A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

G20-Bất đồng sâu sắc, chia rẽ Đông-Tây!

QPTĐ-Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức tại New Delhi, thủ đô Ấn Độ (9-10/9) ra Tuyên bố chung ngay sau ngày họp đầu tiên, được xem là một bất ngờ lớn, cũng là thành công của nước chủ nhà, bởi trước thềm hội nghị, các nước thành viên vẫn giữ lập trường chia rẽ về nội dung liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Hội nghị thượng đỉnh G20 ra Tuyên bố chung sau 1 ngày làm việc.

          Ảnh: Internet

Hội nghị thu hút 34 nhà lãnh đạo quốc gia G20 và khách mời, 14 lãnh đạo các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng thống Mỹ J.Biden, Thủ tướng Ấn Độ N.Modi, Tổng thống Pháp E.Macron, Thủ tướng Đức O.Scholz, Thủ tướng Anh R.Sunak, Thủ tướng Canada J.Trudeau, Thủ tướng Nhật F.Kishida, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Tổng thống Indonesia J.Windodo, Thái tử Arab Saudi M.bin-Salman, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov... Đây là lần đầu tiên trong vài thập niên qua, Ấn Độ đảm nhận vai trò chủ trì sự kiện quốc tế có nhiều các nguyên thủ đầy quyền lực tham gia.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không dự hội nghị. Hơn 1 năm qua, Tổng thống V.Putin không tham dự các sự kiện quốc tế ở nước ngoài sau vụ Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ra lệnh bắt giữ ông, bất chấp Moskva phản đối lệnh đó là “bất hợp pháp”, “vô hiệu”; Nga cũng không là thành viên của ICC. Chủ tịch Tập tránh xuất hiện ở New Delhi bởi những bất đồng Trung-Ấn, tranh chấp biên giới vùng Kasimir gây căng thẳng giữa hai nước.

G20 được thành lập năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, khi đó là diễn đàn để các bộ trưởng kinh tế và quan chức các chính phủ bàn biện pháp khôi phục ổn định kinh tế. Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tiên diễn ra năm 2008 bàn về thúc đẩy sự hợp tác quốc tế. Gần đây, G20 còn tập trung thảo luận về nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, xóa nợ quốc tế, năng lượng bền vững…

Hiện, G20 chiếm 2/3 dân số thế giới, hơn 80% GDP toàn cầu, 75% thương mại quốc tế với các thành viên gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Argentina, Brazil, Canada, Mexico, Nam Phi, Australia, Anh, Đức, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Arab Saudi, Nga và Liên minh châu Âu (EU).

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 17 nhóm họp tại Bali, Indonesia (15-16/11/2022), chỉ ra được Tuyên bố chung vào phút cuối bởi những rạn nứt, bất đồng sâu sắc khi Mỹ và phương Tây mạnh mẽ lên án Nga về xung đột Ukraine. Đầu năm nay, Hội nghị Ngoại trưởng G20 (3/2023) cũng không đạt được sự đồng thuận của các bên. Tuần trước, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov cảnh báo, Moskva sẽ “ngăn chặn tuyên bố cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh G20 trừ khi nó phản ánh lập trường của Nga đối với chiến sự Ukraine và các cuộc khủng hoảng khác”.

Là nước chủ nhà, Ấn Độ dành nhiều tháng chuẩn bị cho hội nghị, đặc biệt là vấn đề an ninh. Hơn 130.000 cảnh sát, nhân viên an ninh, lính đặc nhiệm cùng các thiết bị kỹ thuật quân sự bảo đảm an ninh hội nghị. Thủ tướng N.Modi không giấu giếm ý định đầy tham vọng, tận dụng cương vị Chủ tịch luân phiên G20 để gây dựng, tăng cường vị thế quốc tế, vai trò và ảnh hưởng chính trị cho Ấn Độ như một siêu cường mới nổi với khả năng điều hướng căng thẳng địa chính trị, suy thoái kinh tế và giá năng lượng, lương thực tăng cao.

Trong chương trình nghị sự, Ấn Độ chú trọng đến chủ đề cốt lõi bao gồm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cải tổ trật tự tài chính thế giới, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chống biến đổi khí hậu trái đất, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh…Giới chuyên gia cho rằng, năm qua, nhóm G20 về cơ bản chưa đi xa được nhiều, quan điểm thì đồng thuận nhưng thiếu vắng ý tưởng và giải pháp mới mẻ, chưa kể đến những bất đồng mâu thuẫn giữa hai khối Đông-Tây.

Trong Tuyên bố chung New Delhi 2023, G20 kêu gọi tất cả các quốc gia kiềm chế sử dụng vũ lực, duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, luật nhân đạo quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định; kêu gọi các quốc gia tăng cường nỗ lực hướng tới việc giảm dần sử dụng than đá; thế giới cần tới 4.000 tỉ USD/năm hỗ trợ ưu đãi cho quá trình chuyển đổi năng lượng.

G20 cam kết, theo đuổi mục tiêu tăng công suất năng lượng tái tạo toàn cầu lên gấp 3 lần vào năm 2030; đồng thời, tìm cách tăng cường các quỹ giúp giải quyết những thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu. Theo Chủ tịch COP-28 S.Al-Jaber, G20 đang chiếm khoảng 80% lượng khí thải toàn cầu.

G20 nhất trí hỗ trợ các ngân hàng phát triển đa phương cải cách nhằm tăng hiệu quả hoạt động; quy định chặt chẽ hơn với tiền kỹ thuật số; kêu gọi khôi phục Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, bảo đảm nguồn cung an toàn của ngũ cốc, thực phẩm và phân bón từ Ukraine và Nga ra thị trường thế giới. Lãnh đạo các nước nhất trí về 3 nguyên tắc liên quan tới phòng, chống tham nhũng bao gồm tăng cường hợp tác quốc tế về thực thi pháp luật và chia sẻ thông tin chống tham nhũng; tăng cường cơ chế thu hồi tài sản để chống tham nhũng; thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả của các cơ quan công quyền.

Thủ tướng Ấn Độ N.Modi nêu chủ đề phiên thảo luận “Một Trái đất-Một gia đình- Một tương lai”; đưa ra sáng kiến thành lập Liên minh nhiên liệu sinh học toàn cầu “Sáng kiến tín dụng xanh” nhằm thúc đẩy các nỗ lực tích cực về môi trường; đồng thời, xác định lại bản chất và phạm vi của “Hợp tác Bắc-Nam” trong khuôn khổ Diễn đàn G20. Hội nghị thông qua việc Liên minh châu Phi (AU) là thành viên thứ 21 của nhóm. AU đại diện cho 55 quốc gia châu Phi, sẽ gia tăng tỉ trọng về lượng “phương Nam” trong nhóm G20.

Thủ tướng Ấn Độ N.Modi và Tổng thống Mỹ J.Biden cùng một số thành viên G20 đạt được đồng thuận, công bố kế hoạch triển khai một hành lang kết nối Ấn Độ với Trung Đông và châu Âu bằng đường biển, đường sắt bao gồm Ấn Độ, Mỹ, Arab Saudi, UAE, EU và một số nước.

Trước thềm Hội nghị G20, giới chuyên gia nhận định, Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tham dự New Delhi 2023 có thể là một lợi thế cho phương Tây, khiến Mỹ, EU và đồng minh dễ dàng thay đổi cuộc chơi nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Tuyên bố chung G20 dự thảo dài 38 trang được chỉnh sửa chỉ còn 37 trang, lược đi đoạn “Tình hình địa chính trị” gây tranh cãi về cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuy vậy, căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung, Mỹ và phương Tây-Nga vẫn đang hiện hữu, phủ bóng đen lên G20.

Minh Ngọc

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ