A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điện Biên-70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ

QPTĐ-Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Điện Biên- địa đầu, phên giậu của Tổ quốc; là mảnh đất tranh giành giữa ta và kẻ thù xâm lược. Ngày nay, với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, Điện Biên có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh trên hướng Tây Bắc của Tổ quốc. Từ xa xưa, các dân tộc Điện Biên luôn kề vai sát cánh bên nhau để bảo vệ và xây dựng quê hương. Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân các dân tộc Điện Biên đoàn kết một lòng theo Đảng, lập nên nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Toàn cảnh Điện Biên Phủ.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, nhân dân các dân tộc Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp độc canh, tự cấp, tự túc, du canh, du cư, nên trong một thời gian dài, đói nghèo đã đè nặng lên cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Trước thực tế đó, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã nỗ lực lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế Điện Biên đã liên tục phát triền, nhất là trong những năm gần đây. Nhiều năm liền Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,83%/năm; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 9,33%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 48,6 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tính đến năm 2023: Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 16,88%, công nghiệp - xây dựng chiếm 20,92%, dịch vụ chiếm 58,11%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,09%.

Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện khá toàn diện, đi vào thực chất và chiều sâu, đạt nhiều kết quả. Hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được triển khai hiệu quả; ngành nông nghiệp tiếp tục được cơ cấu, tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng và số lượng gắn với ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện toàn diện, thực chất, có chiều sâu và đạt nhiều kết quả. Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 56 địa bàn đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 18 xã so với năm 2020.

Trong những năm qua, tỉnh Điện Biên nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu, ký kết thoả thuận hợp tác và đầu tư tại tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Điện Biên cấp giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 42 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký trên 16.200 tỷ đồng.

Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên tiếp tục được ưu tiên nguồn lực để thực hiện đầu tư, đến nay có 125/129 xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được quanh năm. Công tác quản lý, bảo trì đường bộ luôn được quan tâm, duy trì thực hiện, nhiều điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, điểm nguy cơ mất an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ được xử lý, góp phần đảm bảo an toàn cho nhân dân khi tham gia giao thông.

Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã chú trọng thu hút đầu tư các dự án năng lượng (nguồn và lưới điện), công nghiệp khai thác khoáng sản và xây dựng, tốc độ tăng trưởng bình quân trên lĩnh vực này đạt 7,91%/năm. Từ năm 2021 - 2023, Điện Biên đã hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác thêm 9 nhà máy thủy điện. Nhiều nhà đầu tư đang khảo sát và lập dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như: Điện gió, điện sinh khối, thủy điện tích năng...

Dịch vụ thương mại phát triển đa dạng và bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường; hàng hóa đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, giá cả các mặt hàng thiết yếu tương đối ổn định. Điện Biên phấn đấu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; xây dựng Điện Biên là điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Về phát triển văn hóa, xã hội, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân dân các dân tộc Điện Biên bị mù chữ chiếm tỷ lệ cao. Đến nay, kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các mức độ của tỉnh Điện Biên được giữ vững và từng bước nâng cao. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh có 484 cơ sở giáo dục và đào tạo, với hơn 22 vạn học sinh, sinh viên; có 79,6% số trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, giáo dục toàn diện được nâng lên. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển; 100% cán bộ, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn theo Luật Giáo dục. Nhiều đề tài khoa học được triển khai theo hướng nghiên cứu gắn với ứng dụng, bám sát tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, từng bước được áp dụng vào thực tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và chăn nuôi.

Mạng lưới y tế trên toàn tỉnh Điện Biên được củng cố, hoàn thiện theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; hệ thống cơ sở y tế được quan tâm đầu tư, chất lượng đội ngũ cán bộ y tế đuợc nâng lên, nhất là bác sĩ, dược sĩ có trình độ sau đại học (đến năm 2023, toàn tỉnh có 818 bác sĩ, đạt 12,06 bác sĩ/1 vạn dân). Chính sách bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách được triển khai thực hiện tốt. Thực hiện hiệu quả các hoạt động y tế - dân số, y tế cộng đồng, giám sát dịch tễ; trong đại dịch Covid-19 tỉnh chỉ ghi nhận 24 trường hợp tử vong.

Hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bản tỉnh Điện Biên những năm qua được duy trì và phát triển, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Tính đến năm 2023, trong toàn tỉnh, số thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư và hộ gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng, có 74% hộ gia đình, 81,7% thôn, bản, tổ dân phố, 95,5% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Tỉnh đã tập trung bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nhất là bản sắc văn hóa các dân tộc để phục vụ phát triển du lịch.

Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

 Về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng vũ trang tỉnh Điện Biên đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các nghị quyết, chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; Luật Quốc phòng và các nghị định của Chính phủ về khu vực phòng thủ; triển khai thực hiện hiệu quả, toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Tỉnh đã chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, thực sự là nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; xây dựng tiềm lực trong khu vực phòng thủ gắn với phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển.

Tỉnh thường xuyên thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, các hoạt động chính trị quan trọng của tỉnh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời các vấn đề lợi dụng tôn giáo, dân di cư tự do, vi phạm quy chế biên giới. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội được kiềm chế, đẩy lùi, nhất là tội phạm hình sự, ma túy; các lực lượng đã triệt phá thành công nhiều chuyên án, vụ án lớn về ma túy hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia.

Những năm qua, Điện Biên đã chú trọng mở rộng hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế; tăng cường quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào; duy trì quan hệ hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Mở rộng hợp tác kinh tế với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước nhằm hội nhập quốc tế sâu rộng, thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, những năm qua, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh Điện Biên đạt nhiều kết quả quan trọng; tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tô quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới, sắp xếp theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức được tăng cường, góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội. Công tác tổ chức xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả tích cực; tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị thường xuyên được kiện toàn; 100% thôn, bản có đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng được triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu lực, hiệu quả; kịp thời phát hiện, chấn chinh, ngăn ngừa những khuyết điểm; đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thường xuyên đổi mới công tác dân vận cả về nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phức tạp nảy sinh ngay từ cơ sở, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp được đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, ngày càng đáp ứng tốt hơn với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng được phát huy, chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên, làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và đoàn viên, hội viên, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Với những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại; khai thác hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường; bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc và di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh. Quyết tâm đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững".

Ban Tuyên giáo tỉnh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ