A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Châu Âu-Nỗi lo thiếu khí đốt đã hiện hữu

 

QPTĐ-Các Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Brussels (ngày 26/7) đã thỏa thuận cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt. Đây là giải pháp tình thế của châu Âu, đối phó với tình trạng nóng, Nga giảm mạnh nguồn cung khí đốt. 

Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu. Ảnh: Internet

Tập đoàn khí đốt Gazprom, Nga (27/7) cắt lượng cung khí đốt qua Đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc-1) từ Nga đến Đức xuống còn 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất do lỗi kỹ thuật. 

Vậy là, châu Âu cần phải tiết kiệm khoảng 12 tỉ m3 khí đốt, tương đương với 120 con tàu chở khí hóa lỏng LNG để lấp đầy các kho dự trữ khí đốt khi mùa Đông đến.

Tuy nhiên, EU không áp đặt cứng nhắc, tùy theo tình hình của mỗi nước thông qua một loạt trường hợp miễn trừ có tính đến mức dự trữ khí đốt của mỗi quốc gia. Ví như, Malta, Ireland, Síp được miễn trừ do không kết nối với mạng lưới khí đốt của các quốc gia thành viên khác nên không thể chia sẻ khí đốt dự phòng khi cần. 

Vấn đề là, EU làm sao tìm kiếm nhanh chóng lượng khí đốt hao hụt, trong khi Moskva là nhà cung cấp khí đốt chiếm 41% tổng lượng năm 2021? Hệ lụy thiếu hụt khí đốt sẽ khiến các nước thành viên EU không chỉ băng giá mùa Đông mà giá dầu, khí tăng cao, giá điện tăng vọt, thất nghiệp và lạm phát cũng gia tăng. 

“Việc Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung năng lượng khiến cả hai bờ Đại Dương lo sợ tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng khí đốt vào mùa Đông. Đây là nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng tôi. Cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu có thể gây hiệu ứng domino tại Mỹ, khiến giá khí đốt và giá điện tăng”-Đặc phái viên Mỹ A.Hochstein nhận định. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.Leyen nói: “Hiện tại, Nga đang cung cấp một phần khí đốt cho châu Âu và không cung cấp cho 12 quốc gia thành viên EU. Vì vậy, châu Âu phải chuẩn bị phương án tồi tệ nhất cho kịch bản Moskva ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn”. 

Quan ngại của bà Chủ tịch EC là không thừa, bởi quan hệ EU và Nga xấu đi nghiêm trọng kể từ sau sự kiện Crimea năm 2014 và xung đột Ukraine (từ tháng 2/2022), Mỹ và phương Tây siết chặt cấm vận Nga. Phương Tây cáo buộc Điện Kremlin “sử dụng khí đốt tự nhiên như một vũ khí chính trị và kinh tế”, đồng thời kêu gọi châu Âu sớm chấm dứt phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga. 

Trước đó, EU đồng thuận cấm nhập khẩu toàn bộ dầu mỏ Nga thông qua đường biển vào cuối năm nay, tuy nhiên vẫn cho phép nhập khẩu dầu qua đường ống. EU đồng ý một giải pháp tạm thời dạng này do một số nước, trong đó có Hungaria, Slovakia vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu dầu của Nga; đồng thời, cam kết sẽ giảm 2/3 nhập khẩu khí đốt từ Nga trong vòng 1 năm. Đi đầu trong cuộc chiến năng lượng, Mỹ và Anh tuyên bố, cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu, khí đốt Nga. Tuần qua, EU quyết định gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng, kéo dài đến đầu năm 2023. 

Trả lời báo giới (28/7), Thủ tướng Hungaria V.Orban cảnh báo, EU ban hành lệnh cấm vận nguồn cung khí đốt Nga như “tự đâm vào tường”. “Hungaria đã tìm mọi cách để đạt được một thỏa thuận với EU về các biện pháp trừng phạt chống Nga. Chúng tôi đang phải đối mặt với bức tường cấm vận khí đốt. Tin rằng, Hungaria không phải là người duy nhất có quan điểm này”. Thủ tướng V.Orban đang thương thảo tăng lượng nhập khẩu khí đốt của Nga. Hungaria là quốc gia duy nhất trong 27 thành viên EU phản đối kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” khí đốt của EU. 

Thủ tướng Áo Nehammer cảnh báo, EU cấm khí đốt Nga sẽ gây hại cho châu Âu hơn là Moskva. “Quan điểm của Áo, cấm vận khí đốt Nga là không thể. Không chỉ vì Áo phụ thuộc vào khí đốt Nga, ngành công nghiệp Đức cũng phụ thuộc vào nó nếu nó sụp đổ, ngành công nghiêp Áo cũng sụp đổ và chúng tôi sẽ đối mặt với tình trạng thất nghiệp hàng loạt”. 

Bộ trưởng Kinh tế Estonia R.Sikkut đưa ra dự báo, cấm vận khí đốt Nga có thể nằm trong gói trừng phạt thứ 8 hoặc 9 của EU nhằm vào Moskva nhưng sẽ là một quyết định gây chia rẽ trong khối.

Để trấn an châu Âu, Tổng thống Mỹ J.Biden yêu cầu giải phóng một khối lượng lớn dầu từ các kho dự trữ của Mỹ. Thủ tướng Đức O.Scholz thăm Senegal, đề xuất giúp nước này khai thác nguồn khí đốt khổng lồ tiềm năng trong lòng đất. Tổng thống Pháp E.Macron ký với UAE một hợp tác chiến lược về năng lượng. Thủ tướng Anh B.Johnson tìm đến Arab Saudi thảo luận mua dầu khí. EU chủ trương chuyển đổi sang năng lượng xanh bằng việc tăng cường đầu tư năng lượng tái chế vào năm 2030. Trước mắt, các nhà máy điện chuyển sang sử dụng than đá và dầu, có nguy cơ phá hỏng chiến lược khí thải toàn cầu.

Đáp lại lệnh cấm vận của Mỹ và EU, Tổng thống Nga V.Putin yêu cầu những quốc gia “không thân thiện” châu Âu thanh toán các hợp đồng mua khí đốt bằng đồng ruble (Nga) nhằm nâng cao giá trị của đồng tiền này. Nhiều nước như Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan, Đan Mạch, Latvia từ chối thanh toán theo yêu cầu của Nga bị cắt nguồn cung. Đức-nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là nước nhập khẩu 42,6-55% lượng khí đốt Nga, tiếp đến Italy 30% (giai đoạn 2020-2022) đang gặp khó.

Mấy tháng qua, xung đột Ukraine khiến giá dầu thế giới tăng lên trên 100 USD/thùng, giá khí đốt (tháng 6-7/2022) ở châu Âu tăng 60% ở mức 133 euro (140 USD)/1MWh. Đức dự báo, tăng thuế năng lượng, cộng với giá khí đốt tăng, mỗi hộ gia đình Đức (năm 2022) phải chi thêm 1.000 euro nữa cho dầu, khí. Ở Anh, hóa đơn năng lượng mỗi hộ gia đình tăng từ 700 bảng lên 2.000-3.000 bảng (từ tháng 4/2022). 

Nhờ giá dầu, khí đốt đội trần, Nga tăng thu từ xuất khẩu năng lượng. Năm 2021, Nga xuất khẩu 430 tỉ USD dầu, khí đốt sang châu Âu thì chỉ tiêu này đã đạt trong 6 tháng đầu năm 2022; đó là chưa kể đến thị trường Trung Quốc, Ấn Độ tăng 8-10 lần nhập khẩu năng lượng từ Nga. 

Mách nước châu Âu, Tổng thống V.Putin nói: “Chúng tôi vẫn còn  một đường ống khác đang sẵn sàng, đó là Dòng chảy phương Bắc-2. Nó có thể được đưa vận hành”. Bởi song song với Dòng chảy phương Bắc-1 là Dòng chảy phương Bắc-2 công suất 55 tỉ m3 khí/năm, hợp tác Nga-Đức, đang đóng băng do phương Tây cấm vận.

Nga và Arab Saudi thảo luận về khai thác dầu mỏ trước thềm Hội nghị OPEC+ họp ngày 3/8.

MINH NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ