A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao Qatar tuyên bố rút khỏi Tổ chức OPEC?

 

QPTĐ-Ngày 3-12, phát biểu với báo chí, Bộ trưởng Năng lượng Qatar S.al-Kaabi tuyên bố, nước này sẽ rút khỏi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kể từ tháng 1-2019 để tập trung vào lĩnh vực năng lượng có thế mạnh hơn-xuất khẩu khí đốt. Tuy nhiên, Qatar vẫn tuân thủ các cam kết của khối và tiếp tục tham dự phiên họp định kỳ OPEC diễn ra ngày 6-7/12 tại Vienna (Áo). Vì sao Qatar lại đột ngột chia tay OPEC sau 57 năm chung sống (từ năm 1961)? 

 

 

Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi. 
Ảnh: Reuters


Qatar là quốc gia nhỏ bé về diện tích, dân số và biên chế quân đội trong Hội đồng Hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC) nhưng bình quân thu nhập đầu người lại thuộc loại đứng đầu thế giới với lợi thế xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt. Đất nước này phải nhập khẩu gần như hầu hết các loại hàng hóa công nghiệp, tiêu dùng, lương thực, thực phẩm. Tháng 6-2017, khởi đầu là Arab Saudi kéo theo Bahrain, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập rồi đến Yemen đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao, đóng cửa biên gới với Qatar, cáo buộc chính quyền Doha “tài trợ khủng bố”? Qatar bị bao vây cô lập với thế giới bên ngoài! 


Lập tức Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đưa binh sĩ đến thủ đô Doha bảo vệ gia đình Hoàng cung, chống bạo loạn; đồng thời, dùng cầu hàng không tiếp vận hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm an ninh trật tự và đời sống thường nhật ở đất nước này. Các nước GCC, đứng đầu là Arab Saudi, càng thêm tức tối cho rằng, Doha bắt tay Nhà nước Hồi giáo Iran (kẻ thù của Mỹ, Israel, Arab Saudi và dòng Hồi giáo Sunni), phản bội phương Tây? Khủng hoảng hơn 1 năm qua ở vùng Vịnh ngày càng thêm sâu sắc.


Qatar là thành viên Tổ chức OPEC (15 nước, thành lập năm 1960), sản lượng dầu mỏ xuất khẩu chỉ chiếm 2% trong khối nhưng “có vai trò lớn trong lịch sử OPEC”. Việc Doha tuyên bố rời bỏ OPEC có lẽ chỉ mang tính biểu tượng nhưng là tiếng chuông cảnh báo sự thiếu đồng thuận, có nguy cơ chia rẽ nội khối. Phải chăng đây là sự phản ứng của Qatar về sự thiếu tôn trọng, không công bằng của Arab Saudi-Quốc gia đứng đầu OPEC, đang dẫn dắt các nước vùng Vịnh, mặc dù Doha tuyên bố việc rời OPEC hoàn toàn vì mục tiêu kinh tế? Và liệu ý định thành lập Khối “NATO Arab” hòng bao quát Trung Đông với 100.000 binh sĩ theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ D.Trump và Thái tử Arab Saudi M.bin-Salman có thành hiện thực? 


Trong mấy năm gần đây, sản lượng dầu mỏ Qatar giảm dần từ 728.000 thùng/ngày (năm 2013) xuống còn hơn 600.000 thùng/ngày (năm 2017-2018), trong khi Mỹ (chiếm số 1), Arab Saudi (số 2), Nga (số 3) khai thác ở mức hơn 11 triệu thùng/ngày. Ở thời điểm năm 1970, dầu thô tăng giá kỷ lục: 180 USD/thùng, xuống còn 140-100 USD/thùng (năm 2010-2014). Rồi giá dầu lao dốc còn 40 USD/thùng (năm 2015), thậm chí 26 USD/thùng (2-2016), khiến các nước phải đóng cửa hàng trăm dàn khoan, hàng chục ngàn người mất việc làm. 


Trong thời gian đầy khó khăn này, công nghệ sản xuất dầu đá phiến giá siêu rẻ của Mỹ ra đời, khai thác được những mỏ dầu sâu hơn, lợi nhuận vẫn tăng đều ngay cả khi dầu sụt giá, mang lại lợi nhuận kếch sù cho các nhà đầu tư Mỹ. Tổng thống D.Trump quyết định mở “cuộc chiến dầu khí” toàn cầu, mở kho dự trữ, xuất khẩu dầu thô, mở rộng địa bàn, phạm vi khai thác dầu, khí đốt, tuyên bố cạnh tranh với OPEC và Nga. Năm 2018, Tổng thống Mỹ lần đầu tiên cho phép thăm dò, khai thác mỏ mới tại Bắc Cực. Với hơn 11 triệu thùng/ngày, vượt mốc năm 1970-kỷ lục thời Tổng thống R.Nixon 10 triệu thùng/ngày; Mỹ dự báo đạt 20 triệu thùng/ngày (giai đoạn 2020-2025).


Để cứu vãn giá dầu, Nga, Arab Saudi và OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm hơn 2 triệu thùng dầu/ngày (từ cuối năm 2016), riêng Nga và Arab Saudi cắt giảm 0,5-1 triệu thùng/ngày. Từ tháng 1-2017, giá dầu tăng, vượt ngưỡng 70 USD/thùng rồi đạt 85 USD/thùng (10/2018) nhưng lại bất ngờ tụt xuống 70-60 USD/thùng (tháng 11 và 12/2018). Lý giải về nguyên nhân dầu sụt giá, các chuyên gia cho rằng, nguồn cung đang vượt cầu khi các nước (nhất là Mỹ) tăng sản lượng khai thác. Hơn nữa, nền kinh tế thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm, nhu cầu sử dụng nhiên liệu không cao; nhiều nước sử dụng các nguồn năng lượng khác. Việc Nhà Trắng miễn áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Iran (từ 5-11) đối với 8 nền kinh tế (Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Hy Lạp, Đài Loan) khiến tâm lý tăng mua dự trữ không phát sinh mạnh như dự đoán. Đây cũng là biện pháp tạm thời của Mỹ, hòng kéo thụt giá dầu xuống dưới 40 USD/thùng, khiến hàng loạt các hãng dầu mỏ áp dụng công nghệ truyền thống phải phá sản.


Trước những biến động thị trường, Qatar chuyển hướng, tăng sản lượng khai thác khí tự nhiên từ 77 triệu tấn/năm lên 110 triệu tấn trong những năm tới. Qatar có lợi thế lớn về khí hóa lỏng nhờ các mỏ mang trữ lượng lớn nhất vùng Vịnh. Cựu Thủ tướng Qatar H.al-Thani cho rằng, “rút khỏi OPEC là một quyết định khôn ngoan”. “Tổ chức này đã trở nên vô dụng và không mang lại thêm gì cho chúng tôi”-Ông H.al-Thani khẳng định. 


Hơn nữa, Mỹ đặt căn cứ quân sự trên đất Qatar và Doha được bảo vệ quốc phòng-an ninh dưới ô che chở của quân đội Mỹ. Đó cũng là lý do để Qatar khó có chính sách về kinh tế độc lập hoàn toàn mà quên đi lợi ích của Mỹ?


Hiện, Mỹ đang xúc tiến xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) sang châu Âu nhưng thật khó cạnh tranh với khí đốt giá rẻ của Nga. Tại Bắc Cực, Nga đã hoàn thành Dự án LNG Yamal liên doanh với Pháp, Trung Quốc; trong khi Mỹ đang trong giai đoạn thăm dò, xây dựng. Dư luận cảnh báo, OPEC và Nga cần cảnh giác với sự trở lại phi thường của các doanh nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt Mỹ trong tương lai.


Theo Bộ trưởng Năng lượng UAE S.al-Mazrouei, đồng thời là Chủ tịch luân phiên OPEC, các nước thành viên sẽ ưu tiên bảo đảm sự ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu khi đưa ra các quyết định cuối cùng đối với chính sách sản lượng trong năm 2019 của OPEC từ Hội nghị Vienna kết thúc ngày 7-12. OPEC và Nga đang giữ sản lượng 40% dầu mỏ thế giới, đồng ý cắt giảm sản lượng khai thác để bảo đảm giá dầu không giảm sâu quá nhiều trong những tháng tới. 


Cuộc chiến năng lượng đang đốt nóng toàn cầu, không chỉ ở Trung Đông!


  HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ