gồm hàng chục vạn người bắt đầu trong không khí hào hùng, trang nghiêm và trọng thể. Sau lễ chào cờ và mặc niệm các chiến sĩ hy sinh vì cách mạng, trong tiếng súng lệnh và điệu nhạc Tiến quân ca, một lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn được kéo lên cột cờ giữa quảng trường. Trên ban công Nhà hát Lớn, một lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn được buông xuống làm phông cho lễ đài cuộc mít tinh, hàng vạn truyền đơn được tung ra giữa biển người. Đồng chí Nguyễn Huy Khôi, thay mặt Ủy ban Quân sự cách mạng, đọc lời hiệu triệu của Việt Minh trước máy phóng thanh, hô hào quần chúng vùng lên khởi nghĩa, lập Chính phủ cộng hòa dân chủ Việt Nam, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Quần chúng và lực lượng vũ trang cách mạng nhiệt liệt hưởng ứng bản hiệu triệu, tiếng hô khẩu hiệu vang động, khí thế ngút trời. Sau đó, cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành biểu tình tuần hành thị uy, chia thành hai khối lớn tỏa đi chiếm lĩnh những cơ quan trọng yếu của chính quyền bù nhìn theo kế hoạch đã định.

Khối thứ nhất, Đội Công nhân xung phong dẫn đầu, do đồng chí Nguyễn Khang và một số đồng chí trong Ủy ban Quân sự cách mạng chỉ huy, có nhiệm vụ chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Kho bạc, Bưu điện và Sở Cảnh sát Hàng Trống. Khối thứ hai, Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong Hoàng Diệu dẫn đầu, do đồng chí Nguyễn Quyết trực tiếp chỉ huy, có nhiệm vụ chiếm Trại Bảo an binh và Ty Liêm phóng Bắc kỳ.

Khi khối thứ nhất kéo gần đến Phủ Khâm sai, hai đại đội bảo an binh ở đây theo lệnh của bọn chỉ huy, đóng chặt cổng, chĩa súng từ trong hàng rào sắt ra ngoài. Tuy nhiên, ở đây, ta đã nắm được một số binh lính có cảm tình với Việt Minh. Quần chúng vừa hô khẩu hiệu thị uy, vừa kêu gọi bảo an binh quay súng về phía Việt Minh để cứu nước, cứu nhà. Một bộ phận Tự vệ công nhân nhanh chóng đột nhập vào cổng phía phố Đinh Lễ để treo cờ đỏ sao vàng ở khu làm việc của Phủ Khâm sai (số nhà 14 Ngô Quyền). 

Cùng lúc, các chiến sĩ tự vệ cùng một số hội viên cứu quốc vượt hàng rào sắt nhảy vào. Tự vệ công nhân Nhà máy điện nhanh chóng hạ cờ "quẻ ly" của chính quyền bù nhìn xuống, treo cờ đỏ sao vàng lên giữa tiếng hò reo vang dậy của quần chúng cách mạng. 

Trước khí thế và sức mạnh của cách mạng, lính bảo an buộc phải mở cổng và nộp vũ khí cho cách mạng. Quần chúng khởi nghĩa ùa vào. Ta tịch thu 200 khẩu súng của lính bảo an, trang bị ngay cho tự vệ để tăng cường sức chiến đấu. Ngay sau khi chiếm được Phủ Khâm sai, các đồng chí trong Ủy ban quân sự cách mạng gọi điện thoại, báo cho tỉnh trưởng, thị trưởng các địa phương Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Bắc Ninh biết Việt Minh đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi tại Hà Nội, đồng thời ra lệnh cho chúng mau chóng bàn giao chính quyền cho Việt Minh tại các địa phương. 

Trong khi đó, một bộ phận quần chúng và tự vệ của khối này tiếp tục kéo sang chiếm lĩnh Tòa Thị chính Hà Nội. Thị trưởng Hà Nội-Trần Văn Lai ra tận cổng đón đoàn quân cách mạng. Tiếp đó, quần chúng cách mạng lần lượt đi chiếm Kho bạc, Sở Bưu điện và Sở Cảnh sát.

Khối quần chúng thứ hai đi chiếm Trại Bảo an binh phải đối phó với tình huống phức tạp. Hôm trước, ta gửi thư cho chỉ huy trại, thuyết phục y quy thuận Việt Minh. Nhưng khi đoàn biểu tình kéo đến nơi, cổng trại vẫn đóng chặt, hai lính bảo an đứng gác ở bên ngoài. Đồng chí Nguyễn Quyết hạ lệnh cho tự vệ tước súng của hai lính gác và ra lệnh phá cổng. Chỉ huy trại buộc lòng phải cho người ra mở cổng và xin gặp đại diện của Việt Minh. Các đơn vị tự vệ lập tức tiến vào chiếm lĩnh các vị trí quan trọng trong trại, quần chúng cách mạng tiếp tục bao vây bên ngoài, hô khẩu hiệu làm áp lực. Các chiến sĩ Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu nhanh chóng treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ của trại.  

Được tin mất Trại Bảo an binh, một doanh trại quân sự quan trọng ở trung tâm thành phố, quân Nhật đem xe tăng và binh lính đến bao vây, đòi ta trả lại trại, đòi tước vũ khí của ta. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Quyết một mặt gọi điện và cử người đi báo cáo tình hình với đồng chí Nguyễn Khang-Chủ tịch Ủy ban Quân sự cách mạng, một mặt bố trí tự vệ sẵn sàng chiến đấu. Trong khi đó, ở bên ngoài, quần chúng vẫn giữ nguyên hàng ngũ, không lùi một bước. 

Các đồng chí chỉ huy dùng lời lẽ mềm dẻo thuyết phục quân Nhật, vạch cho chúng rõ: Nếu chúng không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa của ta thì ta cũng để cho chúng được yên ổn chờ ngày về nước, nếu chúng bắn vào quần chúng cách mạng, thì ta sẵn sàng trả lời chúng bằng vũ lực để giành lấy độc lập và chủ quyền của đất nước. Ủy ban Quân sự cách mạng cũng huy động hàng vạn quần chúng vừa chiếm xong Phủ Khâm sai kéo tới, hợp lực với các khối quần chúng tại đây khép chặt vòng vây chung quanh các xe tăng, sĩ quan và binh lính Nhật, hô vang các khẩu hiệu "Ủng hộ Việt Minh".

Ủy ban Quân sự cách mạng cũng phái đồng chí Trần Đình Long và đồng chí Lê Trọng Nghĩa dẫn đầu đoàn đại biểu ta đến Bộ Tổng tham mưu quân Nhật, yêu cầu chúng phải lệnh cho xe tăng rút đi. Đến 5 giờ chiều quân Nhật buộc phải rút lui. 

Lúc này, một bộ phận quần chúng cùng đội tự vệ đi chiếm lĩnh Ty Liêm phóng (Sở Mật thám cũ, nay là trụ sở Công an thành phố Hà Nội, phố Trần Hưng Đạo). Ở các nơi khác như Nhà máy điện, Sở Xe điện, các xưởng A-vi-a, hãng Stai, Ô-tô-han, Xe đạp Béc-xê... anh em tự vệ và Công nhân cứu quốc, sau khi tham gia giành chính quyền ở Phủ Khâm sai và Trại Bảo an binh về, chủ động tước khí giới của lính bảo an, treo cờ, cử người canh gác và thành lập Ủy ban công nhân cách mạng ở các nhà máy.

Đến tối 19 tháng 8, các cơ quan quan trọng của chính quyền Bảo Đại tại Hà Nội về tay cách mạng. Việt Minh hoàn toàn làm chủ Thành phố. Hà Nội bừng sáng trong màu cờ đỏ và ánh điện. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội toàn thắng. Tin khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội nhanh chóng truyền lan khắp cả nước, làm suy yếu toàn bộ hệ thống cai trị của phát xít Nhật và chính quyền tay sai, làm nức lòng đồng bào cả nước, nhất là ở Huế và Sài Gòn, thúc đẩy cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước đến thắng lợi hoàn toàn.

QPTĐ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ