Nga không cô lập mình với thế giới!
QPTĐ-Tổng thống Nga V.Putin thăm chính thức Tajikistan và Turkmenistan-hai quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết cũ, tham dự Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Caspian trong 2 ngày (28-29/6). Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (bắt đầu ngày 24/2).
Tổng thống Nga và người đồng cấp Tajikistan gặp mặt tại thủ đô Dushanbe ngày 28-6. (Ảnh: Internet)
Ngày 28/6, tại thủ đô Dushanbe, Tổng thống Tajikistan E.Rahmon đón, hội đàm với Tổng thống V.Putin. Hai vị Tổng thống hội đàm xuyên đêm về các vấn đề quan hệ song phương và quốc tế, hợp tác toàn diện giữa hai nước, tình hình Afghanistan và các vấn đề khu vực-Trợ lý của Tổng thống Nga Y.Ushakov cho biết.
Ngày 29/6, Tổng thống V.Putin đến thủ đô Ashgabat, thăm Turkmenistan. Tổng thống Nga cùng các nhà lãnh đạo Azerbaijan, Kazakhstan, Turkmenistan và Iran, tham dự Hội nghị thượng đỉnh biển Caspian lần thứ 6. Tổng thống V.Putin có bài phát biểu về chiến lược toàn cầu của Nga và khu vực Trung Á, châu Á. Đây là lần đầu trong năm, Tổng thống Nga trực tiếp dự một hội nghị đa phương ở nước ngoài.
Trước đó (ngày 4-5/2/2022), Tổng thống V.Putin thăm Trung Quốc, dự Lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông. Sự xuất hiện của Tổng thống Nga tại Bắc Kinh, như một tuyên bố mạnh mẽ phản đối việc Mỹ gia tăng áp lực, trừng phạt kinh tế, thương mại Trung Quốc. Bắc Kinh hào hứng đón nhận hợp đồng cấp 10 tỉ m3 khí đốt/năm từ vùng Viễn Đông Nga. Hai nước Nga-Trung ký kết hàng chục văn kiện hợp tác đầu tư, thương mại, quốc phòng.
Năm trước, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 3 cho Trung Quốc-quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Hiện, Nga đang vươn lên, cung cấp dầu khí lớn nhất cho Bắc Kinh theo hợp đồng ưu đãi giá rẻ sau các lệnh cấm vận dầu mỏ của châu Âu nhằm vào Nga.
Được biết, chuyến công du nước ngoài đầu tiên năm 2022 của Tổng thống Nga đến Trung Quốc-quốc gia láng giềng, đối thủ của Mỹ, nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu, hẳn chứa nhiều ẩn ý, trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Tuần qua, phát biểu với báo giới quốc tế, Tổng thống V.Putin tuyên bố: Bất chấp các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất của phương Tây, nước Nga vẫn luôn đứng vững và trỗi dậy mạnh mẽ. Nga không cô lập mình với thế giới!
Hội nghị thượng đỉnh NATO, với nguyên thủ 30 nước thành viên và khách mời: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia tại Madrid, Tây Ban Nha (29-30/6); ra tuyên bố về Khái niệm chiến lược mới, coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của các nước đồng minh cũng như hòa bình, ổn định ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương”. NATO coi Trung Quốc là “thách thức đối với lợi ích, an ninh cũng như các giá trị của liên minh”. NATO cam kết tiếp tục cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho Ukraine; cáo buộc Moskva “đe dọa trực tiếp đời sống của phương Tây”, ví như giá năng lượng, lương thực tăng cao.
Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg cho biết: NATO sẵn sàng tăng quân số Lực lượng phản ứng nhanh (NRF) tại châu Âu gấp 7 lần từ 40.000 lên 300.000 binh sĩ cùng hệ thống phòng không, dự trữ khí tài. “Các đồng minh đã kích hoạt các kế hoạch phòng thủ. Chúng tôi đang triển khai NRF của NATO trên bộ, trên biển và trên không nhằm tăng cường khả năng phòng thủ”.
Từ tháng 2 vừa qua, NATO tăng gấp 2 lần số binh sĩ đồn trú ở nước thành viên có chung đường biên giới với Nga, khoảng 40.000 lính đóng tại Hungaria, Romania, Bulgaria và Slovakia cùng 130 máy bay chiến đấu, 140 tàu chiến.
NATO nhất trí kết nạp Phần Lan và Thụy Điển sau khi tháo gỡ rào cản từ Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện, thành viên NATO có chung 1.215 km đường biên giới trên đất liền với Nga. Nếu thêm Phần Lan, con số này sẽ tăng lên 2.600 km.
Tổng thống Mỹ J.Biden (29/6) tuyên bố, ủng hộ NATO gia tăng lực lượng ở Đông Âu. Mỹ tăng quy mô hạm đội khu trục từ 4 lên 6 chiếc ở Rota (Tây Ban Nha) và lập trụ sở Quân đoàn 5 ở Ba Lan; bổ sung 5.000 quân đến Romania và triển khai lực lượng tác chiến đến các nước Baltic; điều thêm 2 phi đội tiêm kích tàng hình F-35 tới Anh; tăng cường hệ thống phòng không đến Đức, Italy và khu vực Nam Âu. Với 20.000 binh sĩ tăng cường, Mỹ đã có hơn 100.000 quân đồn trú ở châu Âu. Nhà Trắng hứa gửi hệ thống phòng không tiên tiến NASAMS cho Kiev.
Trước đó (28/6), Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt thêm 70 thực thể, 29 cá nhân Nga liên quan đến lĩnh vực quân sự, trong đó có Tổ hợp công nghiệp U.A.C (tập đoàn sản xuất máy bay MiG, Sukhoi, Tupolev). Ngày 27/6, các nước G7 áp lệnh trừng phạt xuất, nhập khẩu vàng của Nga. EU cũng đề xuất gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Moskva.
Đáp trả Mỹ và phương Tây, Điện Kremlin phát đi các lệnh trừng phạt tương xứng về kinh tế và ngoại giao. Nga vượt qua cuộc “vỡ nợ nhân tạo” khi đến hạn thanh toán trái phiếu quốc tế (ngày 26/6). Các tập đoàn dầu khí Nga đạt doanh thu khủng, không chỉ bởi giá dầu khí tăng cao mà các khách hàng châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ) đã là bạn hàng lớn của Nga.
Tuần qua, Iran, Argentina gửi đơn gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) hiện có 5 nước thành viên: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, là tín hiệu tốt với Nga, Trung Quốc. BRICS chiếm 40% dân số toàn cầu, chiếm 25% tỉ trọng kinh tế và 18% giá trị thương mại thế giới, đang hấp dẫn các nền kinh tế mới nổi.
Nga không chỉ là quốc gia đồng dẫn dắt BRICS mà còn là trụ cột của Tổ chức Hiệp ước Kinh tế Á-Âu (AIAE) và Liên minh Caspian. Bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới St.Petesburg (25/6) và Diễn đàn thường niên Nga-Belarus (1/7), Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố: “Nga sẽ chuyển giao cho Belarus các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M có thể sử dụng cả tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, phiên bản hạt nhân và thông thường”. Belarus có đường chung biên giới, là đồng minh chiến lược toàn diện với Nga.
Sau Nga, Syria là nước thứ 2 công nhận độc lập của Lugansk và Donetsk. Hiện có 4 tỉnh thuộc Ukraine đề xuất trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga.
Trước áp lực từ NATO, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga D.Medvedev-cựu Tổng thống Nga, cảnh báo: “Crimea là một phần của Nga và mãi mãi thuộc về Nga. Nếu một vụ tấn công (vào Crimea) do một thành viên NATO tiến hành, đó là Chiến tranh Thế giới thứ 3. Một thảm họa hoàn toàn!”
HÀ NGỌC