A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tại biển Đen: NATO và Nga phô diễn sức mạnh quân sự!

 

QPTĐ-Trong 2 tuần đầu tháng 4, Liên minh quân sự NATO do Mỹ cầm đầu, tập trận rầm rộ khu vực biển Đen, kết thúc ngày 12-4. Cùng thời gian này, Nga huy động lực lượng binh chủng hợp thành: Hải-Lục-Không quân tập trận bắn đạn thật trên biển Đen, “dằn mặt” đối phương. Giới quân sự cho rằng, NATO và Nga gặp nhau ở chỗ, đều mượn biển Đen làm thao trường, phô trương sức mạnh quân sự? Thứ  trưởng Ngoại giao Nga A.Grushko (15-4) tuyên bố, Nga và NATO đã hoàn toàn chấm dứt các quan hệ hợp tác cả về quân sự và dân sự?

 

 

Hạm đội Biển Đen của Quân đội Nga.

 

Theo đó, NATO tổ chức tập trận Sea Shield-2019 (Lá chắn biển 2019) ở khu vực Tây Nam biển Đen, huy động hàng trăm tàu chiến, máy bay chiến đấu của quân đội các nước thành viên: Mỹ, Canada, Hy Lạp, Romania, Bulgaria, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nước quan sát viên: Ukraine, Georgia.

 

Tham gia tập trận còn có Nhóm Hải quân thường trực NATO-2 (SNMG-2 tại châu Âu) huy động tàu chiến, máy bay trinh sát Hải quân diễn tập với Hải quân Ukraine, Georgia. “NATO cam kết tăng cường sự hiện diện tại biển Đen. Những tháng gần đây, NATO đã tăng tần xuất đáng kể tại khu vực và chắc chắn là “Gói biện pháp biển Đen” sẽ dẫn đến những nhiệm vụ lớn hơn nữa”-Phó Tổng Thư ký NATO Rose tiết lộ. “Gói biện pháp biển Đen” là một thỏa thuận được lập thành kế hoạch sau Hội nghị Ngoại trưởng NATO, tại Washington (4-2019), gia tăng hợp tác với các nước trong khu vực về huấn luyện, đào tạo hải quân cho Lực lượng bảo vệ bờ biển, trao đổi thông tin và thực hiện tập trận của lực lượng an ninh; kết hợp những biện pháp thiết thực để hỗ trợ Ukraine và Gruzia chống lại mối đe dọa hiện có. Theo bà Rose, “Gói biện pháp biển Đen”, thực chất, đã được Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Warsaw năm 2016 thông qua, NATO theo đuổi chính sách hai mặt với Nga: “Vừa kìm hãm và bảo vệ, vừa đối thoại”.

 

Sau cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine năm 2014, quan hệ Nga-Mỹ và NATO xấu đi nghiêm trọng. NATO giữ nguyên lập trường về vấn đề Ukraine, yêu cầu Nga trao trả Crimea cho Kiev, ngừng can thiệp vào miền Đông Donbass, mặc dù Nga đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ.

 

Sau sự kiện Nga bắt giữ 3 tàu chiến và 24 thủy thủ Ukraine xâm phạm lãnh hải Nga trên eo biển Kerch, nối biển Đen và biển Azov (11-2018), tại Diễn đàn Quốc tế về an ninh khu vực biển Đen tổ chức tại Odessa (3-2019), Ngoại trưởng Ukraine P.Klimkin tuyên bố: “Biển Đen sẽ không bao giờ thuộc về Nga, nó sẽ trở thành “Tam giác quỷ Bermuda” đối với chính quyền Moskva, tôi khẳng định là 100%”!

 

Tuy nhiên, lãnh đạo Khối NATO tự tin cho rằng, 3 năm qua, khối này có 9 cuộc họp trong Hội đồng NATO-Nga. Ngoài ra, Tổng Thư ký NATO, Tư lệnh Lực lượng vũ trang hợp nhất NATO cũng có các cuộc liên lạc với Ngoại trưởng và Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga-Đó là dấu hiệu tốt, tránh sự hiểu lầm hoặc thiếu thông tin lẫn nhau, làm gia tăng căng thẳng tình hình.

 

Moskva cho rằng, bản chất của NATO là răn đe, ngăn chặn ảnh hưởng của Nga khu vực châu Âu, tập trung khống chế Hải quân Nga hoạt động tại biển Đen.

 

Biển Đen (hắc hải) nằm giữa Đông Nam châu Âu và vùng Tiểu Á, diện tích khoảng 422.000 km2, nơi sâu nhất đến 2,21km. Biển Đen được nối với Địa Trung Hải qua eo biển Bosporus và biển Marmara. Có 7 quốc gia chung đường biên, tiếp giáp với biển Đen gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania, Abkhazia, Gruzia, Ukriane và Nga.

 

Từ thời Liên Xô, biển Đen và bán đảo Crimea là đại bản doanh của Hạm đội Biển Đen. Hiện, Hạm đội này được tăng cường hàng trăm tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu; là 1 trong 5 hạm đội hùng mạnh nhất của Hải quân Nga. Tại Crimea, Nga tăng cường phòng thủ bằng các loại vũ khí hiện đại gồm các trung đoàn phòng không S-300, S-400; hàng trăm chiến đấu cơ: Su-27, Su-30, Su-35, Su-57; hệ thống tác chiến điện tử; kể cả tên lửa tấn công có tầm bắn bao quát khắp châu Âu.

 

Từ tuần đầu tháng 4, đáp trả cuộc tập trận “Lá chắn biển 2019”, Hạm đội Biển Đen, Nga tổ chức diễn tập bắn đạn thật trên biển Đen. Các tàu Nga theo dõi chặt chẽ các tàu của NATO. Video Hải quân Nga ghi lại hình ảnh 6 tàu hộ tống mang tên lửa dẫn đường khai hỏa như sấm sét trên biển Baltic cùng các cuộc tập trận nhằm rèn luyện kỹ năng đối phó với các cuộc tấn công từ trên không. Các tàu hộ tống phóng thành công tên lửa chống hạm siêu thanh P-270M tiêu diệt mục tiêu cách xa 55km. Các đơn vị tác chiến mặt đất vận hành chính xác tên lửa chống hạm Bastion và Bal. Phi đội máy bay ném bom chiến lược có thể mang vũ khí hạt nhân Tu-160, máy bay ném bom Su-34 được chiến đấu cơ Su-27 hộ tống liên tục tuần tra khu vực biển Đen.

 

Thứ trưởng Ngoại giao Nga A.Grushko cho biết: “Quân đội Nga ngày càng cảnh giác với các hành động phô diễn sức mạnh quân sự của NATO, đó là động thái tiêu cực. Trong trường hợp cần thiết sẽ áp dụng các biện pháp kỹ thuật quân sự bổ sung”. Chủ tịch Viện Hàn lâm các vấn đề địa chính trị Nga L.Ivashov cho rằng: Mỹ lại một lần nữa lôi kéo NATO vào những hành động khiêu khích nhằm đạt được các mục tiêu riêng của Nhà Trắng. Giới chính trị nhận định: Mỹ không ngừng chính sách “NATO hướng Đông”. Việc Nhà Trắng ra sức lôi kéo Ukraine, Gruzia, Georgia vào Khối NATO là một minh chứng.

 

Ngoài ra, Mỹ chủ ý khoét sâu mâu thuẫn Nga-Thổ (thành viên NATO) hòng phá vỡ Dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và “Dòng chảy phương Bắc 2” đưa khí đốt từ Nga qua Thổ, Đức, sang châu Âu. Mỹ kỳ vọng sẽ cạnh tranh khí hóa lỏng, dầu mỏ với Nga ở Lục địa già?

 

Khối quân sự NATO vừa kỷ niệm 70 năm thành lập (1949-2019), với 29 nước thành viên gồm Mỹ, Canada và 27 nước châu Âu; chi ngân sách quốc phòng hơn 1.000 tỉ USD/năm (gấp 22 lần Nga), riêng Mỹ 715-750 tỉ/năm. NATO thực sự là tổ chức quân sự, chính trị mạnh mẽ nhất toàn cầu.

 

Tuy nhiên, Mỹ khó lòng làm mưa làm gió trên lĩnh vực kinh tế, quân sự thế giới, bởi sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và Nga. Hiện, Nga và Mỹ sở hữu hơn 7.000 đơn vị vũ khí hạt nhân mà chỉ sử dụng một phần nhỏ kho vũ khí này cũng đủ hủy diệt cả trái đất? Con bài vũ khí hạt nhân đang làm lạnh đi những cái đầu nóng của các chính trị gia!

 

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ