A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hợp tác Nga, Trung Quốc thúc đẩy thế giới đa cực

QPTĐ- Thế giới thời hiện đại dường như đang lâm vào tình trạng bất ổn nhất sau Chiến tranh Lạnh. Hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, thế giới kinh ngạc trước các thành tựu mới về khoa học-công nghệ tin học làm thay đổi giá trị cốt lõi về phát triển kinh tế và trật tự toàn cầu cũng đồng thời phải chứng kiến những công trình, sản phẩm công nghiệp quốc phòng, vũ khí siêu hiện đại mang sức tàn phá khủng khiếp trái đất nếu mất kiểm soát.

Binh sĩ Nga và Trung Quốc trong cuộc tập trận hải quân chung.
Ảnh: Internet

Thế giới đang trở mình mạnh mẽ trong xu thế phát triển đa phương, đa cực, hướng mục đích, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Nhìn vào 10 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu cũng tương đương với 10 quốc gia có nền quân sự quốc phòng lớn mạnh nhất thế giới cho thấy rõ điều đó. Trên khía cạnh kinh tế, thương mại, sự hợp tác Nga-Trung Quốc trở nên nồng ấm, đang là nhân tố thúc đẩy hình thành thế giới đa cực.

Cuối thế kỷ XX, lịch sử thế giới sang trang, Liên Xô tan rã (năm 1991) gây địa chấn toàn cầu, kéo theo sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa do Liên bang Xô Viết dẫn dắt tồn tại nửa thế kỷ. Mỹ giàu có, hùng mạnh lên sau Thế chiến II tiếp tục dẫn đầu các nước phương Tây, xuất khẩu Cách mạng Màu đến các quốc gia từ Âu sang Á, Phi và Mỹ Latinh. Mỹ được gọi đúng tên là “Cảnh sát toàn cầu”, “Sen đầm quốc tế” với cây gậy và củ cà rốt, đã thể hiện rõ vị trí lãnh đạo toàn cầu. Thế giới tuân theo sự hình thành, sắp đặt của chủ nghĩa đơn cực. 

Gần đây, cùng với sự lớn mạnh tự thân của mỗi quốc gia, nhất là sự hợp tác, đối tác toàn diện giữa Trung Quốc (nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới) và Nga (quốc gia kế thừa Liên Xô), hai nước có sức mạnh quân sự, quốc phòng trong top đầu toàn cầu, đã khiến thế giới phát triển theo xu hướng đa diện, đa phương, đa cực cả về chính trị, kinh tế, thương mại và quân sự, quốc phòng. 

Diễn đàn Kinh tế Á-Âu (EAEU) ra đời (5/2014) với 3 thành viên sáng lập: Nga, Belarus và Kazakhstan; năm sau có thêm Armenia, Kyrgzstan do Liên bang Nga dẫn dắt, với ưu tiên hàng đầu, thống nhất trong lĩnh vực thương mại, kinh tế, tài chính, thuế quan nhằm hướng tới mục tiêu là đạt hiệu quả hội nhập tối đa. 

Là tổ chức hội nhập trẻ nhưng ngay từ khi mới ra đời, EAEU đã tỏ rõ triển vọng của một tổ chức kinh tế, thương mại, liên kết giàu tiềm năng, có thị trường rộng lớn, diện tích tự nhiên 20 triệu km2, 175 triệu dân trải dài châu lục Âu, Á, tổng GDP hơn 2.000 tỉ USD, chiếm 85% GDP của tất cả các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa các thành viên EAEU hằng năm, đạt mức khá cao 70-80 tỉ USD. 

Trong khuôn khổ EAEU, một lộ trình công nghiệp hoa được hình thành với hơn 180 dự án, tổng số vốn đầu tư hơn 300 tỉ USD. Một chương trình phát triển nông nghiệp cũng được chuẩn bị bao gồm hơn 170 dự án, trị giá 16 tỉ USD. Ngoài ra, EAEU chú trọng tập trung phát triển kinh tế hạ tầng, thành lập các tuyến đường vận chuyển hậu cần không chí mang ý nghĩa khu vực mà cả trên toàn cầu, kết nối dòng chảy thương mại của châu Âu, châu Á, phát triển nhân lực và văn hóa. 

EAEU mang sức hấp dẫn nội sinh thu hút các quốc gia tham gia hợp tác, liên kết kinh tế, thương mại, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS). 

 “EAEU ngày càng được củng cố thành một trong những trung tâm độc lập, tự chủ của thế giới đa cực đang hình thành. Hợp tác giữa các nước EAEU luôn xây dựng trên nguyên tắc cùng có lợi, tính đến lợi ích của nhau và hướng tới bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, gia tăng phúc lợi của người dân tất các các nước trong khối”-Tổng thống Nga V.Putin nói. 

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) bao gồm 6 quốc gia trụ cột: Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgzstan, Tajikistan, Uzbekistan do Bắc Kinh và Moskva dẫn dắt về kinh tế, thương mại. SCO ngày càng có vị thế to lớn trong khu vực, tác động tích cực, ảnh hưởng đến sự cân bằng, phát triển khu vực Trung Á, Đông Âu. Trong thập niên qua, khi Trung Quốc nổi lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu, các chính sách hợp tác kinh tế, thương mại, hỗ trợ đầu tư của chính quyền Bắc Kinh có tác động lớn đến sự phát triển của các nền kinh tế thành viên. 

 Khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) bao gồm 5 nước: Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. BRICS chiếm 43% dân số toàn cầu, 26% diện tích đất liền, 18% thương mại xuyên lục địa và 30% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, đang có sức hấp dẫn lớn đến các quốc gia độc lập, mới nổi và đang phát triển. 

Đã có khoảng 25 quốc gia có nguyện vọng gia nhập BRICS, trong đó có các ứng viên sẽ hội nhập với tổ chức này trong năm nay, bao gồm Arab Saudi, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Argentina, Indonesia, Iran, Banglades. Trung Quốc kỳ vọng, BRICS lớn mạng sẽ là đối trọng Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). “Việc mở rộng BRICS là tất yếu vào thời điểm này. Khối cần phải giám sát cẩn thận việc mở rộng”-Một quan chức cấp cao Ấn Độ tỏ ra thận trọng, tuyên bố.

Là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 (dự kiến họp vào 22-24/8 tới), Nam Phi đưa ra chủ đề: “BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì tăng trưởng chung, phát triển bền vững và chủ nghĩa đa phương bao trùm”. Nam Phi chú trọng đến mục tiêu “Chương trình nghị sự 2030” về phát triển bền vững, củng cố chủ nghĩa đa phương, nỗ lực hướng tới cải cách thực sự các thể chế quản trị toàn cầu. 

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) bao gồm 23 thành viên do Nga và Arab Saudi dẫn dắt, đã có những quyết sách kịp thời, kiên quyết giữ giá dầu mỏ không bị chạm đáy, làm phá sản dự án dầu đá phiến của Mỹ. OPEC và đối tác dự báo, dầu mỏ vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu toàn cầu trong hơn hai thập kỷ tới. Hiện, Trung Quốc, Ấn Độ là khách hàng chính nhập khẩu dầu giá rẻ của Nga, bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây. 

Trung Quốc và Nga là trụ cột trong các tổ chức kinh tế đa quốc gia nêu trên, khiến mối quan hệ EAEU-SCO-BRICS gia tăng cơ hội hợp tác quốc tế, góp phần vào sự tăng trưởng của các nền kinh tế thành viên và có thể góp phần đáng kể tạo biện pháp tiếp cận mới đối với sự vận hành của thị trường toàn cầu. Hội nhập của các liên minh kinh tế này đã trở thành trung tâm trong thế giới đa cực. 

Hà Ngọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ