A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguy cơ mất kiểm soát vũ khí tấn công chiến lược

 

QPTĐ-Bộ Ngoại giao Nga (ngày 10/8) cho biết, Moskva đã thông báo với phía Mỹ về việc tạm thời rút các cơ sở của nước này ra khỏi hoạt động thanh tra về Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START mới hay New START) do đang có tình huống bất bình đẳng trong việc thực thi. 

Xe phóng tên lửa đạn đạo của Nga. (Ảnh: Internet)

Theo đó, các thanh sát viên của Nga không thể bay qua lãnh thổ châu Âu do bị hạn chế về thị thực cũng như đối với các máy bay Nga, bởi các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây. “Nga không hy vọng, Mỹ sẽ phản hồi nhanh chóng đối với quyết định này”-V.Igor, quan chức Bộ Ngoại giao Nga nói.
Được biết, New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa Nga và Mỹ, sau khi Nhà Trắng đã chủ động hủy bỏ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) Nga-Mỹ và Hiệp ước Bầu trời mở (OST) Nga, Mỹ và hơn 20 nước, dưới thời Tổng thống D.Trump.

New START được xem là nhân tố giúp quản lý căng thẳng Nga-Mỹ trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân và kiến tạo hy vọng cho mối quan hệ tương lai giữa hai bên. Nếu New START bị khai tử, hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới không còn một văn bản nào ràng buộc về việc kiểm soát, ngăn cản phát triển các loại vũ khí hạt nhân kể từ năm 1972. Có nghĩa là, thế giới bị đặt trong tình trạng bất an, có nguy cơ mất kiểm soát vũ khí hạt nhân, sẽ là cơ hội kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang mới, thế giới trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh. 

Trước đó, năm 2010, Nga và Mỹ ký New START, quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực, mỗi nước chỉ được triển khai tối đa 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM); 1.550 đầu đạn cho ICBM, SLBM và máy bay ném bom hạng nặng; 80 bệ phóng ICBM, SLBM, máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai và chưa triển khai. 

New START đã bị thử thách nghiêm trọng vào năm 2020, khi Tổng thống Mỹ D.Trump không đề cập đến việc gia hạn hiệp ước này, bất chấp việc Nga nhiều lần kêu gọi gia hạn thêm 5 năm nữa, bởi New START hết hạn vào ngày 5/2/2021.

Chính quyền của Tổng thống D.Trump cho rằng, Hiệp ước START mới có nhiều thiếu sót, đã lỗi thời khi không đề cập đến các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng như vũ khí phi hạt nhân mới. Bởi hiệp ước này ký kết năm 2010, trước thời điểm thế giới xuất hiện các cuộc chiến tranh mạng, tên lửa siêu thanh, bệ phóng hạt nhân dưới biển. Mỹ đề nghị Nga từ bỏ các chương trình đầy tham vọng như phát triển tàu ngầm Poseidon, các loại tên lửa, ngư lôi siêu khủng Dagger, Petrel “không phù hợp với các định nghĩa của New START, gây mối đe dọa an ninh nước Mỹ”.

Mỹ đề xuất, ký hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân 3 bên: Nga-Mỹ-Trung Quốc, bởi Bắc Kinh có tiềm lực quân sự, quốc phòng lớn mạnh, đang sở hữu hơn 300 đơn vị vũ khí hạt nhân. Trung Quốc cương quyết từ chối đề nghị này.

Tuy nhiên, ông J.Biden đắc cử Tổng thống Mỹ. Một trong những văn kiện đầu tiên khi chính thức trở thành Ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống J.Biden (1/2021) đã ký gia hạn New START thêm 5 năm (đến 2/2026). 

Tháng 8 này, đáp lại việc Điện Kremlin kêu gọi gia hạn vô điều kiện Hiệp ước New START thêm 5 năm nữa, Tổng thống J.Biden kêu gọi Nga tham gia đàm phán một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới thay thế cho Hiệp ước New START trước khi hết hạn vào năm 2026. Mỹ đưa ra nhiều đề xuất mới về việc sửa đổi, trong đó kêu gọi Trung Quốc tham gia đàm phán về giải trừ hạt nhân. 

“Trung Quốc cũng có trách nhiệm với tư cách là quốc gia có vũ khí hạt nhân và là thành viên của P5-Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm giảm nguy cơ tính toán sai lầm và giải quyết các động thái quân sự gây mất ổn định”-Ông J.Biden nói. 

Gần đây, Nga và Mỹ thường xuyên đưa ra những viện dẫn, cáo buộc lẫn nhau vi phạm New START, phá vỡ trật tự, hòa bình và an ninh thế giới, kể từ khi xảy ra sự kiện Crimea năm 2014 và xung đột Ukraine (từ 2/2022 đến nay).   

Mối quan hệ Nga-Mỹ vốn tiềm ẩn những bất đồng lại càng thêm căng thẳng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Mỹ và phương Tây ban lệnh trừng phạt Nga. Mỹ và khối quân sự NATO công khai viện trợ vũ khí, hậu cần, huấn luyện binh sĩ cho Ukraine nhằm chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva “phi phát xít hóa”, “phi hạt nhân hóa” Ukraine. Giới quân sự cho rằng, Mỹ và NATO đã thực hiện một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga. Đồng thời cảnh báo, thế giới lâm vào tình trạng bất an nếu xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. 

Theo Liên hợp quốc, hiện có gần 13.000 đơn vị vũ khí hạt nhân được cất giữ trên toàn cầu, trong đó có khoảng 50% đơn vị vũ khí trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Nga và Mỹ là hai cường quốc, mỗi nước, sở hữu hơn 5.000 đầu đạn hạt nhân. Tiếp đến là Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel, Triều Tiên, Iran. 

Về mặt lý thuyết, Nga chiếm vị trí số 1 về vũ khí hạt nhân, tính theo số lượng, chủng loại, công nghệ siêu thanh, bao gồm các loại vũ khí chiến lược khác nhau, cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, có thể sử dụng cho mục đích phòng thủ và tấn công. 

Tuy vậy, “Nga tin rằng, không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Cuộc chiến này không bao giờ được nổ ra”-Tổng thống V.Putin tuyên bố. Đề cập đến Học thuyết hạt nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga D.Medvedev, cựu Tổng thống Nga cho biết: “Nga chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu sự tồn vong của đất nước bị đe dọa”. 

Phát biểu với hãng AFP, Tổng thống Belarus A.Lukashenko nhận định: “Xung đột Nga-Ukraine kéo dài sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường, xa hơn sẽ là vực thẳm chiến tranh hạt nhân”. 

Phát biểu tại cuộc họp về giải trừ hạt nhân (4/8), trong một sự kiện kỷ niệm 77 năm Ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống nước Nhật (6-8/8/1945), Đại sứ Nga tại Nhật Bản M.Galuzin bác bỏ cáo buộc cho rằng, Moskva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine và cảnh báo, NATO đã vượt lằn ranh đỏ, “xâm phạm trực tiếp đến lợi ích an ninh quốc gia của Nga”.

HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ