A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng thống Nga V.Putin: Chấm dứt thế giới đơn cực!

 

QPTĐ-Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Peterburg (SPIEF-2022), ngày 17/6, Tổng thống Nga V.Putin khẳng định: Thế giới đang có những thay đổi căn bản, không thể đảo ngược và không còn một thế giới đơn cực. 

“Thế giới đơn cực đã chấm dứt bất chấp những thế lực tìm cách duy trì nó bằng mọi giá”-Ông V.Putin nhấn mạnh: Các nước phương Tây đang cố ý làm suy yếu các nền tảng trật tự quốc tế nhằm thỏa mãn “những ảo tưởng địa chính trị”. Các đồng minh phương Tây cho rằng, “cả thế giới là sân sau của họ” và tìm cách cô lập hoặc xóa bỏ “những quốc gia không có lợi cho họ”.

Theo Tổng thống Nga V.Putin, chiến dịch quân sự tại Ukraine là bắt buộc và cần thiết. (Ảnh: Internet)

Tuyên bố của Tổng thống Nga tại Diễn đàn kinh tế quốc tế thường niên do Nga tổ chức (SPIEF-2022) thu hút đại diện 127 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia, bao gồm các cường quốc phương Tây: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước châu Á; càng gây sự chú ý bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã diễn ra gần 4 tháng (từ 24/2). 

Tổng thống V.Putin chỉ trích các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm chống lại Nga, như “con dao hai lưỡi” đã giáng đòn lên chính nền kinh tế Mỹ và các nước châu Âu. “Thiệt hại trực tiếp do cơn sốt trừng phạt có thể vượt 400 tỉ USD/năm và người dân châu Âu sẽ phải gánh khoản phí này. Chúng tôi thấy, các vấn đề kinh tế, xã hội ở châu Âu ngày càng trầm trọng hơn. Ở Mỹ, giá hàng hóa, thực phẩm và điện cũng như nhiên liệu xe hơi tăng. Mức sống của người dân châu Âu đang đi xuống và các doanh nghiệp của họ đang mất dần khả năng cạnh tranh”. 

Tổng thống Nga cảnh báo, các biện pháp trừng phạt sẽ kéo theo hậu quả lâu dài khắp châu Âu, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát tăng cao sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Moskva (ngày 30/5), chủ yếu là nhằm vào ngành năng lượng Nga với lộ trình dừng nhập khẩu 90% dầu thô Nga vào cuối năm nay. Về lý thuyết, châu Âu sẽ chuyển sang nguồn năng lượng sạch nhưng họ đang mâu thuẫn. Trên thực tế, các nước EU đang phải cố gắng tìm kiếm nguồn thay thế dầu của Nga bằng mọi giá.

“Những động thái trừng phạt này của phương Tây không khác nào tự sát về kinh tế”-Ông V.Putin khẳng định, bởi giá nhiên liệu tăng phi mã, lạm phát cũng tăng kỷ lục ở Mỹ và EU, trong khi Nga đang thích nghi dần với các biện pháp trừng phạt.

Hiện, nhiều ngành kinh tế Nga tăng trưởng mạnh từ nội lực, giá dầu thế giới tăng vọt lên hơn 120 USD/thùng, cao nhất trong thập niên qua, khiến Moskva ôm về bộn tiền từ xuất khẩu dầu, khí đốt. 

Theo Trung tâm CREA có trụ sở tại Phần Lan, Nga thu về 98 tỉ USD từ xuất khẩu năng lượng hóa thạch trong 100 ngày đầu xảy ra chiến sự ở Ukraine (từ 24/2), bình quân gần 1 tỉ USD/ngày so với 12 tỉ USD/tháng bình quân năm 2020-2021. Những tháng tới, Nga vẫn có doanh thu cao từ dầu thô rồi đến khí đốt vận chuyển qua đường ống, sản phẩm dầu khí, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), than đá. Dự báo, năm nay, Nga thu về 350 tỉ USD, tương đương số tiền bị các ngân hàng phương Tây đóng băng theo lệnh trừng phạt. 

Nếu như năm 2021, xuất khẩu dầu khí mang lại cho Nga hơn 60 tỉ USD thì trong mấy tháng qua, Nga xuất 4,3 triệu thùng dầu thô, 2,7 triệu thùng chế phẩm dầu mỗi ngày, tăng gấp 3 lần bình quân năm trước đó, trong đó có Mỹ. EU cũng tranh thủ tăng lượng nhập khẩu bình quân 2,2 triệu thùng dầu thô/ngày, cao nhất là Đức, Hà Lan. Trung Quốc nhập 2 triệu thùng dầu/ngày so với 0,8 triệu thùng/ngày (năm 2021). Ấn Độ mua 3,36 triệu tấn dầu thô (5/2022) tăng gấp 9 lần bình quân tháng, năm ngoái.

EU cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga qua đường biển, chưa cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường ống và dường như không dám cấm khí đốt Nga, bởi các thành viên EU phụ thuộc quá lớn vào nguồn năng lượng khí đốt từ Nga. Bởi thế, nhiều nhà bình luận cho rằng, phương Tây đang cấm vận năng lượng nửa vời đối với Nga?

Vậy là, ý định của giới tinh hoa Mỹ và phương Tây, quyết kéo nền kinh tế Nga lùi lại hơn  một thập niên và ba thập niên hội nhập với phương Tây, đưa Nga trở lại thời kỳ thắt lưng buộc bụng như hồi thập niên 1980 không thành thực tế. Tuy nhiên, Nga đang phải đối mặt với tình hình khó khăn do cuộc chiến kinh tế chưa từng có tiền lệ của phương Tây. 

“Việc loại bỏ Nga khỏi đời sống quốc tế là hoàn toàn vô vọng và bất khả thi. Tốc độ phát triển kinh tế Nga trong những tháng qua đã chứng minh điều đó”-Thư ký Điện Kremlin D.Peskov phát biểu với báo chí trước thềm Diễn đàn SPIEF-2022. 

Tự tin phát biểu với các quan chức quốc tế tham dự SPIEF-2022, Tổng thống V.Putin khẳng định: Nước Nga không cảm thấy tác động tồi tệ nhất của các lệnh trừng phạt ít nhất cho đến cuối năm 2022.

Khẳng định về tính khốc liệt của phương Tây sau đòn trừng phạt thứ 6 và đang thảo luận gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Moskva, Chủ tịch Hạ viện Nga V.Volodin tuyên bố: Mỹ và EU đã dùng hết kho công cụ để kìm hãm sự phát triển của Nga.

Nói về quyết định mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống V.Putin cho biết: “Đây là quyết định vô cùng khó khăn nhưng là bắt buộc và cần thiết. Đó là quyết định của một quốc gia có chủ quyền dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc để bảo vệ an ninh của mình, nhằm bảo vệ người dân Nga, người dân vùng Donbass”.

Ông V.Putin cáo buộc Mỹ và các nước phương Tây “không những tìm cách thực hiện kịch bản chống Nga mà còn tiến hành các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine, bơm vũ khí, đưa chuyên gia quân sự vào Ukraine”. “Họ không tiếc tiền của để tạo chỗ đứng cho NATO ở phía Đông, để chống lại Nga”. Mặc dù khó khăn nhưng Nga sẽ đạt mọi mục tiêu chiến dịch đề ra-Tổng thống Nga khẳng định.

Ngày 15/6, Tổng thống Mỹ J.Biden công bố gói viện trợ thêm 1 tỉ  USD cho Kiev bao gồm pháo binh, tên lửa phòng thủ bờ biển. Mỹ và phương Tây không viện trợ xe tăng, máy bay chiến đấu cho Kiev, vì “không muốn đối đầu với Nga”

Ngày 16/6, Thủ tướng Đức O.Scholz, Thủ tướng Italy M.Draghi, Tổng thống Pháp E.Macron, Tổng thống Romania K.Iohannis thăm Kiev, tiếp theo là Thủ tướng Anh B.Johnson (17/6), cam kết ủng hộ trao quy chế ứng cử viên EU cho Ukraine “ngay lập tức”. 

Trả lời báo chí, Tổng thống V.Putin nói: “EU không phải là một liên minh quân sự, không giống như NATO”. 

HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ