A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ quan ngại Sáng kiến “Vành đai-Con đường” của Trung Quốc

QPTĐ-Trong một tham luận (ngày 4/8), tướng Laura Richarson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phương Nam (Mỹ) cho biết, Mỹ có nguy cơ bị Trung Quốc vượt mặt ở Mỹ Latinh, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông và xây dựng cơ sở hạ tầng. Vị nữ Đô đốc duy nhất của nước Mỹ-người vừa được Tổng thống J.Biden đề cử vào chức danh Bộ trưởng Hải quân cảnh báo, thật đáng lo ngại khi Mỹ bị giảm tầm ảnh hưởng ở khu vực được xem là sân sau trong nhiều thập kỷ qua. 

Đồ họa sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.
                       (Ảnh: Internet)

Tướng L.Richarson là sĩ quan cao cấp, có nhiệm vụ hợp tác an ninh với khu vực Caribe, Trung Mỹ và Nam Mỹ, đưa ra nhận định: Trung Quốc đang có cách tiếp cận toàn cầu và vươn rất gần tới nước Mỹ. Mặc dù Trung Quốc không có căn cứ quân sự ở Tây bán cầu nhưng việc đầu tư cơ sở hạ tầng rộng rãi của Bắc Kinh thông qua Sáng kiến “Vành đai-Con đường” (BRI) cho thấy, tiềm năng có thể xuất hiện căn cứ trong tương lai. Nếu kịch bản đó xảy ra, sẽ làm gia tăng đáng kể mối lo ngại về an ninh của Mỹ-Tướng L.Richarson khẳng định. 

“Chúng ta phải có các phương pháp thay thế, các công ty thay thế, các lựa chọn thay thế để Mỹ Latinh có thể lựa chọn thay thế vì các đối thủ từ Trung Quốc”-Đô đốc L.Richarson nói, ám chỉ đến sức hấp dẫn của việc nâng cấp mạng viễn thông 5G với giá cả phải chăng khiến quan chức các quốc gia Mỹ Latinh gặp khó khăn trong việc từ chối lời mời chào nhiệt tình từ phía Trung Quốc.

Theo đó, vị nữ tướng Mỹ bày tỏ lo ngại về khả năng Trung Quốc sử dụng cơ sở hạ tầng do họ tài trợ trong khu vực cho mục đích quân sự. Đó là sự hiện diện của 5 doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc dọc theo kênh đào Panama bằng vốn BRI. “Nếu chúng ta không cạnh tranh ở đó, các nước này sẽ lựa chọn Trung Quốc”-Bà L.Richarson kêu gọi Mỹ và đồng minh cung cấp các mô hình kinh doanh và đầu tư thay thế ở Mỹ Latinh để đối phó hiệu quả với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Thật ra, không phải đến hôm nay, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng mới chú tâm để mắt tới chiến lược toàn cầu của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai-Con đường xuyên lục địa, đổ tiền cho vay, hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin, công nghệ viễn thông đến hàng trăm  nước. 

Dưới thời Tổng thống B.Obama, D.Trump và đương kim Tổng thống J.Biden, Mỹ đã áp đặt nhiều chính sách thuế quan, ngăn chặn các thương vụ này của Bắc Kinh nhưng xem ra hiệu quả chưa đạt được như mong đợi. Hơn thập kỷ qua, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc (nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới) chưa có dấu hiệu xuống thang.

Được biết, Sáng kiến “Vành đai-Con đường” (BRI) được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trương đưa ra từ tháng 9/2013 nhằm tăng cường sự kết nối giữa Trung Quốc với các quốc gia khác, nối tiếp “Con đường tơ lụa” truyền thống, từ châu Á sang châu Âu. Sau 10 năm khởi động và triển khai, Sáng kiến BRI đã kết nối với 32 tổ chức quốc tế, có mặt ở hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp các châu lục: Á, Âu, Phi, Mỹ Latinh với hơn 3.000 dự án, tổng số vốn đầu tư đến gần 1.000 tỉ USD. 

Các chuyên gia cho rằng, sáng kiến này nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng và khu vực thông qua các dự án cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, sân bay, bến cảng, đường cao tốc, công trình năng lượng, thủy điện và các hạng mục khác. 

Không dưới một lần, Nhà Trắng gọi Sáng kiến BRI là “ngoại giao bẫy nợ” của Bắc Kinh với các nước đối tác. Hầu hết các dự án BRI được tài trợ thiếu minh bạch, thông qua các tổ chức cho vay do Nhà nước Trung Quốc kiểm soát, khiến các quốc gia vay nợ gặp khó khăn bởi gánh nặng nợ nần rất lớn. Vì thế, lãi suất tăng, thời hạn trả nợ đến, nợ chồng nợ, Bắc Kinh có cơ hội chiếm quyền kiểm soát các tài sản chiến lược ở quốc gia vay tiền. Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ cáo buộc này. 

Biện minh cho Sáng kiến BRI và phản bác lại chỉ trích của các quan chức Mỹ, Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Liu Pengyu (4/8) tuyên bố: “Trung Quốc không bao giờ áp đặt ý chí của mình lên quốc gia khác, cũng như không đưa ra bất kỳ chương trình nghị sự địa chính trị ích kỷ nào vào sáng kiến này”. Theo ông Liu, các dự án BRI bao gồm các hoạt động đối thoại toàn diện, hợp tác chung và chia sẻ lợi ích, đã tạo ra 420.000 việc làm cũng như thúc đẩy tăng trưởng các nước.

Hiện, Trung Quốc đang thúc đẩy kế hoạch tăng gấp đôi thương mại song phương với các nước Nam Mỹ lên 500 tỉ USD vào năm 2025 và tăng đầu tư BRI vào khu vực này lên 250 tỉ USD, không ngoài mục đích cạnh tranh với Mỹ.

Trên thực tế, các nước có nguồn thu nhập trung bình trở xuống đang là con nợ của Trung Quốc khi việc trả nợ tăng từ dưới 5% (năm 2010) lên 60% (năm 2022), khiến hơn 100 quốc gia mắc nợ 385 tỉ USD. Những nước vay nhiều phải kể đến như Argentina (tính theo USD) 111,8 tỉ; Pakistan 48,5 tỉ; Ai Cập 15,6 tỉ; Ecuador 19 tỉ trong tổng số 52 tỉ nợ nước ngoài. Nhiều nước nghèo như Zambia, Ghana, Senegal, Panma, Colombia, Mongolia…có số vay từ 1-10 tỉ USD. Riêng khu vực Mỹ La tinh và Caribe có 18 nước tham gia Sáng kiến BRI.

Do gánh nặng nợ nần, năm 2017, Sri Lanka bàn giao quyền sử dụng cảng biển chiến lược Hambantota cho Trung Quốc thuê 99 năm; Malaysia hủy dự án trị giá 11,58 tỉ USD; Kazakhstan hủy dự án 1,5 tỉ U SD; Bolivia hủy dự án hơn 1 tỉ USD.

Nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc, nhóm các nước G7 (bao gồm Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Italy, Nhật Bản, Canada) cam kết huy động 600 tỉ USD, cả từ nguồn quỹ công và tư nhân trong 5 năm tới nhằm hỗ trợ các nước phát triển cơ sở hạ tầng. Mỹ huy động 200 tỉ USD hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình đối phó với biến đổi khí hậu, phát triển kỹ thuật số. 

Bộ Ngoại giao Mỹ (năm 2020) khởi động Chiến dịch “Mạng lưới sạch” loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông, trong đó có Huawei, Xiaomi, Alibaba, BYD, Tecent… khỏi mạng lưới 5G khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Đã có 60 nước, đại diện cho hơn 2/3 nền kinh tế thế giới và 200 công ty viễn thông tham gia liên minh này. Châu Âu kêu gọi huy động 300 tỉ USD đối phó với Sáng kiến BRI của Bắc Kinh-Chủ tịch Ủy ban châu Âu U.Leyen nói.   

Năm nay, mối quan hệ Mỹ-Trung có biểu hiện tan băng sau các chuyến viếng thăm của các quan chức cấp cao hai nước, hứa hẹn là dấu hiệu tốt với nền kinh tế toàn cầu.

Hà Ngọc
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ