A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trở lại nơi in dấu chân Bác

QPTĐ-Kể từ ngày được Bác Hồ trồng tặng cây đa (ngày 16/2/1969), cây đa đã trở thành kỷ niệm vô giá và cũng là biểu tượng tinh thần thúc đẩy Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Ba Vì nói chung, xã Vật Lại nói riêng từng bước khắc phục khó khăn, xây dựng địa phương mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng và an ninh.

Vẹn nguyên niềm tự hào

Những ngày giữa tháng 5, trong chuyến công tác tại huyện Ba Vì, chúng tôi may mắn gặp một nhân vật đặc biệt được chứng kiến và phục vụ Bác Hồ trồng cây đa tại Đồi Váng, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, đó là ông Phùng Văn Thăng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vật Lại. Năm nay dù đã bước sang tuổi 93, cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi nhắc đến kỷ niệm ngày được phục vụ và chứng kiến Bác trồng cây đa kỷ niệm địa phương, những cảm xúc trong ông Thăng vẫn còn vẹn nguyên. Ông Phùng Văn Thăng xúc động kể: “Tôi nhớ, hôm đó là ngày 16/2/1969 và cũng là ngày Mùng Một Tết, cán bộ chúng tôi được thông báo chuẩn bị cây đa giống và dự hội nghị về nông nghiệp. Chúng tôi không hề được thông báo trong hội nghị đó có Bác Hồ về dự. Lúc đứng đón Đoàn công tác tại đồi Váng, sau khi 3 chiếc ô tô dừng lại, tôi thấy Bác từ ô tô bước xuống, nhìn thấy Bác tôi mới vỡ òa trong hạnh phúc. Bác giản dị lắm, Người đi dép cao su, mặc bộ quần áo thường ngày Người vẫn mặc. Tôi nghĩ như vậy, vì lần đó là lần thứ năm tôi vinh dự được gặp Bác, lần nào tôi cũng thấy Bác mặc bộ quần áo giống như thế. Dừng chân ở đồi, Bác không ngồi vào chiếu chúng tôi đã chuẩn bị mà ngồi ngay xuống vạt cỏ. Bác lần lượt hỏi về chuyện ăn Tết của nhân dân; năng suất lao động của xã… Hỏi xong, Bác dặn chúng tôi, phải biết chăm lo cho nhân dân, phải gương mẫu, tiết kiệm. Sau đó, Bác cùng các cụ già trong xã và mọi người trồng cây đa. Trồng xong, Bác nhắc nhở chúng tôi phải chăm sóc thật tốt. Sau khi đi bộ tham quan đồi Váng, Bác ăn bữa trưa giản dị rồi trải chiếu nghỉ lưng ngay tại đồi. Nhân dân nghe tin Bác về, nô nức đổ ra đồi đứng vẫy chào Bác, họ hô rất to, chúc Bác khỏe mạnh, sống lâu. Bác thấy vậy, Bác đáp lại bằng nụ cười rất tươi và vẫy tay chào mọi người. Lúc về, Bác không lên xe từ chân đồi mà đi bộ ra đường để chào bà con”. Ông Thăng nghẹn ngào kể tiếp: “Không ngờ cây đa Bác trồng tặng xã chúng tôi lại là cây cuối cùng Bác trồng. Cũng vì thế mà địa phương trân trọng và quý cây đa như bảo bối”. 

Ông Phùng Văn Thăng (bên phải), nguyên Bí thư xã Vật Lại kể lại ngày địa phương được Bác Hồ về thăm.

Cũng theo ông Thăng, từ năm 2004, đồi Váng được Nhà nước quy hoạch thành một khu di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, rộng 18,3ha, có cổng, nhà đón khách, nhà truyền thống và một lối đi lớn dẫn thẳng đến cây đa Bác trồng năm xưa. Cây đa đã trở thành kỷ vật thiêng liêng, niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, nhân dân huyện Ba Vì. Người dân luôn trân trọng, bảo vệ, chăm sóc cây đa ngày càng xanh tốt và lấy đó là động lực để thi đua lao động, sản xuất. Ông Thăng cho biết, thời ông làm lãnh đạo, kể từ khi Bác về, nhân dân trong xã Vật Lại đã thi đua không ngừng, nhất là trong thi đua sản xuất nông nghiệp. Từ canh tác một vụ, nhân dân trong xã đã đẩy lên canh tác 3 vụ. Vì vậy, đời sống nhân dân cũng có sự chuyển biến tích cực.

Biến niềm tự hào thành động lực thi đua

Chia tay với ông Phùng Văn Thăng, rong ruổi trên khắp các con đường của xã Vật Lại, chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn lời ông Thăng. Tình cảm thiêng liêng về Bác đã và đang được nhân nhân nơi đây biến thành động lực phấn đấu. Ở Vật Lại, chúng tôi thấy, từ khắp các thôn, xóm đến các trụ sở làm việc, những cánh đồng rộng lớn, những trang trại sản xuất nông sản, cán bộ, nhân dân luôn nở nụ cười làm việc hăng say. Cũng chính bởi vậy, mà ngày nay, khi nhắc đến xã Vật Lại, không ai còn trong suy nghĩ đó là một xã miền núi khó khăn nữa. Mà thay vào đó là sự cảm phục, yêu mến, bởi Vật Lại hôm nay đã khoác trên mình một màu áo mới. Hệ thống điện, đường, trường, trạm và các công trình phục vụ dân sinh khác đã được xây dựng cơ bản, khang trang. Kinh tế phát triển theo hướng tăng dần đều và mang tính bền vững. Công tác văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người gần đạt 60 triệu/người/năm. Một con số thật đáng ghi nhận đối với một địa phương miền núi chỉ đơn thuần sản xuất nông nghiệp.

Cây đa Bác trồng, nơi giáo dục truyền thống vô giá với thế hệ trẻ huyện Ba Vì.

Còn huyện Ba Vì cũng đã và đang giữ trọn niềm tự hào và phấn đấu theo lời Bác dặn, không ngừng cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung toàn bộ nguồn lực để tạo đột phá trong thực hiện các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh. Năm 2022, toàn huyện đầu tư xây dựng cơ bản là 3.006,932 tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng các dự án đảm bảo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện đã đầu tư 39 công trình xây dựng nâng cấp trường học với nguồn vốn đầu tư 1.139 tỷ đồng. Nông thôn mới của huyện về đích đúng hẹn, đến nay đã có 30/30 xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Ba Vì đã tạo ra bộ mặt nông thôn khang trang, khởi sắc, an sinh xã hội được thực hiện, văn hóa, giáo dục, y tế phát triển, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Kinh tế du lịch phục hồi mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, ước đón khoảng 2 triệu lượt khách, doanh thu đạt 310,7 tỷ đồng. Trong sản xuất nông nghiệp, địa phương đã có tổng số sản phẩm được chứng nhận OCOP (Sản phẩm có chất lượng, đặc trưng, truyền thống) lên 138 sản phẩm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt vượt kế hoạch với tổng nguồn thu đạt 539,269 tỷ đồng. Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, công tác đền ơn đáp nghĩa được huyện đặc biệt quan tâm. Trong năm, huyện đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 110 nhà ở cho người có công với cách mạng từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và thực hiện xã hội hóa tổng số tiền 3,74 tỷ đồng; tặng quà, sổ tiết kiệm giá trị hằng trăm triệu đồng cho các đối tượng người có công, thân nhân liệt sĩ. Huyện đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, huyện giảm được 181 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 0,55%. Với quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, ngành Giáo dục- đào tạo của huyện tiếp tục phát triển vững chắc, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 76,36%. Công tác quốc phòng và an ninh ngày càng được củng cố vững chắc…

Tạm biệt huyện Ba Vì, nhìn cây đa Bác trồng năm nào đang căng tràn sức sống. Tin tưởng rằng, sức sống của cây đa sẽ tiếp thêm niềm tự hào, sức phấn đấu để huyện Ba Vì tiếp tục đoàn kết, thống nhất, đẩy mạnh thi đua, từng bước đưa địa phương phát triển lên một tầm cao mới, cuộc sống của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn, xứng đáng với niềm tin yêu Bác Hồ dành tặng.

Thuận Nhân

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ