A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tân Tổng thống Ukraine kích hoạt chính sách hướng Tây!

 

QPTĐ-Nhậm chức Tổng thống Ukraine, ông V.Zelensky (41 tuổi) ra tuyên bố đối ngoại đầu tiên trên truyền hình quốc gia với 2 quan điểm rất đáng quan tâm. Thứ nhất, Kiev chỉ gia nhập NATO nếu người dân Ukraine mong muốn điều này. Thứ hai,  Kiev sẽ đàm phán với Moskva nếu các điều kiện thỏa thuận mang lại lợi ích cho người dân Ukraine. 

 

 

Tổng thống Ukraine V.Zelensky. 


Dư luận thế giới không thể bỏ qua thông điệp của tân Tổng thống Ukraine tập trung vào một vấn đề là, tất cả mọi quyết sách đối ngoại đều để phục vụ nhân dân, phục vụ lợi ích đất nước, bất kể đó là xu hướng thân phương Tây hay thân Nga? Phải chăng, ông V.Zelensky đang hướng đến giá trị cốt lõi của Đảng chính trị mà ông sáng lập ra với tên gọi “Người phục vụ nhân dân”? 


Tháng 4 vừa qua, Ukraine trải qua cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ 2019-2024 với 39 ứng cử viên. Vòng 2 còn lại 2 ứng cử viên có số phiếu cao là đương kim Tổng thống P.Poroshenko và cựu danh hài V.Zelensky. Ông P.Poroshenko chấp nhận thất bại với 24,45% số phiếu, trong khi ông V.Zelensky bất ngờ giành được 73,22% phiếu bầu. Thất bại của đương kim Tổng thống P.Poroshenko dường như được dự báo trước, bởi sự điều hành yếu kém của Chính phủ, tham nhũng tràn lan, khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp cao, đời sống người dân ở mức thấp, xung đột miền Đông gia tăng. 


Dường như thất vọng của cử tri Ukraine trước thực trạng xã hội sau 5 năm ông P.Poroshenko cầm quyền (2014-2019) lại có lợi cho ông V.Zelensky, chứ kỳ thực người dân Ukraine chưa nhìn thấy tài năng hay sự xuất sắc của vị cựu danh hài này thể hiện trên chính trường, nhất là xử lý mối quan hệ Đông-Tây, Nga-Mỹ và NATO? Tổng thống Mỹ D.Trump và các nhà lãnh đạo châu Âu gửi điện chúc mừng ông V.Zelensky thắng cử.


Tuy nhiên, trong thời gian vận động  tranh cử Tổng thống và sau 3 tuần điều hành đất nước, ông V.Zelensky có những tuyên bố gây sốc, gọi Nga là “kẻ thù”, “kẻ xâm lược”, chẳng khác gì người tiền nhiệm P.Poroshenko, “sẽ giành lại lãnh thổ Crimea bị xâm chiếm mặc dù chặng đường để đạt được mục tiêu này không hề đơn giản”, “ưu tiên chấm dứt xung đột miền Đông Donbass”. Những động thái đối ngoại đầu tiên của tân Tổng thống Ukraine vẫn hướng đích đến là, “thân Mỹ, hướng Tây, gia nhập NATO”? 


Sau ngày nhậm chức (2-6), chuyến thị sát đầu tiên của Tổng thống V.Zelensky là đến khu vực giáp ranh xảy ra chiến sự miền Đông Donbass, nơi chính quyền Lugansk và Donetsk (từ năm 2014) tuyên bố ly khai Chính phủ Trung ương Kiev, thành lập Nhà nước tự trị, có lực lượng vũ trang riêng. 


Chuyến xuất ngoại đầu tiên của Tổng thống V.Zelensky là Liên minh châu Âu (EU) và Khối quân sự NATO. Tại Brussels, Bỉ (5-6), Tổng thống V.Zelensky thông báo với Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg và Chủ tịch Hội đồng châu Âu  D.Task: Gia nhập EU và NATO là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông! Và nhấn mạnh rằng, sức mạnh quân sự và kinh tế của Nga đối với Ukraine đang phủ bóng trong những phương pháp giải quyết xung đột ở miền Đông nước này. Kiev và Moskva vẫn đang trong một giai đoạn thách thức lớn. “Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với Nga để chấm dứt xung đột ở miền Đông Donbass. Cuộc đàm phán đó phải dựa trên cơ chế bảo đảm quyền lợi cho tất cả người dân Ukraine, bao gồm cả những người dân miền Đông đang cầm súng chống lại chúng tôi”-Ông V.Zelensky nói. 


Tổng thống V.Zelensky có chuyến thăm chính thức tới 2 nước thành viên chủ chốt EU: Pháp và Đức (17-19/6). Tại Điện Élysee, (Paris), hội đàm với người đồng cấp Pháp E.Macron, ông V.Zelensky bày tỏ, sẽ ưu tiên “kết thúc chiến tranh và lấy lại các vùng lãnh thổ Ukraine bị sáp nhập” nhưng chìa khóa duy nhất cho hòa bình là “áp lực ngoại giao và các biện pháp trừng phạt”. Tổng thống Pháp gợi ý về việc duy trì Bộ tứ Normandy (Pháp, Đức, Nga, Ukraine) để giải quyết xung đột miền Đông. Ông V.Zelensky hội đàm với Thủ tướng Đức A.Markel tại Văn phòng Thủ tướng ở Berlin nhưng không đưa ra cam kết cụ thể nào giữa hai nước. 


Cùng thời gian này (18-6), Lầu Năm Góc thông báo, viện trợ quân sự trị giá 250 triệu USD cho Kiev bao gồm súng trường bắn tỉa, súng phóng lựu, hệ thống radar pháo phản kích, thiết bị liên lạc, ống nhòm ban đêm. Trước đó, Nhà Trắng viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, trong đó có cả tên lửa chống tăng; điều mà Mỹ chưa dám làm dưới thời Tổng thống B.Obama. Hiện, Mỹ đã viện trợ cho Kiev 1,5 tỉ USD vũ khí, thiết bị quân sự, kể từ năm 2014. Ông V.Zelensky có chuyến thăm Mỹ trong tháng tới. 


Phản ứng về những phát ngôn của tân Tổng thống Ukraine trong các chuyến thăm NATO, EU; Người Phát ngôn Điện Kremlin D.Peskov (18-6) cho biết: “Vấn đề Donbass, có lẽ ông V.Zelensky nên nói chuyện với người dân Donbass, chứ không phải bàn với ông V.Putin. Còn về Crimea thì không có gì nhiều để bàn”. 


Mối quan hệ Nga-Ukraine căng thẳng sau Cách mạng đường phố Maidan-Kiev, đảo chính nghị trường (2-2014), lật đổ Tổng thống hợp hiến V.Yanukovych (thân Nga) đưa tỉ phú bánh kẹo P.Poroshenko (thân Mỹ) lên làm Tổng thống. Sau cuộc trưng cầu dân ý với 96,7% số người đồng thuận, Điện Kremlin sáp nhập Crimea vào Nga (3-2014). Liền đó, xung đột miền Đông, kéo dài đến nay ở Lugansk và Donetsk làm hơn 13.000 người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa. Kiev cáo buộc Moskva đưa binh sĩ vào miền Đông Ukraine, trong khi Nga lên tiếng bác bỏ. Từ năm 2014, Mỹ, EU tuyên bố cấm vận Nga; EU gia hạn đến tháng 6-2020. 


Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg (7-6), Tổng thống Nga V.Putin không loại trừ khả năng sẽ liên lạc với Tổng thống Ukraine V.Zelensky. “Chúng tôi không chối bỏ bất kỳ mối liên hệ nào”. Và nhận định: “Trong chiến dịch tranh cử ông ấy nói một kiểu nhưng sau bầu cử ông ấy lại nói kiểu khác. Chúng tôi vẫn đang phải chờ xem”-Tổng thống Nga nhắn nhủ tân Tổng thống Ukraine: Diễn xuất cần đến tài năng nhưng lãnh đạo thì cần nhiều phẩm chất! “Việc Nga và Ukraine khôi phục quan hệ là không thể tránh được, bất chấp mối quan hệ giữa Moskva và giới tinh hoa Kiev tiến triển ra sao”-Tổng thống V.Putin trả lời phỏng vấn Đài Mir (13-6). Thực tế cho thấy, chính sách “bài Nga” của nhà cầm quyền Kiev đang gây bất ổn về chính trị, kinh tế cho Ukraine!


                         NHẬT MINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ