A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Màu thời gian”

 

QPTĐ- Có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay cố ý sắp đặt mà triển lãm nào của họa sĩ, nhiếp ảnh Dzungart (Nguyễn Quốc Dũng) đều chỉ diễn ra vào hai mùa Xuân Thu. Còn nhớ, tại Triển lãm “Màu thời gian” của ông diễn ra vào mùa Thu, ông đã trình làng một seri ảnh áo dài. Bao nhiêu ngỡ ngàng, hấp dẫn cuốn hút mọi người trong gian trưng bày bộ sưu tập “Màu thời gian”. Ở đó có sự giao thoa đến kỳ lạ giữa cái hồn trong tà áo dài truyền thống với những nét cá tính mới lạ trong tà áo dài hiện đại. 

 

 

Ảnh minh họa.


Có người đã nói rằng, Triển lãm của Nguyễn Quốc Dũng như cầu nối văn hóa, thông qua tà áo dài gắn kết phụ nữ Việt xưa và nay lại với nhau. Còn riêng ông-một nhiếp ảnh chỉ nghĩ giản dị rằng, “Màu thời gian” là đáp ứng kỳ vọng của bạn bè, đồng nghiệp và quan trọng là thỏa mãn được chất nghệ của hội họa. Ông "say" tà áo dài truyền thống, bởi nó làm tôn thêm vẻ đẹp vốn có của người phụ nữ Việt, và chính những người phụ nữ Việt đã làm nên giá trị của tà áo dài. 


Nhưng chính bản thân ông và ngay cả nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng chỉ biết rằng, y phục xa xưa nhất của người Việt, theo những hình khắc trên mặt chiếc trống đồng Ngọc Lũ cách nay khoảng vài nghìn năm, có hình phụ nữ với chiếc áo xẻ hai tà. Sau đó người ta xác định, kiểu sơ khai của chiếc áo dài xưa nhất là áo giao lãnh, tương tự như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại. Áo mặc phủ ngoài yếm lót, váy tơ đen, thắt lưng mầu buông lơi. Áo tứ thân được mặc ra ngoài váy xắn quai cồng tiện cho việc gồng gánh mà  không làm mất đi vẻ đẹp của người phụ nữ. 
Nhưng đến thế kỷ 16, dưới thời các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban hành Sắc dụ về ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ đó rằng: "Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay rộng hoặc hẹp tùy tiện.

 

Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn, ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép..." (sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên). Căn cứ theo những chứng liệu này, có thể khẳng định chiếc áo dài với hình thức cố định đã ra đời và chính thức được công nhận là quốc phục dưới triều chúa Nguyễn Vũ Vương (1739-1765). 
Lối mặc đó kéo dài đến năm 1947 trong bối cảnh Việt Nam mới tuyên bố độc lập. Thời kỳ đó, nhằm phát động phong trào tiết kiệm, người ta đã vận động người dân bỏ thói quen mặc áo dài để thay bằng áo vắn, vì khi mặc áo dài đi đứng, làm việc bất tiện, luộm thuộm. Áo dài tốn vải, khoảng hai cái áo dài may được ba cái áo vắn... Cuộc vận động này đã được người dân hưởng ứng và áo dài không còn là trang phục thông dụng của phụ nữ Việt Nam trong một thời gian dài ở miền Bắc.


Thập niên 1960, có nhà may ở Sài Gòn đưa ra kiểu may áo dài mới. Làn vải được bó sát theo thân hình người mặc từ dưới nách đến lườn eo, khiến chiếc áo dài ôm khít từng đường cong của thân hình người phụ nữ, tạo thêm tính thẩm mỹ. Và phiên bản này được áp dụng rộng rãi cho nữ sinh, phụ nữ thời đó cho đến sau này. 


Vậy là đi cùng những thăng trầm của dân tộc, có những lúc tưởng chừng tà áo dài bị biến mất, nhưng chính cốt cách, dáng vẻ của người phụ nữ và đặc biệt trong mỗi giai đoạn lịch sử đều xuất hiện những con người "say" tà áo dài như Nguyễn Quốc Dũng, nên đã giữ lại nét đẹp thuần Việt đến mê lòng này. 


Có thể nói, Triển lãm làm cho người ta thấy cần thiết phải tìm về, trân trọng những giá trị đã và đang dần mất đi trong cuộc sống hối hả hôm nay. Chả thế mà không chỉ người Việt Nam bất ngờ khi bắt gặp một "không gian xưa cũ" rất nên thơ mà ngay cả người nước ngoài cũng cảm thấy thích thú, hài lòng khi xem triển lãm. Nói như ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam thì Triển lãm có giá trị vô cùng ý nghĩa về văn hóa, nó giúp cho thế hệ trẻ hiểu hơn về chiếc áo dài đã gắn liền với lịch sử Việt Nam. 


DUY MINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ