A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Châu Âu có cứu được thỏa thuận hạt nhân Iran?

 

QPTĐ-Khu vực Trung Đông vẫn chưa dứt tiếng súng bởi các cuộc xung đột vũ trang, khủng bố ở Syria, Yemen, Iraq lại bị đốt nóng bởi căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Iran đã hàng năm kéo dài khẩu chiến và “sẵn sàng hành động”! 

 

 

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran trong một buổi duyệt binh.   

Ảnh: Internet


Căng thẳng leo thang khi 2 tàu chở dầu bị tấn công ở vịnh Oman, ngoài khơi UAE (ngày 13-6), thổi bùng lo ngại, trên vùng biển Ba Tư, tàu thuyền qua eo biển chiến lược Hormuz (do Iran quản lý) không an toàn?


Hải quân Mỹ cho hay, Hạm đội 5 đã ra sức hỗ trợ 2 tàu bị tấn công, giúp thủy thủ sơ tán. “Lực lượng Hải quân Mỹ đã nhận được 2 cuộc gọi cứu hộ riêng biệt và lúc 6 giờ 12 và 7 giờ sáng 13-6. Các tàu của chúng tôi đang hỗ trợ kết xuất dầu”-Phát ngôn viên Hải quân Mỹ cho biết: Các tàu chở dầu đã bị tấn công trong cùng khu vực mà Mỹ cáo buộc Iran đã sử dụng các mỏ hải quân để phá hoại 4 tàu chở dầu khác trong một cuộc tấn công vào tháng trước (ngày 12-5)? Mỹ, Anh, Arab Saudi nghi Iran là thủ phạm vụ tấn công? 


Hãng Thông tấn Nhà nước Iran (IRNA) bác bỏ cáo buộc Tehran dính líu đến vụ việc này và xác nhận, tàu chở dầu bị tấn công bằng ngư lôi. Hải quân Tehran đã kịp thời cứu trợ tàu bị hư hỏng và đưa 44 thủy thủ trên tàu về cảng Jask (Iran) an toàn. Ngoại trưởng Iran J.Zarif miêu tả vụ tấn công là “hành động đáng ngờ” sau nhiều diễn biến đang gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran?


Công ty Tình báo Hàng hải Dryad Glogal và Hãng Năng lượng CPC Đài Loan cho biết: Con tàu gặp nạn là MT Front Altair (Na Uy) chở 75.000 tấn dầu, nguyên liệu thô (naphtha) gắn cờ quần đảo Marshall. Chiếc tàu thứ 2: Kokuka Courageous (Nhật Bản) mang cờ Panama trên đường vận chuyển methanol từ Arab Saudi đi Singapore. Hải quân Anh đưa tin, tọa độ nơi diễn ra sự cố là khoảng 45km (25 dặm) ngoài khơi bờ biển Iran. 


Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn (ngày 14-6) theo đề nghị của Mỹ. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres đề xuất thành lập Tổ điều tra độc lập về sự việc này. Vụ tấn công đã khiến giá dầu thế giới tăng 4%, bởi eo biển Hormuz có 15-20% sản lượng dầu thế giới đi qua. Dư luận quan ngại, chỉ một quả tên lửa của Mỹ hoặc Iran bắn vào nhau sẽ đẩy giá dầu mỏ toàn cầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng? 


Hàng thập kỷ qua, quan hệ Mỹ-Iran luôn căng thẳng không chỉ bởi Nhà Trắng đưa Tehran vào “danh sách đen”, “Nhà nước tài trợ khủng bố” mà các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, vùng Vịnh cũng lo ngại về mối đe dọa “xâm lược của Nhà nước Hồi giáo Iran”? Tehran phải chịu nhiều áp lực do lệnh cấm vận của Liên hợp quốc và Mỹ về chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân của nước này. 


Sau những nỗ lực quốc tế, Nhóm P5+1 gồm các nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ:  Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức (7-2015) ký với Iran Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, Iran dừng làm giàu uranium cấp độ cao, tháo dỡ các lò phản ứng hạt nhân, có sự giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA); đổi lại, Liên hợp quốc dỡ bỏ dần lệnh cấm vận với Tehran. Các báo cáo của EU và IAEA cho hay, thời gian qua, Iran chấp hành nghiêm thỏa thuận đã ký-Kế hoạch JCPOA. Tuy nhiên, điều đó chưa làm Nhà Trắng hài lòng. 


Tháng 5-2018, Nhà Trắng đưa Tehran trở lại danh sách “Chính phủ tài trợ khủng bố”. Tổng thống Mỹ D.Trump gọi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran là “tổ chức khủng bố”, ra lệnh cấm vận Iran. Lệnh trừng phạt được xiết chặt hơn, kể từ tháng 1-2019, trong đó quyết đưa xuất khẩu dầu mỏ (ngành kinh tế chủ lực của Iran) về con số 0. Được biết, Iran là thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có năng lực sản xuất 3-5 triệu thùng dầu/ngày. Trước áp lực của Mỹ, Tehran chỉ xuất khẩu được 1-2 triệu thùng dầu/ngày (năm 2018) và hiện chỉ còn 300-500 ngàn thùng/ngày. Mỹ phong tỏa, đóng băng các tài khoản, chặn giao dịch tiền tệ của Iran với nước ngoài. 


Từ giữa tháng 5, Lầu Năm Góc đưa Nhóm tác chiến do tàu sân bay USS Abraham Lincoln mang theo 90 máy bay, 4 tàu khu trục, 1 tàu tuần dương, tàu hậu cần đến Địa Trung Hải tăng cường cho Hạm đội 5. Đồng thời, đưa hệ thống tên lửa Patriot trở lại Trung Đông; điều phi đội máy bay chiến lược B-52H đến căn cứ El-Udeid (Qatar), nơi có 13.000 binh sĩ Mỹ đồn trú, báo động 40.000 lính Mỹ ở Trung Đông, gây sức ép lên Iran. Ngày 14-6, Mỹ điều thêm 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường hướng đến Trung Đông. Trả lời báo chí, Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo và Tổng thống D.Trump nói: Mỹ sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Iran! 


Trong 3 ngày 11-13/6, Thủ tướng Nhật Bản S.Abe thăm Iran, hội kiến Lãnh tụ Tối cao A.Khameinei, hội đàm với Tổng thống H.Rouhani, kỳ vọng làm trung gian tháo ngòi nổ Mỹ-Iran. “Bất cứ xung đột tình cờ nào đều có thể là ngòi nổ gia tăng căng thẳng với Mỹ”-Ông S.Abe cảnh báo. Vai trò ngoại giao con thoi của Tokyo nhằm đến đích, Mỹ và Iran có những nhượng bộ nhất định để Nhật tiếp tục mua dầu giá rẻ của Tehran. Bởi từ tháng 5-2019, Mỹ chấm dứt tình trạng miễn trừ trừng phạt 8 quốc gia và vùng lãnh thổ mua dầu của Iran, trong đó có Nhật. Đây được xem là thỏa thuận ngầm giữa Thủ tướng Nhật và Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm Tokyo của ông D.Trump dịp cuối tháng 5 vừa qua, trước Hội nghị các Bộ trưởng: Tài chính, Năng lượng, Môi trường các nước G-20 tổ chức tại Fukuoka (Nhật) trong các ngày 7-9/6 và 15-16/6. Nhật Bản không tin Iran tấn công tàu của Nhật đúng thời điểm Thủ tướng Nhật thăm Tehran?


Ngoại trưởng Đức H.Maas vừa có chuyến thăm Tehran (9-6) với tư cách là quốc gia có ảnh hưởng lớn, chi phối EU. Ông H.Maas hội đàm với người đồng cấp J.Zarif, hội kiến Đại giáo chủ A.Khameinei và Tổng thống H.Rouhani nhằm “giúp hai bên tìm cách xây dựng để duy trì thỏa thuận”-Kế hoạch JCPOA. Đại diện EU khuyên Tehran kiên nhẫn và cam kết tôn trọng các điều khoản về thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran. 


Trước sức ép dữ dội từ phía Mỹ, Iran tuyên bố, Nhà Trắng đang “dùng đòn tâm lý đánh lạc hướng dư luận, đe dọa Iran”? Tehran sẽ không thảo luận bất kỳ vấn đề nào nằm ngoài Kế hoạch JCPOA và chỉ đàm phán với Mỹ khi Nhà Trắng dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ nhằm vào nước này. 


Quan hệ Washington-Tehran căng như dây đàn! Liệu có kẻ kích động, châm ngòi chiến tranh Mỹ-Iran?       

                                                                    
            NHẬT MINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ