A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Góc nhìn văn hoá từ dịch Covid-19

 

QPTĐ-Có lẽ chưa bao giờ, toàn cầu lại có một kẻ thù chung và nguy hiểm như hiện nay. Virus SARS-CoV-2 gây bệnh đường hô hấp cấp Covid-19 đã lấy đi sinh mạng của rất nhiều người, ở tất cả các châu lục. Nhưng trong khó khăn, hoạn nạn, tinh thần đoàn kết, tính nhân văn, tình người càng lan tỏa mạnh mẽ.

 

 

Bác sỹ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chúc mừng 2 bệnh nhân mắc Covid-19 khỏi bệnh. 

Ảnh: Dân trí

 

Đoàn kết không phân biệt màu da


Cuối tháng 12 năm 2019, virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc nhưng chỉ khoảng 4 tháng sau, “kẻ thù vô hình” này như “chiếc vòi bạch tuộc” đã vươn ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo ghi nhận của Bộ Y tế, tính cho tới 18 giờ chiều 8-4, cả thế giới đã có 1.441.589 người mắc Covid-19, trong đó, có 82.933 người tử vong.


Trước đại dịch có sức công phá nhanh và nguy hiểm như vậy, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng có lời kêu gọi: “Các quốc gia cần đoàn kết lại, mọi người đoàn kết lại”, hợp tác chống dịch chính là trách nhiệm lúc này. Hay Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng khẳng định: Hơn bao giờ hết, “Đây là lúc chúng ta cần phải cùng nhau bảo vệ chính mình và bảo vệ nhân loại”, để bỏ qua khác biệt, hợp sức đối phó Covid-19. Còn Ông Trump-Tổng thống nước Mỹ cũng tuyên bố: “Chúng ta đang tham chiến, đúng nghĩa, chúng ta đang trong một cuộc chiến, chống lại một kẻ thù vô hình, hãy nghĩ như vậy”…


Liên hợp quốc tích cực thể hiện vai trò điều phối, hướng tới một cách tiếp cận quốc tế chung đối với đại dịch, như huy động một quỹ ứng phó toàn cầu trị giá 2 tỷ USD để hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19 tại một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Rồi từ Liên minh châu Âu (EU) đến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), tới Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)… đều đã, đang phát huy tiếng nói trên mặt trận phòng chống Covid-19.
Không chỉ các quốc gia phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… ủng hộ tiền, vật tư y tế cho các quốc gia khác chống dịch, mà chúng ta còn thấy tinh thần, trách nhiệm quốc tế của các quốc gia đang phát triển. Điển hình như Nga, Cu Ba cử đội chuyên gia tới Italia-tâm dịch châu Âu. Việt Nam tuy khó khăn cũng hỗ trợ hơn nửa triệu khẩu trang cho các nước châu Âu chống dịch; đồng thời tặng nhiều vật tư y tế, cử lực lượng giúp Lào, Campuchia kiểm soát bệnh tật. Đầu tháng 3, Ngân hàng thế giới (WB) đã đưa ra gói cứu trợ 12 tỷ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển chống dịch thông qua việc tăng cường hệ thống y tế, siết chặt giám sát dịch bệnh... 


Suốt quá trình chung tay đẩy lùi dịch bệnh, có rất nhiều cá nhân-những người trên tuyến đầu chống giặc Covid-19 đã không quản ngại hiểm nguy, thậm chí hy sinh cả tính mạng để cứu chữa người bệnh. Tôi rất cảm động khi được biết câu chuyện của 6 anh chị em bác sĩ Tizzani tại Ý đi đầu trong phòng chống dịch, hay còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện khác của những người trên trận tuyến chống “giặc” Covid-19 ở khắp thế giới thời gian qua.

 

Việt Nam-không để ai bị bỏ lại phía sau


Ngay sau khi Covid-19 “đổ bộ” vào Việt Nam, Chính phủ đã coi vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của mình. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định: Chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân. 


Song song với việc quyết liệt ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch, nhanh chóng xác minh nguồn lây để phong tỏa, dập dịch thì chính quyền, các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương thời gian qua đã tuân thủ nghiêm quyết sách của Chính phủ, đối xử nhân văn, đầy tinh thần trách nhiệm với bệnh nhân và những người được cách ly, giám sát sức khỏe. Điều đáng nói, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng giang tay đón những người con của Tổ quốc từ khắp năm Châu trở về. Đặc biệt, tất cả mọi chi phí cho việc cách ly, phong tỏa, xét nghiệm, chữa trị…đều do Chính phủ gánh vác. 


Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, không chỉ tập trung chống dịch, Chính phủ Việt Nam còn sẵn sàng chi hơn 36.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người thuộc 6 đối tượng gặp khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Có lẽ chính việc làm đầy tính nhân văn, quyết liệt của Chính phủ chính là tấm gương để lan toả sự đồng tình, ủng hộ, đoàn kết và sự vào cuộc của tất cả mọi lực lượng, của mọi người dân Việt Nam. Những anh hùng áo trắng, rất nhiều bóng dáng áo xanh, áo vàng, rồi thanh niên tình nguyện…họ sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, luôn ở tuyến đầu trong phòng chống dịch bệnh. Có biết bao doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, văn nghệ sỹ tự nguyện san bớt gánh nặng trên “đôi vai” của Chính phủ bằng tấm lòng thiện nguyện của mình.


Covid-19, kẻ thù vô hình nhưng có sự ảnh hưởng, đe dọa nghiêm trọng tới sinh mạng và hệ thống kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên trong khó khăn đó, loài người nói chung và Việt Nam đang cùng gắn kết, yêu thương, chung tay làm nhiều việc ý nghĩa đối với cộng đồng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, xây dựng một thế giới văn minh, đáng sống hơn.


Hiền Mĩ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ