A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ukraine chưa được chào đón gia nhập NATO?

 

QPTĐ-Cuộc xung đột Ukraine đã sang tháng thứ 9 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, xem ra có xu hướng gia tăng căng thẳng, mở rộng biên độ đến toàn khu vực châu Âu; thậm chí nổ ra Thế chiến III nếu xảy ra xung đột quân sự giữa Nga và Mỹ, NATO. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) gặp gỡ người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ngày 1/9. (Ảnh: Internet)

Ngày 8/10, trong cuộc vận động tranh cử cho Đảng Cộng hòa ở bang Nevada, cựu Tổng thống Mỹ D.Trump cảnh báo: “Hiện giờ, chúng ta chứng kiến xung đột giữa Nga và Ukraine, hàng trăm ngàn người có thể thiệt mạng. Chúng ta phải đề nghị họ đàm phán ngay lập tức để chấm dứt xung đột ở Ukraine một cách hòa bình, hoặc Thế chiến III có thể nổ ra, hành tinh này sẽ không còn lại gì”. 

Trong một sự kiện tương tự gây quỹ của Đảng Dân chủ (ngày 6/10), Tổng thống Mỹ J.Biden thông tin, nguy cơ thế giới sẽ phải đối mặt với kịch bản ngày tận thế hạt nhân đang ở mức cao kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Cảnh báo này của Tổng thống Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Nga V.Putin cáo buộc phương Tây “tống tiền hạt nhân Nga”, vượt lằn ranh đỏ nếu chuyển giao vũ khí tầm xa, khí tài mạnh đến Ukraine, hỗ trợ Kiev tấn công lãnh thổ Nga. 

Quan hệ Mỹ, phương Tây và Nga đang đặt trước nguy cơ đổ vỡ sau hàng loạt các sự kiện chính trị, kinh tế, ngoại giao mang tính đối đầu kể từ sau sự kiện Crimea năm 2014, phương Tây gia tăng trừng phạt, cấm vận Nga. Cùng đó, Mỹ và Nga hủy bỏ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) về việc kiểm soát tên lửa tầm ngắn, tầm trung và Hiệp ước Bầu trời mở (OST). Hiện, Nga và Mỹ chỉ còn ràng buộc bởi Hiệp ước New START đến năm 2026 về kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược. 

Vì vậy, việc khối quân sự NATO thực hiện chính sách “Đông tiến”, phát triển thành viên áp sát biên giới Nga (trong đó có Ukraine), được Moskva coi là hành động đe dọa an ninh lãnh thổ Nga. 

Tháng 2/2022, Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nhằm “phi quân sự hóa”, “phi phát xít hóa” chính quyền Kiev. Điện Kremlin tuyên bố, chiến dịch chỉ kết thúc khi Ukraine cam kết trung lập, không gia nhập NATO, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự, công nhận chủ quyền hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk và công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga. 

Ngày 30/9 vừa qua, Văn phòng Tổng thống Ukraine họp báo cho biết, Tổng thống V.Zelensky đã ký đơn gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thủ tướng Ukraine D.Shmyhal đã xác nhận thông tin này cho hay, Kiev cần nhanh chóng gia nhập liên minh quân sự NATO để có được “ô bảo trợ” của Mỹ và phương Tây, trước sự “xâm lược của Nga”. “Trên thực tế, Ukraine đã là một đồng minh của NATO”-Thủ tướng Ukraine khẳng định. 

Thật ra, khát vọng gia nhập khối quân sự NATO và Liên minh châu Âu (EU) đã nhen nhóm từ chính quyền Kiev với chính sách “bài Nga, thân Mỹ” từ hàng thập kỷ qua, thậm chí việc gia nhập NATO được ghi vào Hiến pháp Ukraine. Gần đây, từ những bất đồng trong nội bộ khối EU và NATO về việc tiếp nhận Ukraine tham gia, Chính phủ Kiev đã có lần công bố, tạm dừng việc gia nhập NATO.

Hành động mạnh mẽ của Tổng thống V.Zelensky (30/9) ký đơn chính thức gia nhập NATO là phản ứng tức thời sau khi 4 vùng lãnh thổ (2 vùng miền Đông Donbass và 2 tỉnh miền Tây) tổ chức trưng cầu dân ý gia nhập Liên bang Nga. Sự kiện này đã được Chính phủ Moskva đồng thuận và Quốc hội Nga phê chuẩn.

Đây được coi như giọt nước tràn ly, đạp đổ cơ hội cuối cùng về đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Tổng thống Ukraine tuyên bố, sẽ chiến thắng trong cuộc chiến giành lại “các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm” này. 

Đáp lại Kiev, Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh Bucharest (ngày 2/10) bao gồm 9 nước thành viên NATO: Séc, Slovakia, Ba Lan, Romania, Estonia, Latvia, Lithuania, Bắc Macedonia, Montenegro, ủng hộ Ukraine và Georgia trong tiến trình gia nhập NATO, không công nhận việc Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine. 

Tuy nhiên, tham vọng của Chính phủ Kiev không dễ dàng thực hiện bởi chiến lược toàn cầu của các liên minh và quốc gia lớn mạnh về kinh tế, quân sự chi phối.

Cố vấn An ninh Nhà Trắng (30/9) cho biết, Mỹ vẫn luôn duy trì chính sách mở cửa với các nước có nguyện vọng gia nhập NATO. Tuy nhiên, lúc này không phải là thời gian thích hợp để xem xét nguyện vọng gia nhập khối của Ukraine.

Tổng Thư ký NATO J.Stolenberg-tướng Mỹ cho rằng, kết nạp Ukraine phải có sự đồng thuận của 30 quốc gia thành viên của khối do Mỹ cầm đầu. NATO “kiên định lập trường đối với Ukraine” nhưng điều đó không có nghĩa là, NATO là một bên trong cuộc xung đột với Nga. 

Đại diện cấp cao EU phụ trách đối ngoại và an ninh J.Borrell (1/10) nói, đề xuất gia nhập NATO của Kiev “là điều có thể hiểu được nhưng không phải là vấn đề ưu tiên ở thời điểm này”, điều quan trọng bây giờ là hỗ trợ khả năng phòng thủ của Ukraine. 

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ch.Lambrecht cho rằng, các nước thành viên NATO sẽ quyết định tư cách Ukraine. “Đức sẽ không làm điều đó một mình”. Ngoại trưởng Đức A.Baerbock tuyên bố, sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine phòng vệ, bao gồm các việc gửi vũ khí hạng nặng cho Kiev và sẽ tìm mọi cách để tránh đưa NATO trở thành một bên tham chiến trực tiếp trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. 

Thời gian qua, phương Tây đã thể hiện sự ủng hộ Kiev bằng việc cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự, huấn luyện, hậu cần. Mỹ là nước dẫn đầu với hơn 19 tỉ USD. 

Sau khi Hạ viện Nga (2/10) phê chuẩn việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine vào Nga, tiến trình gia nhập chỉ còn là thủ tục do Tổng thống Nga ký sắc lệnh. Hẳn mối quan hệ Nga-Ukraine càng thêm căng thẳng. 

Tổng thống Ukraine V.Zelensky tuyên bố, sẵn sàng đàm phán nhưng Nga phải rút hết binh sĩ khỏi nước này và không đàm phán với Tổng thống Nga V.Putin? 

   Điện Kremlin (9/10) phát đi tuyên bố, Nga quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu của chiến dịch. Trước đó, Tổng thống V.Putin cam kết, Nga luôn tuân thủ tinh thần và nội dung Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) bởi sẽ không có người chiến thắng trong cuộc chiến này. 

HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ