A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Căng thẳng Nga-Ukraine đốt nóng Hội nghị Thượng đỉnh NATO!

 

QPTĐ-Hội nghị Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp tại Brussels (Bỉ) trong 2 ngày 4-5/12 tập trung thảo luận về các thách thức an ninh toàn cầu: Xung đột Trung Đông, Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung Nga-Mỹ (INF), ngân sách quân sự quốc phòng năm 2019; trong đó, dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine. 

 

 

Tàu hải quân Ukraine bị Nga đưa về đậu tại cảng Kerch ở Crimea. 
                                                                                 Ảnh: REUTERS                                               


Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg cho hay, vụ va chạm giữa tàu chiến của Nga và Ukraine (ngày 25-11) trên biển Azov là nội dung quan trọng trong nghị trình cuộc họp, chiếm khá nhiều thời gian thảo luận. Các Ngoại trưởng NATO cam kết ủng hộ đối với Ukraine và tăng cường hơn nữa sự hợp tác đối với Kiev trong thời gian tới. Phát biểu với báo giới, ông J.Stolteberg tuyên bố: NATO kêu gọi Nga nhanh chóng trả tự do cho các thủy thủ và tàu chiến của Ukraine; đồng thời, bảo đảm quyền tự do đi lại cho các tàu thuyền trên biển Đen. Vị Tổng Thư ký NATO cũng cảnh báo, NATO có nhiều lợi ích ở biển Đen, vì vậy, sẽ tiếp tục hiện diện cả trên không, trên biển và trên bộ tại khu vực này. 


Sau vụ tàu chiến Ukraine xâm phạm lãnh thổ bị Hải quân Nga nổ súng, bắt giữ 3 tàu và 24 thủy thủ Ukraine; Tổng thống P.Poroshenko (1-12), hối thúc NATO đưa tàu chiến đến vùng biển Azov hậu thuẫn Kiev, kiềm chế Nga. Tuy nhiên, NATO không chấp thuận đề nghị này của chính quyền Kiev. Có thể, đây là động thái cho thấy, NATO không muốn đẩy căng thẳng khu vực đi xa hơn nữa? 


Quan hệ Nga-Ukraine xấu đi nghiêm trọng sau sự kiện Crimea trở về Nga năm 2014 và xung đột miền Đông Donbass. Chính phủ Kiev cáo buộc Điện Kremlin hậu thuẫn chính quyền Donetsk và Lugansk tuyên bố ly khai chính quyền Trung ương, mặc cho Nga nhiều lần lên tiếng bác bỏ. 


Tuần qua, Tổng thống P.Poroshenko ban bố tình trạng thiết quân luật 30 ngày (kể từ 28-11), động viên lực lượng quân dự bị nhập ngũ, đưa lực lượng không quân, xe tăng, pháo hạng nặng áp sát biên giới Nga. Quốc hội Ukraine (6-12) thông qua đạo luật mở rộng lãnh thổ biển thêm 12 hải lý, quyết định không gia hạn Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác Ukraine ký với Nga ngày 31-5-1997 (hết hạn ngày 1-4-2019). Kiev dọa sẽ hủy tiếp khoảng 40 hiệp ước Uraine ký với Nga trong thời gian tới, trong đó có Hiệp định giữa Liên bang Nga và Ukriane về hợp tác trong việc sử dụng biển Azov và eo biển Kerch ký ngày 24-12-2003.

 

Cùng với đó (3-12), Tòa án thành phố Kherson tuyên bố, cấm 1 tàu chở dầu của Nga rời cảng Kherson, bởi chủ tàu này nằm trong danh sách đen của Ukraine. Đây được xem là những động thái mạnh mẽ, chứng tỏ sự đoạn tuyệt của Chính phủ Kiev với Moskva, dứt bỏ mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước-Hai quốc gia anh em gần một thế kỷ sống dưới mái nhà chung Liên bang Xô Viết. Bày tỏ sự ủng hộ Ukraine, Mỹ điều 1 tàu sân bay hạt nhân hướng đến biển Đen.


Tại Hội nghị cấp cao NATO, Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo đưa ra thông điệp: Moskva vi phạm Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) và Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước này, chấm dứt nghĩa vụ của mình như một biện pháp trả đũa nếu Nga không tuân thủ một cách hoàn toàn và có kiểm chứng trong vòng 60 ngày (kể từ ngày 4-12). Theo ông M.Pompeo, Nga đã phát triển “nhiều tiểu đoàn tên lửa SSC-8”-Tên lửa hành trình tầm trung Navator 9M729 “tầm bắn của tên lửa khiến chúng trở thành mối đe dọa trực tiếp với châu Âu”. Mỹ cam kết không thử nghiệm, sản xuất hoặc triển khai bất kỳ hệ thống nào trong khi Nga triển khai tên lửa hành trình trên mặt đất trong 2 giới hạn phạm vi cấm là 500-5.500km và có thể triển khai rộng rãi ở châu Âu cũng như phía Đông dọc theo biên giới Trung Quốc. Phát biểu của ông M.Pompeo được xem như tối hậu thư của Mỹ đối với Nga, sau tuyên bố của Tổng thống D.Trump (20-10) về ý định rút khỏi Hiệp ước INF. 


Lo ngại châu  Âu trở thành “con tin, đứng giữa hai làn đạn”, tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 (1-12), Thủ tướng Đức A.Markel thuyết phục Tổng thống Mỹ trì hoãn thủ tục chính thức về INF cho đến năm 2019. Tuy nhiên, Mỹ chủ động hủy 2 cơ hội gặp cấp cao giữa Tổng thống D.Trump và Tổng thống V.Putin tại Paris và G-20 ở Argentina dịp tháng 11 và 12 vừa qua, càng đẩy xa cơ hội cứu vãn duy trì thỏa thuận hạt nhân tầm trung Nga-Mỹ. 
Phản ứng trước cáo buộc của các quan chức Mỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Y.Shvytkin lên tiếng: Nga chưa bao giờ rút khỏi INF. Nếu Mỹ đơn phương rút khỏi INF sẽ phá hủy sự ổn định tại châu Âu và các nước khác “trở thành con tin trong chính sách vô trách nhiệm của Mỹ”. Ông Y.Shvytkin đưa ra bằng chứng, Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn Aegis ở Ba Lan, Romania chính là sự vi phạm INF, bởi hệ thống này có thể điều chỉnh để bắn tên lửa hành trình tấn công. Vì vậy, nếu Washington rút khỏi INF thì Moskva buộc phải đáp trả bằng các biện pháp thích ứng để cân bằng lực lượng, nguy cơ đẩy thế giới vào một cuộc chạy đua vũ trang mới. 


Tuần qua, Tổng thống Nga V.Putin hối thúc Mỹ sớm cùng Nga tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh để giải quyết các bất đồng trong quan hệ giữa hai cường quốc về quân sự. Sau những diễn biến tại Hội nghị cấp cao NATO, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov tuyên bố: Các thủy thủ Ukraine xâm phạm lãnh hải Nga là hành động khiêu khích có chủ đích, phải bị đưa ra xét xử, họ có thể phải đối mặt với án tù 6 năm. 


Biển Đen và Crimea là đại bản doanh của Hạm đội Hải quân Nga được trang bị các loại vũ khí hiện đại trên tàu chiến, tàu ngầm, máy bay tiêm kích và hệ thống phòng không S-400. Một nguồn tin cho hay (6-12), tàu ngầm lớp Kilo Blak Hole (Hố đen) Nga đã rời cảng Sevastopol ở biển Đen hướng đến eo biển Kerch, đối phó với việc Mỹ và NATO đưa tàu chiến đến khu vực này. Trước đó (4-12), Hải quân Nga tổ chức bài tập trên biển Barents, tàu ngầm năng lượng hạt nhân Severodvinsk phóng tên lửa hành trình Kalibr trúng mục tiêu cách xa 700km. Trên chiến trường Syria, tàu chiến, tàu ngầm Nga nhiều lần phóng tên lửa Kalibr mang đầu đạn 450kg, hủy diệt phiến quân ở cách xa 2.000-2.600km, gây sự kinh ngạc với phương Tây. 


Hội nghị cấp cao NATO cũng không đạt được đồng thuận về việc nhiều nước thành viên không đạt mức chi ngân sách quân sự quốc phòng 2% GDP/năm, trong khi Mỹ yêu cầu phải nâng lên 4% GDP/năm. Mỹ phản đối dữ dội việc Pháp, Đức ủng hộ thành lập “Quân đội châu Âu” để tự bảo vệ mình, chống lại sự lớn mạnh của Nga, Trung Quốc và cả Mỹ? Châu Âu đang rơi vào thời kỳ bất ổn mới!


                         HÀ NGỌC

 


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ