Căng thẳng cuộc chiến cấm vận giữa G7, EU và Nga
QPTĐ-Nhóm G7, các Bộ trưởng Tài chính nhóm họp, ra Tuyên bố chung (ngày 2/9) cho biết, đã đạt được sự nhất trí áp mức trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ có xuất xứ từ Nga, có nghĩa là áp đặt một mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường mà Moskva sẽ nhận được, cắt giảm lợi nhuận của Nga về dầu khí.
G7 đang cân nhắc đề xuất áp giá trần đối với dầu mỏ Nga. (Ảnh: Internet)
Theo đó, các nước G7 bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Canada khẩn trương tiến hành các thủ tục nhằm áp giá trần, nỗ lực hướng tới thiết lập một “liên minh rộng rãi” nhằm ủng hộ tuyên bố này. “Chúng tôi dự định điều chỉnh việc thực hiện áp giá trần phù hợp với tiến trình của các biện pháp liên quan thuộc gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU)”-Tuyên bố nêu rõ.
Tờ Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, G7 dựa trên chi phí sản xuất dầu và giá dầu của Nga trước khi xung đột Ukraine xảy ra (2/2022), sẽ áp giá bán dầu của Nga xung quanh 40-60 USD/thùng (trong khi giá thị trường hiện đang giao dịch 100 USD/thùng). G7 và đối tác sẽ áp thêm các biện pháp trừng phạt bổ sung xuất khẩu dầu mỏ của Nga, trừ khi Moskva bán dưới mức giá trần.
Đáp trả phương Tây, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh D.Medvedev, cựu Tổng thống Nga cảnh báo: Moskva sẽ ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn cho EU nếu khối này áp giá trần đối với dầu khí của Nga. “Đơn giản là sẽ không có khí đốt của Nga ở châu Âu”-Ông D.Medvedev nói.
Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom (2/9) thông báo, đóng cửa vô thời hạn đường ống Nord Stream-1 (Dòng chảy phương Bắc-1) đưa khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic, vì lý do kỹ thuật. Theo kế hoạch, đường ống trên chỉ đóng van để bảo dưỡng tua-bin khí 3 ngày (từ 31/8 đến 2/9), sẽ mở lại vào ngày 3/9.
Được biết, từ tháng 7 vừa qua, đường ống có công suất 55 tỉ m3/năm này chỉ duy trì 20% lưu lượng cấp cho châu Âu bởi các lệnh cấm vận của phương Tây; khiến châu Âu lâm vào khủng hoảng năng lượng, giá xăng, khí đốt tăng vọt.
Cùng ngày 2/9, Người phát ngôn Điện Kremlin D.Peskov ra tuyên bố, bác bỏ cáo buộc của phương Tây cho rằng, Nga sử dụng năng lượng như vũ khí gây áp lực chính trị và cảnh báo, việc G7 áp giá trần đối với dầu của Nga sẽ gây bất ổn đáng kể cho thị trường năng lượng, đồng thời buộc người tiêu dùng Mỹ và châu Âu phải chi trả.
Thật ra, xung quanh 6 gói trừng phạt của EU nhằm vào Nga, không ngoài mục tiêu hậu thuẫn Mỹ và NATO, làm suy yếu nền kinh tế, quốc phòng của Nga, kiềm chế Moskva tập trung sức mạnh tấn công Ukraine.
Tại Hội nghị G7 diễn ra ở Đức (6/2022), các nước phương Tây đã thống nhất xem xét các phương án áp trần giá, như cấm bảo hiểm và vận chuyển dầu cũng như các sản phẩm từ dầu của Nga. Hội nghị Ngoại trưởng G7 (2/8 vừa qua), ra Tuyên bố chung, cân nhắc một lệnh chặn hoàn toàn dịch vụ vận chuyển bằng đường biển đối với dầu và sản phẩm dầu của Moskva.
“Ngoài việc cân nhắc các phương án, chúng ta cũng sẽ cân nhắc các cơ chế giảm thiểu thiệt hại cùng các biện pháp hạn chế để đảm bảo những nước bị ảnh hưởng nhất có thể duy trì khả năng tiếp cận các thị trường năng lượng. Khi chúng ta loại bỏ năng lượng Nga khỏi thị trường trong nước, chúng ta sẽ tìm kiếm các giải pháp để giảm nguồn thu của Nga, hỗ trợ ổn định thị trường năng lượng toàn cầu và hạn chế tối đa tác động tiêu cực về kinh tế”-Tuyên bố G7 nêu rõ.
Trước thềm Hội nghị G7 (ngày 31/8), Bộ trưởng Tài chính Mỹ J.Yellen phát biểu với báo chí, việc không áp đặt giá trần đối với dầu mỏ Nga sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu. Họp với người đồng cấp Anh N.Zahawi bên lề Hội nghị G7, ông J.Yellen tái khẳng định: “Nếu không áp giá trần đối với dầu Nga, giá năng lượng toàn cầu có thể tăng vọt”.
Bộ trưởng Tài chính Đức Ch.Lindner cho hay, mục đích của việc áp giá trần dầu Nga là để “ngăn chặn một nguồn tài chính quan trọng cho chiến dịch của Nga tại Ukraine, đồng thời ngăn chặn sự gia tăng giá năng lượng toàn cầu. Nga đang kiếm lợi nhuận lớn từ việc xuất khẩu dầu sau xung đột”. Trong khi giới chức Pháp cho rằng, cần phải thận trọng, quyết định cuối cùng chỉ có thể được đưa ra sau khi tất cả 27 thành viên EU đồng ý.
Phó Thủ tướng Nga A.Novak (ngày 1/9) tuyên bố, Moskva sẽ cấm vận các quốc gia ủng hộ kế hoạch áp giá trần dầu của Nga do Mỹ đề xuất. Việc áp giá trần sẽ gây nguy hiểm cho các cơ chế thị trường với một ngành công nghiệp quan trọng như dầu mỏ và sẽ dẫn đến sự mất ổn định của cả ngành công nghiệp và thị trường dầu mỏ-Ông A.Novak nói.
Trước việc Dòng chảy phương Bắc-1 ngừng cấp khí đốt cho châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ch.Michel (2/9) tuyên bố: Việc Nga dừng cấp khí đốt thông qua Dòng chảy phương Bắc-1 là điều không bất ngờ. “Chúng tôi sẽ đẩy nhanh con đường hướng tới sự độc lập về năng lượng. Nghĩa vụ của chúng tôi là bảo vệ công dân của mình và ủng hộ chính quyền Ukraine”.
Đứng trước hàng loạt các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga kể từ sau sự kiện Crimea năm 2014, nhất là sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine (2/2022), Moskva đã thành công trong việc tìm kiếm khách hàng tiêu thụ dầu, than đá ở châu Á, các thị trường tiềm năng Trung Quốc, Ấn Độ với giá bán chiết khấu cao. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Nga, nhập gần 2 triệu thùng dầu/ngày (tháng 5-6) và 1,68 triệu thùng/ngày (tháng 7-8), tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái; tương đương là 6,12 triệu tấn và 6,49 triệu tấn than. Ấn Độ nhập gần 1 triệu thùng/ngày của Nga, bất chấp sức ép của Mỹ.
Nếu nguồn thu xuất khẩu năng lượng của Nga đạt 244,2 tỉ USD (năm 2021) thì năm 2022 đã chạm mốc 337,5 tỉ USD, tăng 38%, dự kiến năm 2023 là 255,8 tỉ USD, cao hơn năm trước đó. “Tập đoàn Năng lượng Nhà nước Nga Gazprom thu lãi ròng kỉ lục 41,4 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2022, trong khi giảm nợ ròng xuống mức tối thiểu”-Đó là con số do Bộ trưởng Tài chính Mỹ J.Yellen đưa ra, khiến nhiều người bất ngờ.
Giám đốc điều hành Tập đoàn Gazprom A.Miller (31/8) cho biết: “Công dân Nga và các khách hàng luôn được tiếp cận nguồn năng lượng đáng tin cậy, giá rẻ, bởi chúng tôi có nguồn dự trữ cho 100 năm tới”.
HÀ NGỌC