A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bước ngoặt leo thang xung đột Ukraine

 

QPTĐ-Trong 5 ngày qua (23-27/9), người dân ở 4 vùng của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk (thuộc miền Đông), Zaporizhia, Kherson (miền Nam) tham gia bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc có ủng hộ sáp nhập vào Nga hay không? Đây là 4 vùng tuyên bố ly khai hoặc do Nga kiểm soát. 

Người dân Donetsk bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga. (Ảnh: Internet)

Nga và các nước phương Tây có những phản ứng khác nhau về sự kiện trên. Tổng thống Ukraine V.Zelensky (23/9) kêu gọi  thế giới lên án các cuộc trưng cầu dân ý và động viên quân đội Kiev nhanh chóng thu hồi “các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng”, trong đó có Crimea. 

Hành động của các quan chức 4 vùng kể trên và tuyên bố của Nga, Ukraine được xem như bước ngoặt leo thang căng thẳng, đẩy cuộc xung đột ở Ukraine sang giai đoạn mới hết sức khó lường, không có cơ hội đàm phán hòa bình. 

Theo kế hoạch, ở 2 vùng ly khai Donetsk và Lugansk, phiếu in bằng tiếng Nga. Hai vùng này đã được Moskva công nhận độc lập (2/2022) trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi phát xít hóa”, “phi hạt nhân hóa” chính quyền Kiev. Donetsk có 450 điểm bỏ phiếu tại địa phương, 200 điểm ở Nga dành cho người dân sơ tán. Lugansk có 461 điểm bỏ phiếu cùng 200 điểm khác được lập ở Nga. 

Lá phiếu ở 2 vùng Kherson và Zaporizhia sử dụng cả tiếng Nga và tiếng Ukraine. Kherson có 198 điểm bỏ phiếu, người dân có thể bỏ phiếu ở Crimea và một số địa phương khác tại Nga. Zaporizhia có 394 điểm bỏ phiếu cùng 58 điểm ở Nga, Donetsk, Lugansk, Kherson. Ước tính, mỗi vùng có khoảng 750.000 đến 1,5 triệu người có quyền tham gia bỏ phiếu. Dự kiến, kết quả sơ bộ cuộc bỏ phiếu được công bố ngày 28/9.

Chính quyền cả 4 vùng trên đều tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, chống các hành động phá hoại, tổ chức rà phá bom mìn tại các điểm bỏ phiếu. Chính quyền cam kết minh bạch tối đa hoạt động trưng cầu dân ý, cho phép giám sát viên địa phương và giám sát viên quốc tế theo dõi bỏ phiếu ở các khu vực. Quân đội, cảnh sát và vệ binh quốc gia Nga đã làm tốt công tác hỗ trợ dân quân, cảnh sát các địa phương bảo đảm an ninh trong suốt thời gian diễn ra bỏ phiếu. 

Theo đó, Donetsk có 4,1 triệu dân, diện tích 26,5 ngàn km2; Lugansk có 2,1 triệu dân, diện tích 26,6 ngàn km2; Kherson có hơn 1 triệu dân, diện tích 28,4 km2; Zaporizhia có 1,6 triệu dân, diện tích 27,1 km2. Số người dân nói tiếng Nga tại 4 vùng trên lần lượt là 93%-89%-45% và 81%. 

Nếu 4 vùng này sáp nhập vào Nga, một dải đất dọc biên giới Nga vừa được mở rộng lãnh thổ sẽ chạy dài từ miền Đông Donbass đến miền Nam, nối với bán đảo Crimea; biển Azov hoàn toàn thuộc về Nga. Nếu mất nốt tỉnh Mykolaiv, Izmail và cảng Odessa tiếp giáp với biển Đen thì Ukraine không còn biển. 

Tuyên bố báo chí, Ngoại trưởng Ukraine D.Kuleba nói: “Người Nga có thể làm điều gì họ muốn nhưng sẽ không thay đổi được gì. Ukraine có đầy đủ quyền giải phóng lãnh thổ của mình và tiếp tục giải phóng chúng cho dù Nga nói gì”. 

Đại diện cấp cao đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) J.Borrell cảnh báo, khối này và các nước thành viên không công nhận kết quả trưng cầu dân ý, đồng thời kêu gọi tăng cường các lệnh trừng phạt mới áp vào các cá nhân và lĩnh vực kinh tế Nga. 

Bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng các nước G7 (21/9) tuyên bố,  sẽ “theo đuổi các biện pháp trừng phạt có mục tiêu hơn nữa và cam kết duy trì sức ép kinh tế và chính trị đối với Nga”. 

Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg cho rằng: “Những cuộc trưng cầu dân y giả mạo này không có cơ sở pháp lý và không thay đổi bản chất cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Cộng đồng quốc tế phải lên án hành động vi phạm hiến pháp quốc tế trắng trợn này và tăng cường hỗ trợ Ukraine”. 

Từ Washington, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ J.Sullivan phát đi tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận vùng lãnh thổ này và bất cứ thứ gì ngoại trừ việc là một phần của Ukraine”. Tổng thống Pháp E.Macron và Tổng thống Litva G.Naused điện đàm, lên án kế hoạch trưng cầu dân ý. Thủ tướng Canada J.Trudeau gọi kế hoạch trưng cầu này là “hành động leo thang căng thẳng không thể chấp nhận được”. 

Trả lời báo chí, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov cho biết, người dân những vùng lãnh thổ này tự quyết định số phận của họ. “Người dân Donbass muốn làm chủ vận mệnh của mình”.

Phát biểu trên truyền hình Trung ương Nga (21/9), Tổng thống V.Putin tuyên bố, Nga sẽ công nhận kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý này. Tương tự như năm 2014, Moskva công nhận cuộc trưng cầu dân ý hơn 95% người dân thể hiện sự đồng tình, sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga. 

Moskva toan tính, sau khi hoàn tất việc sáp nhập các vùng lãnh thổ, các binh sĩ từ Donetsk, Lugansk có thể gia nhập quân đội Nga; đồng thời, Moskva có kế hoạch chiêu mộ tình nguyện viên ở Kherson, Zaporizhia, cho phép Nga sử dụng “toàn bộ lực lượng phòng vệ”. Lúc này, Nga có thể tuyên bố các cuộc tấn công của Ukraine vào những khu vực này là tấn công vào lãnh thổ Nga. Đây là cơ sở để Nga leo thang hành động quân sự với Ukraine. 

Cựu Tổng thống Nga D.Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia (22/9) cho rằng: “Các cuộc trưng cầu dân ý ở Donbass là cần thiết, không chỉ để bảo vệ cư dân của Donetsk, Lugansk và các vùng lãnh thổ khác mà còn để khôi phục công lý mang tính lịch sử”. Nga có thêm lý do để sử dụng sức mạnh quân sự nhằm bảo vệ tất cả các vùng lãnh thổ được sáp nhập. “Nga không chỉ tổng động viên mà còn sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến lược và vũ khí dựa trên các nguyên tắc mới”-Ông D.Medvedev nhấn mạnh. 

Tham luận tại hội nghị đánh dấu 60 năm cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba (1962-2022), Thứ trưởng Ngoại giao Nga S.Ryabkov (23/9) nói: “Chúng tôi giải thích rằng, chúng tôi không đe dọa bất cứ ai bằng vũ khí hạt nhân. Nga cũng cảnh báo phương Tây về những rủi ro nếu can thiệp vào Ukraine, đồng thời thúc giục Mỹ tránh tạo ra tình huống có thể gây ra xung đột trực tiếp với Nga”. 

HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ