A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ áp lệnh trừng phạt toàn diện Iran

 

QPTĐ-Ngày 5-11, lệnh trừng phạt giai đoạn 2 của Tổng thống Mỹ có hiệu lực, áp lên Nhà nước Hồi giáo Iran gây phản ứng trái chiều từ nhiều quốc gia. Động thái này được xem là thái độ cứng rắn của Mỹ, trừng phạt toàn diện và khắc nghiệt nhất đối với các ngành kinh tế chủ lực của Tehran, sau khi Nhà Trắng (8-5-2018) tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký với Iran năm 2015 (Kế hoạch hành động toàn diện chung-JCPOA giữa Iran và Nhóm P5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức tham gia ký kết). Dưới thời Tổng thống B.Obama, Mỹ trong Nhóm P5+1 nhất trí dỡ bỏ trừng phạt kinh tế đối với Iran, đổi lại việc Tehran dừng chương trình phát triển hạt nhân dưới sự giám sát của Liên hợp quốc và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Kế hoạch JCPOA được sự ủng hộ, bảo trợ của Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU). 

 

 

Iran tập trận đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ. 

            Ảnh: AFP 

                     
Biện minh cho nguyên cớ tái áp lệnh trừng phạt, Ông chủ Nhà Trắng cáo buộc, Nhà nước Iran tài trợ khủng bố, đang âm mưu gây ảnh hưởng ở Trung Đông, xâm phạm lợi ích quốc gia của Mỹ. Dỡ bỏ cấm vận Tehran là “một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất”, tạo cơ hội cho Iran phát triển kinh tế, quốc phòng và không thể ngăn cản quốc gia Hồi giáo này phát triển tên lửa, hạt nhân? 


Ngày 7-8, sau 90 ngày ra tuyên bố rút khỏi Kế hoạch JCPOA, Mỹ áp đặt trừng phạt giai đoạn 1 lên Iran bao gồm cấm các giao dịch về xe hơi, máy bay (của Mỹ và châu Âu), kim loại, khoáng sản (vàng, thép, than, nhôm…), các phần mềm liên quan đến công nghiệp, không cho phép sử dụng đồng USD, euro trong giao dịch tiền tệ. Sau 90 ngày tiếp theo (từ 5-11), lệnh trừng phạt giai đoạn 2 có hiệu lực, mở rộng cấm vận ngân hàng, đóng tàu, vận tải biển, xuất khẩu dầu mỏ. Mỹ ngừng nhập khẩu các mặt hàng thảm, thực phẩm và chặn một số giao dịch tài chính của Tehran. Iran là nước khai thác dầu thô lớn thứ 3 trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) công suất gần 4 triệu thùng/ngày, thu ngân sách lớn nhờ xuất khẩu dầu với 2,7 triệu thùng/ngày. Iran có trữ lượng dầu thô khoảng 158 tỉ thùng.


Mỹ không chỉ áp đặt trừng phạt lên hơn 700 cá nhân, thực thể Iran mà các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn với Iran cũng bị trừng phạt. “Các lệnh trừng phạt Iran chính thức có hiệu lực. Bất kỳ ai làm ăn với Iran sẽ không được làm ăn với Mỹ”-Tổng thống D.Trump tuyên bố. Đã có hơn 100 doanh nghiệp lớn nước ngoài rút khỏi Iran tránh ảnh hưởng cấm vận. 


Việc Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran không được sự ủng hộ của EU và nhiều nước có quan hệ kinh tế với Tehran. Cơ quan IAEA cho biết, Iran tôn trọng cam kết về thỏa thuận hạt nhân, đã đóng cửa, dỡ bỏ các thiết bị làm giàu uranium. Sau chuyến thăm Áo (Chủ tịch luân phiên EU) và Thụy Sĩ, hội đàm với các quan chức cấp cao EU (tháng 7 vừa qua), Tổng thống Iran H.Rouhani nhận được sự ủng hộ của 2 nước: Áo và Thụy Sĩ về thực hiện JCPOA. Liên minh châu Âu kêu gọi Mỹ và các quốc gia cố gắng duy trì thỏa thuận JCPOA đã đạt được, nhằm bảo đảm lợi ích cho tất cả các bên liên quan. EU cam kết bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp châu Âu đầu tư, kinh doanh với Iran bất chấp cấm vận của Mỹ; thậm chí nâng mức độ hợp tác, trợ giúp Iran bù đắp lại thiệt hại phải gánh chịu do cấm vận. Các nước: Đức, Pháp-trụ cột của EU cam kết duy trì JCPOA; trong khi Nga, Trung Quốc có nhiều lợi ích chung với Iran, lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ; đồng thời, vẫn hợp tác với Tehran trong lĩnh vực dầu khí, ngân hàng. 


Trước những động thái quyết liệt của châu Âu và đồng minh, Nhà Trắng có quyết định đầu tiên, nới lỏng trừng phạt Tehran bằng tuyên bố, cho 8 nước (trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…) tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ của Iran sau ngày 5-11. Vậy là, kế hoạch đưa dầu xuất khẩu của Iran về con số 0 từ tháng 11-2018 của Mỹ bị phá sản. Được biết, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ là những khách hàng tiêu thụ dầu của Tehran với số lượng lớn. Riêng năm 2018, Thổ nhập khẩu bình quân 176.000 thùng dầu/ngày từ Tehran. Các doanh nghiệp Trung Quốc đổ hàng chục tỉ USD liên doanh đầu tư, khai thác dầu khí với Iran.


Mấy tháng qua, Iran gặp không ít rắc rối bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Khối tài sản hàng trăm tỉ USD của Iran ở nước ngoài chưa kịp giải tỏa lại bị cấm vận. Nhiều ngân hàng quốc tế chặn giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran. E ngại bị trừng phạt vạ lây, nhiều doanh nghiệp hàng đầu: Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…lặng lẽ chào tạm biệt Tehran. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Iran năm 2018 dưới 2% so với dự báo đầu năm khoảng 4%. 


Cùng với đó, hàng chục cuộc biểu tình do phe đối lập tổ chức nổ ra ở thủ đô Tehran và các tỉnh, thành phố kêu gọi cải thiện dân sinh, chống độc tài, tham nhũng. Chính phủ Iran cho rằng, Mỹ đang âm mưu xúi giục dân chúng hòng lật đổ chính quyền Hồi giáo Trung ương. Tổng thống Iran H.Rouhani tuyên bố, chỉ để ngỏ khả năng đàm phán với Mỹ trong trường hợp Tổng thống D.Trump dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế vừa tái lập áp đặt lên đất nước này.


Đối phó với Mỹ, Iran mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa từ các nước mua dầu, hạn chế thanh khoản bằng ngoại tệ Mỹ. Nhà nước tung ra các biện pháp nới lỏng quản lý ngoại hối, thiết lập cơ chế tự chủ về kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Iran tuyên bố, sẽ làm giàu uranium lên 20%, cao hơn mức cho phép trong thỏa thuận hạt nhân nếu JCPOA sụp đổ. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran sẵn sàng đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz, nơi có 90% kim ngạch xuất khẩu dầu thô của các nước Trung Đông, vùng Vịnh đi qua. Khi đó, sẽ diễn ra khủng hoảng dầu mỏ, giá dầu chợ đen tăng đột biến, có thể lên 200-400 USD/thùng-Nguy cơ chiến tranh là không thể tránh khỏi, khi đó châu Âu và Trung Đông bỗng trở thành nạn nhân? 


Tuy nhiên, Iran không xa lạ gì với các lệnh trừng phạt của Mỹ trong bốn thập kỷ qua (kể từ năm 1979). Việc xoay trục sang Nga, Trung là một giải pháp của Tehran, trong khi Mỹ đang đối đầu toàn diện với Nga, Trung Quốc. Dự báo về giá dầu thô vượt mốc 100 USD/thùng dịp cuối năm 2018 chưa xảy ra, khi giá dầu tuần đầu tháng 11-2018 vẫn ở mức 63-65 USD/thùng, giảm 15 USD/thùng so với tháng trước đó. Mỹ thúc giục Arab Saudi và OPEC tăng sản lượng khai thác, hòng đánh sụt giá dầu thế giới, cạnh tranh quyết liệt với Nga. 


HÀ NGỌC

 


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ