A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hòa giải dân tộc ở Libya: Xa tầm tay với?

 

QPTĐ-Hàng chục năm qua, đất nước Libya liên tiếp rơi vào những cuộc xung đột vũ trang “chống khủng bố” và nội chiến. Với những nỗ lực vượt bậc, Liên hợp quốc kỳ vọng thành công khi làm trung gian hòa giải giữa các phe phái, hướng tới thành lập một Chính phủ hòa hợp dân tộc ở nước này. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres triệu tập Hội nghị hòa giải ở miền Tây Libya (2 ngày 14-16/4) nhằm đi đến thỏa thuận, thúc đẩy tiến trình bầu cử ở quốc gia Bắc Phi này. Đây là sáng kiến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn Arab (AL) và Liên minh châu Phi (AU). 

 

 

Xung đột giữa quân Chính phủ và các phe phái vũ trang ở Libya

đang đẩy quốc gia Bắc Phi đến bờ vực của một cuộc nội chiến.


Tuy nhiên, ngày 4-4, Quân đội miền Đông Libya (LNA) bất ngờ tấn công quân Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) và giành quyền kiểm soát khu vực Surman ở phía Tây và Garyan ở phía Nam, cách thủ đô Tripoli 80-100 km. Lập tức, Thủ tướng F.al-Serraj, chỉ huy lực lượng miền Tây ra lệnh huy động quân đội và đặt ở mức báo động cao nhất đối phó với LNA. Lực lượng của hai bên đều tuyên bố, không nổ súng vào dân thường và người nước ngoài. Xung đột trong tuần qua làm 35 người thiệt mạng, gần 3.000 người phải đi lánh nạn.


Ngày 5-4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres đáp máy bay đến miền Đông Libya, gặp Tướng Kh.Haftar, Tư lệnh Quân đội LNA nhưng kết quả không như mong muốn. Rời miền Đông với “trái tim trĩu nặng”, ông A.Guterres viết trên Twitter: “Tôi xin nhắc lại rằng, không có giải pháp quân sự nào đối với cuộc khủng hoảng Libya, giải pháp duy nhất là chính trị”. 


Cùng ngày, Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi tất cả các lực lượng tại Libya ngừng hoạt động quân sự trong bối cảnh căng thẳng leo thang và khẳng định “không thể có giải pháp quân sự đối với cuộc xung đột” tại Libya. Sau những nỗ lực bất thành, Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động quân sự diễn ra gần thủ đô Tripoli, có thể gây ra rủi ro cho sự ổn định của Libya cũng như triển vọng về nỗ lực hòa giải do Liên hợp quốc tiến hành và giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này.


Libya có gần 6 triệu dân, diện tích rộng 1,75 triệu km2, hơn 80% sa mạc, có trữ lượng dầu mỏ lớn (50 tỉ thùng, khai thác 50 triệu tấn dầu/năm), thu nhập bình quân đầu người cao trong tốp đầu châu Phi và thế giới. 


Năm 1969, Đại tá M.Gaddafi làm đảo chính lật đổ chế độ Hoàng gia rồi chính ông lại bị Mỹ và NATO lật đổ, giết hại năm 2011 với cáo buộc “tài trợ khủng bố quốc tế”. Từ đó, Libya rơi vào khủng hoảng chính trị, nội chiến, tranh giành quyền lực giữa các phe phái. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn.


Năm 2015, Liên hợp quốc bảo trợ thành lập Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) do Thủ tướng F.al-Serraj đứng đầu, có trụ sở ở thủ đô Tripoli, nhưng chỉ quản lý được một phần lãnh thổ phía Tây. GNA được EU, Mỹ và phương Tây ủng hộ. Cùng thời gian này, Tướng Kh.Haftar, Tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya (LNA) chiếm giữ một phần đất đai rộng lớn với những giếng dầu khổng lồ phía Đông. LNA được Nga, Ai Cập, Pháp, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Quốc hội Libya ủng hộ. Hiện, Libya có 2 Chính phủ, 2 “thủ đô”, 2 Quân đội-lực lượng GNA và LNA đối lập nhau về mục tiêu, quyền lợi, thường xuyên tấn công lẫn nhau, gây thương vong cho hàng chục ngàn thường dân.


Trước đó, ông Kh.Hafar được Mỹ đào tạo, từng là sĩ quan quân đội, trung thành, hậu thuẫn Đại tá M.Gaddafi làm Tổng thống. Khi bị thất sủng sau cuộc chiến tranh với nước láng giềng Chad, Kh.Hafar sống lưu vong ở Mỹ và được Tình báo CIA tạo dựng chân dung để trở thành một thế lực đối lập ở Libya. Khi Tổng thống M.Gaddafi bị sát hại, Tướng Kh.Hafar trở về Libya, chỉ huy lực lượng nổi dậy LNA, chiếm cứ một vùng đất phía Nam. Trước những diễn biến bất thường ở Libya, Tướng Kh.Hafar nhảy sang phe đối lập chống Chính phủ, chống Mỹ, thân Nga, phương Tây gọi ông là “thủ lĩnh phiến quân”. 


Cuối năm 2015, Liên hợp quốc bảo trợ cho 2 bên GNA và LNA ở Libya ký thỏa thuận chính trị nhưng dường như mọi chuyện vẫn dẫm chân tại chỗ khi chưa đạt được quá trình chuyển tiếp dân chủ. GNA chưa thể thành lập được lực lượng quân đội mà vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của các nhóm vũ trang bảo vệ Thủ đô Tripoli. Hiện, Chính phủ điều các nhóm dân quân bảo vệ thủ đô; đồng thời, Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Libya được đặt trong tình trạng báo động cao.


Tướng Kh.Hafar (năm nay 75 tuổi) tuyên bố, chiến dịch tiến về Troipoli sẽ chỉ dừng lại khi “đánh bại quân khủng bố” (tức quân Chính phủ Libya-GNA). LNA đưa tin, đã kiểm soát được sân bay quốc tế Tripoli cũ ở ngoại ô phía Nam và 2 thị trấn: Tarhouna, Aziziya, gần Thủ đô Tripoli. LNA có 25.000 tay súng thiện chiến, đang đe dọa trực tiếp quân Chính phủ. 


Quan ngại về xung đột leo thang ở Libya, Ngoại trưởng Nhóm các nước G-7 ra thông báo, dừng ngay lập tức “tất cả các hoạt động quân sự hướng về thủ đô Tripoli”. Phát ngôn viên Chính phủ Đức S.Steffen tuyên bố, các bên tránh leo thang quân sự, cần tiếp tục một tiến trình chính trị. Các nước: Anh, Pháp, Italy, Mỹ, UAE ra Tuyên bố chung kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt hành động quân sự; đồng thời, cảnh báo, các nguy cơ quân sự sẽ đẩy Libya trở lại thời kỳ hỗn loạn như trước đây. Chuyên gia E.Badi (Viện Trung Đông, Mỹ) cho rằng, nếu lực lượng của ông Kh.Hafar không rút đi, xung đột công khai sẽ kéo dài một thời gian nữa.


Là thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), xung đột ở Libya có nguy cơ đe dọa đến nguồn cung dầu toàn cầu, khiến giá dầu trong tháng 4 tăng lên hơn 70 USD/thùng-Điều mà Nga chờ đợi, riêng Mỹ thì không! Dư luận cho rằng, Tướng Kh.Hafar đã có những chuyến thăm Nga, bàn chuyện hợp tác về quân sự, quốc phòng, khai thác dầu khí với Moskva. Nga đang cân nhắc xây dựng một căn cứ hải quân ở miền Đông Libya, tham gia huấn luyện binh sĩ và chuyển giao vũ khí, khí tài, thiết bị quân sự cho LNA? 


Hợp tác sâu rộng giữa Moskva và LNA lại một lần nữa làm Mỹ, NATO và phương Tây “ngậm bồ hòn làm ngọt”? Hẳn, nước Mỹ “không thể khoanh tay đứng nhìn”-Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo tuyên bố. 


NHẬT MINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ