A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BRICS lớn mạnh kiến tạo trật tự thế giới mới

QPTĐ-Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tổ chức trong 3 ngày (22-24/8) tại thủ đô Johannesburg (Nam Phi) gây chú ý dư luận thế giới, không chỉ ở những tuyên bố chống đối cứng rắn của Mỹ và phương Tây mà những quyết sách của BRICS có thể làm thay đổi trật tự thế giới trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tiền tệ, tài chính, ngân hàng.

Lãnh đạo và quan chức các nước thành viên BRICS tại Johannesburg, Nam Phi ngày 23/8.     

Ảnh: Internet

BRICS chính thức ra đời năm 2009, có 5 quốc gia trung tâm bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 này có sự tham gia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ N.Modi, Tổng thống Brazil I.L.Siva, Tổng thống Nam Phi C.Ramaphosa và Ngoại trưởng Nga S.Lavrov.

Tổng thống Nga V.Putin dự họp trực tuyến, có lẽ để tránh những phiền toái cho nước chủ nhà bởi phương Tây kêu gọi bắt giữ Ông chủ Điện Kremlin theo lệnh của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) khi ông xuất hiện ở Nam Phi. Nước chủ nhà Nam Phi mời gọi 67 nhà lãnh đạọ các nước tham dự hội nghị.

Hiện, BRICS có tổng diện tích hơn 39,7 triệu km2, tổng dân số 3,21 tỉ người, tương đương với hơn 26,6% diện tích đất liền trái đất, chiếm 31,5% GDP toàn cầu, trong khi Nhóm nước G7 chỉ chiếm 30% GDP thế giới.

Vậy là, BRICS có lợi thế về dân số đông, diện tích rộng, địa bàn hấp thụ đầu tư và tiêu thụ hàng hóa lớn, đồng thời cũng là những nước có tiềm lực quân sự, quốc phòng lớn mạnh. BRICS là các nền kinh tế mới nổi có tiềm lực mạnh, khi tổng GDP của các thành viên tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thập kỷ qua và dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định, mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS-15, các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận về cơ hội thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực từ năng lượng, phát triển hạ tầng, kinh tế số, thị trường việc làm, cải thiện quan hệ kinh tế giữa các thành viên, phương thức thúc đẩy huy động vốn vay và cho vay bằng đồng nội tệ trong Ngân hàng Phát triển mới (NDB-Ngân hàng BRICS), thu hút thêm thành viên cho NDB, chú trọng mối quan hệ hợp tác giữa BRICS và châu Phi, thăm dò cơ hội hợp tác tiềm tàng từ Khu vực thương mại tự do châu Phi.

Hội nghị tạm ngừng việc thảo luận để ra đời đồng tiền chung khối BRICS. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ủng hộ ý tưởng lâu dài về một đồng tiền chung của khối. “Khối này không tìm cách cạnh tranh với phương Tây mà chỉ muốn tìm chỗ đứng của mình trên thị trường toàn cầu”-Phó Tổng thống Nam Phi P.Mashaile nói. Bên cạnh đó, BRICS cũng chú tâm thảo luận về tình hình thế giới, quan hệ Israel-Palesine, tình hình Syria, Iraq, Yemen, Lybia, Trung Đông; biện pháp chấm dứt xung đột Ukraine, việc cải tổ mạnh mẽ Liên hợp quốc.

Theo các chuyên gia, hai vấn đề trong chương trình nghị sự được hội nghị thượng đỉnh bàn luận và đi đến quyết định được giới chính trị, kinh tế đặc biệt quan tâm là việc mở rộng thành viên mới và tăng cường sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên trong giao dịch tài chính, thương mại nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD (Mỹ).

Trước thềm Hội nghị BRICS-15 đã có hơn 40 quốc gia bày tỏ quan tâm gia nhập khối, trong đó có 22 nước đã đưa ra lời đề nghị chính thức như Argentina, Algeria, Ai Cập, Iran, Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Uruguay, Indonesia…Nga, Trung Quốc, Nam Phi gần nhau về quan điểm mở rộng khối. “Mở rộng Nhóm BRICS là để xây dựng một trật tự quốc tế công bằng và bình đẳng hơn”-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói.

Ấn Độ và Brazil tỏ ra thận trọng với việc kết nạp thêm thành viên. Tổng thống Brazil L.I.Lula cho rằng: BRICS không nên tìm cách trở thành đối trọng với Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hay Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế gới (G20) hoặc Mỹ.

Tại cuộc họp báo chung (24/8), Tổng thống Nam Phi C.Ramaphosa cho biết: BRICS thống nhất mời 6 nước gia nhập khối, bao gồm Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Arab Saudi và UAE. Các nước trên sẽ được tiếp nhận làm thành viên BRICS từ ngày 01/01/2024.

Giới bình luận cho hay, với sự xuất hiện của 3 nước Trung Đông, vùng Vịnh vốn có quan điểm chính trị khác biệt cũng là những “kho vàng đen” thế giới như Iran, Arab Saudi, UAE sẽ khiến cho nhóm này có thêm tiềm năng mới hùng mạnh; tương tự như vậy với 2 nền kinh tế hàng đầu Nam Mỹ: Brazil và Argentina là thành viên BRICS. Hoặc với tổng GDP tỷ trọng cao và dân số 133 triệu người, Argentina và Iran có thể mang lại những giá trị chiến lược cho khối. Đó cũng là kỳ vọng của nước chủ nhà Nam Phi, kêu gọi “tái cân bằng trật tự thế giới”. Với 11 quốc gia thành viên, BRICS nổi lên như một liên minh giàu tiềm năng về năng lượng và dự trữ vàng.

Năm nay, Ngân hàng NDB có thêm các thành viên đăng ký gia nhập như Arab Saudi, Algeria, Honduras, Zimbabwe. Trước đó (năm 2021), NDB đã thu nhận UAE, Ai Cập, Banglades. NDB đang nỗ lực tìm cách giảm phụ thuộc vào đồng USD. Nhiều quốc gia, trong đó có Nga, Trung Quốc, Iran cho rằng, nền kinh tế dễ bị tổn thương trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, khi phụ thuộc vào đồng USD. Đây cũng là những bước đi đầu tiên của BRICS hòng lập ra trật tự thế giới mới.

Với 88% giao dịch quốc tế thực hiện bằng đồng USD và đồng USD chiếm 58% dự trữ ngoại hối toàn cầu, vị thế thống trị của đồng tiền này là không thể chối cãi. “Năm nay, ít nhất 30% các khoản vay sẽ được thực hiện bằng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên”-Giám đốc NDB D.Rousseff tuyên bố. BRICS tham vọng, NDB sẽ dần thay thế Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Nga V.Putin khẳng định: “Tiến trình phi USD hóa các mối quan hệ kinh tế của BRICS là không thể đảo ngược và ngày càng mạnh mẽ”. Đồng cảm với các nhà lãnh đạo BRICS, Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar cho rằng: “Cuộc họp mặt của chúng ta phải gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng, thế giới là đa cực, thế giới đang tái cân bằng và những thách thức cũ không thể giải quyết các tình huống mới. Chúng ta là biểu tượng của sự thay đổi và phải hành động phù hợp”.

Minh Ngọc

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ