A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ dọa khai trừ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO?

 

QPTĐ-Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO  ở Washington (3-4), Phó Tổng thống Mỹ M.Pence cảnh báo về tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ trong khối quân sự này, khi Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. “Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn. Họ muốn tiếp tục là một đối tác quan trọng trong liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử hay họ muốn an ninh của các đối tác NATO bị gặp rủi ro vì đưa ra những quyết định liều lĩnh”-Ông M.Pence nhấn mạnh. 

 

 

Trụ sở chính của NATO ở Brussels, Bỉ.


Trả lời báo chí trong chuyến thăm Mỹ (4-4), kỷ niệm 70 năm ra đời Khối NATO (1949-2019), Ngoại trưởng Thổ M.Cavusoglu cho biết, nước này chỉ có thể mua thêm hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ chứ không thể hủy hợp đồng mua S-400 của Nga. “Chúng tôi đã nhiều lần nói với họ rằng, đó là một thỏa thuận hoàn tất rồi; vì thế, chúng tôi không thể hủy thỏa thuận đó”-Ngoại trưởng Thổ khẳng định, trước tuyên bố mang tính chất “tối hậu thư” của Phó Tổng thống Mỹ. 


Trước đó (12-2017), Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng trị giá 2,5 tỉ USD mua hệ thống S-400 của Nga, bất chấp Mỹ và NATO phản đối. Theo giới quân sự Thổ, việc lựa chọn mua S-400 của Nga là giải pháp tối ưu, vì nước này không tìm thấy có một hệ thống phòng không nào tốt hơn hoặc tương tự từ các đồng minh phương Tây. 


S-400 là hệ thống phòng không hiện đại nhất hiện nay, phát triển trên nền hệ thống S-300 với các biến thể: S-300PT/PS, S-300V, S-300V4, S-300VM, S-300PMU-2. S-400 đạt vận tốc siêu thanh, có thể tấn công, tiêu diệt cùng lúc hàng chục mục tiêu trên không (vật thể bay, tên lửa đạn đạo) từ xa 240km. Tên lửa mới 40N6 có thể giúp S-400 đạt tầm bắn 400km. Vì lợi ích quốc gia, không riêng Thổ, các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Arab Saudi, Qatar đã đặt mua S-400 của Nga. Hiện, Nga đang sản xuất hệ thống S-500, trang bị cho quân đội sau năm 2020.


Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Khối quân sự NATO do Mỹ chỉ huy, là lực lượng quân sự mạnh nhất, hoạt động hiệu quả nhất trong thời điểm hiện tại và cũng là tổ chức vũ trang đối trọng với Nga (trước kia là Liên Xô). Thổ có tiềm lực quân sự, quốc phòng mạnh, đứng thứ 2 trong NATO, sau Mỹ. Cùng với vị trí địa lý “cầu nối” giữa Trung Đông và châu Âu, Thổ nuôi kỳ vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nhưng xem ra còn xa vời. Là đồng minh của Mỹ nhưng dưới thời Tổng thống Thổ T.Erdogan, quan hệ Mỹ-Thổ đang rạn nứt, nhất là sau vụ ông T.Erdogan bị đảo chính hụt (7-2016), Tình báo CIA Mỹ bị nghi là “đạo diễn”? 


Từ việc ủng hộ phe đối lập ở Syria, “bắn lén” Su-24 Nga (12-2015), cấm vận Nga-Thổ; Tổng thống Thổ T.Erdogan quay sang bắt tay Tổng thống Nga V.Putin, như một sự trả ơn Tình báo Nga đã cứu Tổng thống Thổ trong vụ đảo chính nọ? Quan hệ Nga, Thổ trở lại mặn nồng với các hợp tác về kinh tế, đầu tư, quốc phòng. Đây hẳn là cái gai trong mắt Mỹ và phương Tây!


Mỹ phản đối Thổ mua vũ khí của Nga không chỉ vì ích lợi kinh tế mà sâu sa hơn là sự chia rẽ trong nội khối NATO, vai trò dẫn dắt của Mỹ bị đe dọa? Mỹ đề xuất, nếu Thổ hủy hợp đồng mua S-400 thì Mỹ sẽ chuyển hệ thống tên lửa Patriot cho Thổ vào cuối năm nay. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ P.Shanahan cảnh báo, Thổ mua S-400 sẽ ảnh hưởng xấu đến thương vụ mua 100 chiến đấu cơ tàng hình F-35 Mỹ. “Lập trường của tôi là S-400 và F-35 không thể cùng song hành, đồng nghĩa với việc chúng không được triển khai cùng nhau”. Mỹ khẳng định, Thổ sử dụng S-400 sẽ không tương tác với hệ thống vũ khí NATO; ngược lại, sẽ làm lộ bí mật vũ khí phương Tây cho phía Nga. Nhà Trắng hé lộ các đòn trừng phạt nhằm vào Ankara nếu vẫn theo đuổi hợp đồng mua S-400?


Theo đó, Ankara sẽ không được tham gia sản xuất các linh kiện trị giá 12 tỉ USD trong dự án ngàn tỉ USD này với Mỹ, NATO như thân máy bay, càng hạ cánh, hộp số, màn hình hiển thị, buồng lái F-35. Các nghị sĩ Mỹ cho rằng, Nhà Trắng không nên để Thổ đe dọa đến sự an toàn của các phi công Mỹ cũng như an ninh NATO bằng việc triển khai cùng lúc 2 gói kỹ thuật quân sự F-35 và S-400. Mỹ quan ngại, công nghệ nhậy cảm của F-35 vốn được thiết kế để tránh một hệ thống phòng không, có thể bị vô hiệu hóa và được sử dụng để nâng cấp hệ thống phòng không của Nga? 


Theo hợp đồng, Nga sẽ chuyển giao cho Thổ hệ thống S-400 đầu tiên vào tháng 7 tới. Tổng thống Thổ T.Erdogan cho rằng, Mỹ không thể đưa ra những điều kiện thuận lợi cho Ankara để mua các hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất nên Thổ phải tìm đến Nga. “Chúng tôi đã hoàn tất thỏa thuận S-400 và sẽ tiếp tục thanh toán hợp đồng”-Ông T.Erdogan khẳng định: “Với tư cách là 2 nước đồng minh NATO, Mỹ và Thổ không nên trừng phạt lẫn nhau”. Ông O.Celik, Phát ngôn viên Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền tuyên bố: Hệ thống S-400 không chỉ bảo vệ Thổ mà còn giữ an toàn cho cả NATO và EU?


Thực tế, Thổ đã nhận được 3 máy bay tàng hình F-35 Mỹ và sẽ nhận tiếp chiếc thứ 4 trong vài tuần tới. Mỹ vẫn đang hỗ trợ huấn luyện, đào tạo phi công cho Thổ theo thỏa thuận. Bình luận về căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Thổ, Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg cho rằng: “Sẽ là sai lầm nếu áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với các nước thành viên NATO vì chúng ta vẫn cần có nhau”. 


Khối quân sự NATO có 29 thành viên thì 27 nước thuộc châu Âu cùng với Mỹ và Canada. Dưới thời Tổng thống D.Trump, quan hệ NATO và Mỹ có nhiều rạn nứt. Các nước không mặn mà với yêu cầu của ông D.Trump buộc các thành viên NATO phải chi đủ 2-4% GDP/năm cho ngân sách quốc phòng. Việc Mỹ tuyên bố hủy Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) Mỹ-Nga, được xem là đưa châu Âu vào trạng thái mất an ninh. Tổng thống D.Trump không dưới một lần kêu gọi các nước đồng minh, trong đó có NATO, chi nhiều hơn nữa ngân sách nuôi binh sĩ Mỹ duy trì an ninh cho họ, hơn là dùng tiền thuế của người dân Mỹ? Vừa qua, Liên minh châu Âu ra mắt Lực lượng quân đội riêng theo sáng kiến của Đức, Pháp cho thấy, các quốc gia Lục địa già không chỉ duy nhất tin tưởng vào sức mạnh của Mỹ về năng lực bảo vệ lãnh thổ của mình? 


Giới bình luận chính trị cho rằng, hố sâu ngăn cách Mỹ-Thổ chỉ có lợi cho Nga. Hiện, Nga-Thổ-Iran đang hợp tác để chống khủng bố, xung đột ở Syria. Nga giúp Thổ xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân và phối hợp triển khai Dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đưa khí đốt từ Nga sang châu Âu, là thách thức lớn trong quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, Thổ cũng phải cân bằng giữa các rủi ro và lợi ích trong việc duy trì mối quan hệ đồng minh với Mỹ và đối tác với Nga.


HÀ NGỌC

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ