A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xúc động lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở quê nhà

QPTĐ-Ngày đầu tiên của Quốc tang 25-7, không khí trầm buồn lan tỏa khắp thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Con đường quen thuộc dẫn vào thôn Lại Đà, nơi Tổng Bí thư sinh ra, lớn lên, gắn bó cả tuổi thơ mình với bao kỷ niệm, giờ đây chật kín người từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đến thăm viếng. Dòng người lặng lẽ di chuyển vào Nhà văn hóa thôn Lại Đà đem theo tâm nguyện được thắp nén tâm nhang, tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ người con ưu tú của quê hương Đông Hội, vị "Tổng Bí thư của nhân dân".

 
Đoàn thành phố Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đúng 7h sáng, Lễ viếng đồng chí Tổng Bí thư chính thức bắt đầu tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, các đoàn viếng của gia đình, dòng họ và nhân dân vào dâng lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong không khí trang nghiêm, xúc động, các đoàn nối tiếp nhau vào viếng thành dòng không dứt. Ai ai cũng rưng rưng nghẹn ngào, bằng tất cả sự kính trọng, yêu mến bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước anh linh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong kí ức của những người dân Đông Hội lúc này, những kỉ niệm về đồng chí Tổng Bí thư kính mến lại ùa về, trào dâng niềm xúc động trong tiếc nhớ. Bà Lương Thị Phàm, Thôn Đông Trù, xã Đông Hội nghẹn ngào: “Dù biết rằng “sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật của trời đất, ai cũng phải trải qua, nhưng tôi vẫn thấy đường đột, hụt hẫng khi Tổng Bí thư đã mãi mãi ra đi. Tổng Bí thư là người liêm khiết, sống giản dị, luôn nói đi đôi với làm, yêu thương dân, hết lòng hết sức cống hiến phục vụ nhân dân. Tổng Bí thư mất đi là một mất mát quá lớn của quê hương và đất nước”. 

Bà Ngô Thị Xạ, 82 tuổi, thôn Lại Đà xúc động kể về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sự kính trọng, yêu mến và tiếc thương vô bờ của nhân dân và lực lượng vũ trang quê nhà hướng về Tổng Bí thư với những tình cảm trân trọng nhất. Đồng chí Cao Tiến Minh, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Đông Hội chia sẻ: "Ngày đầu Quốc tang, trời nắng nóng, nhiệt độ có lúc gần 40 độ C, nhưng 100% cán bộ, chiến sĩ dân quân Ban CHQS xã vẫn luôn tự giác có mặt túc trực 24/24 để bảo vệ khu vực tổ chức Quốc tang tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, phối hợp với công an trực chốt, bảo đảm an ninh, hướng dẫn bà con nhân dân vào viếng bảo đảm trật tự, an toàn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất rất lớn của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta. Nhưng với sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc, cán bộ, chiến sĩ dân quân Ban CHQS xã sẽ biến đau thương thành quyết tâm cao nhất, bảo vệ an ninh an toàn tuyệt đối Lễ tang đồng chí Tổng Bí thư trên quê hương thân yêu của mình". 

Người dân huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đem theo di ảnh viếng Tổng Bí thư.

 

Nhiều người dân đã khóc khi viếng Tổng Bí thư.

Không chỉ người dân thôn Lại Đà, mà tất cả người dân xã Đông Hội đều luôn xem Tổng Bí thư không chỉ là người lãnh đạo tài ba, kiệt suất mà còn là người ông, người cha liêm khiết hết sức mẫu mực của mình, nên ngay sau khi hay tin Tổng Bí thư qua đời, người dân quê nhà Đông Hội không ai bảo ai nhưng đồng loạt thay đổi ảnh đại diện là ảnh Tổng Bí thư với màu đen trắng trên các nền tảng xã hội và đăng những dòng trạng thái thể hiện sự kính trọng, tiếc thương sâu sắc dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các hoạt động vui chơi, giải trí, các sự kiện hoạt động tập trung đông đều được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương gác lại để thể hiện lòng kính trọng, tiếc thương vô hạn dành cho người lãnh đạo xuất chúng của dân tộc, người con ưu tú rất đỗi thân thương của quê hương Đông Hội anh hùng. Đưa bàn tay gầy guộc run run lau những giọt nước mắt lăn dài dưới những nếp nhăn hằn sâu theo thời gian trên gương mặt khi nhắc tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Ngô Thị Xạ, 82 tuổi, thôn Lại Đà xúc động, bồi hồi nhớ lại: "Tôi với ông Trọng cùng trang lứa, học với nhau từ trường ở làng. Anh Trọng hiền lành, thông minh, học giỏi, rất gần gũi với mọi người nên ai cũng quý mến. Sau này cũng vậy, dù làm lãnh đạo cao nhất đất nước, song mỗi lần về quê anh Trọng vẫn luôn ân cần, gần gũi thăm hỏi người dân chòm xóm, bạn bè thân hữu bằng tình cảm thân tình, ấm áp, còn động viên chúng tôi phải sống khỏe, sống có ích để con cháu noi theo, góp phần xây dựng quê hương Đông Hội ngày càng giàu đẹp”.

Dòng người ở các tỉnh, thành vẫn xếp hàng dài chờ vào viếng Tổng Bí thư.

Đúng như lúc sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luôn căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên: "Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho nhân dân". Đó là điều mà Tổng Bí thư mong muốn lý tưởng tốt đẹp đó được lan tỏa, thấm đẫm trong mỗi con tim khối óc của những đảng viên cộng sản nước nhà. Nên giờ đây, người dân Đông Hội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, luôn nhớ mãi về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là vẻ đẹp nhân phẩm của một con người ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, nhưng vẫn khiêm cung, giản dị và vô cùng liêm chính, thanh cao. Chính vì vậy, dù đường có xa, đêm có muộn gần kết thúc giờ viếng, song điểm viếng Tổng Bí thư tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội vẫn đông kín người dân. Theo Ban tổ chức, đến cuối ngày 25-7, đã có 960 đoàn với 36.218 người từ khắp các tỉnh, thành đến viếng Tổng Bí thư tại Nhà văn hóa Lại Đà, xã Đông Hội, Đông Anh.

Văn Tuân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ