A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những chiến sĩ trên tuyến đầu chống “giặc Covid-19”

 

QPTĐ-Luôn ở tuyến đầu, chịu nhiều gian nan, vất vả, thậm chí hiểm nguy khi đón, tiếp xúc với công dân, người nước ngoài từ những quốc gia có dịch trở về Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, đó là 2 Tổ Quân y của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Những ngày đầu, lực lượng phục vụ còn hạn chế, họ vừa làm nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm tra, theo dõi sức khỏe công dân, vừa là những “tay khuân vác”, sắp xếp hành lý của hàng chục ngàn công dân lên xe rất “chuyên nghiệp” để đến các điểm cách ly. Mệt mỏi do không có thời gian để nghỉ ngơi, có thời điểm, 3 ngày liền không tắm giặt, ăn tranh thủ, ngủ tranh thủ nhưng họ vẫn xác định tốt trách nhiệm khi...Tổ quốc gọi tên mình.

 

 

Tổ Quân y Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp nhận, giúp đỡ công dân trở về từ vùng dịch

tới các khu cách ly, theo dõi sức khỏe.

Ảnh: Việt Linh

 

“Vợ đến ngày lâm bồn nhưng vì nhiệm vụ, tôi vẫn lên đường”

 

 

Tổ Quân y Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội hướng dẫn công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch

thực hiện các biện pháp kiểm tra sức khỏe.

Ảnh: Việt Linh

 

Đó là câu chuyện của Thiếu úy QNCN Đặng Phi Long (sinh năm 1993), Y tá thuộc Tiểu đoàn Quân y 24, Sư đoàn Bộ binh 301. Ngày nhận nhiệm vụ lên tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 tại sân bay Nội Bài, vợ Long chuẩn bị sinh bé thứ 2 (con trai đầu mới 15 tháng tuổi). Biết hoàn cảnh gia đình, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị có ý tạo điều kiện để Long chăm sóc vợ một vài hôm, chờ sinh xong rồi mới thực hiện nhiệm vụ nhưng anh tình nguyện xung phong đi luôn. “Lúc đó, tôi cũng băn khoăn nhiều lắm. Vợ sinh nở cần nhất là có chồng bên cạnh động viên, chăm sóc nhưng “chống dịch Covid-19 như chống giặc” rất cấp bách, không thể trì hoãn nên tôi đặt nhiệm vụ lên trên. Là người lính, khi Tổ quốc gọi tên, không có lý do để chần chừ, ở lại phía sau. Về phía gia đình, hai bên nội ngoại và vợ cũng ủng hộ quyết định của tôi”-Long nói.


Ngày 3-3, vợ Long lâm bồn, sinh cháu trai nặng hơn 3 kg, “mẹ tròn con vuông”. Vậy là suốt hơn 20 ngày nay, anh chưa được gặp con mà chỉ được nhìn và trò chuyện với vợ, con qua điện thoại. Bởi sau các đợt công dân về dồn dập, được thay ca thì Tổ anh lại trong thời gian cách ly.


Long bảo: “Vất vả chứ, có những buổi làm việc quá nhiều rất rất mệt nhưng anh em bảo nhau, hãy làm hết sức để đẩy lùi dịch bệnh. Đất nước yên thì vợ con, những người thân yêu cũng được bình an. Tôi nghĩ những việc bản thân đang cố gắng chính là cách để bảo vệ gia đình của mình”.


Khi tôi hỏi, Long đi thế, vợ có tủi thân không? Không, vợ lính mà chị nên quen rồi. Từ thời yêu, tôi đã nói để vợ hiểu, bọn anh có thể nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào, không phải thời gian ngắn mà có khi rất dài không về nhà. Rất may, giờ công nghệ phát triển, dù có xa nhưng mình vẫn có thể nhìn thấy nhau hàng ngày. Vợ xác định ngay từ đầu nên rất thông cảm với chồng. 

 

Những chiến sĩ trên tuyến đầu


Được biết, khi công dân Việt Nam từ các quốc gia có dịch bắt đầu trở về nước, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội huy động 2 Tổ quân y (của Sư đoàn Bộ binh 301), gồm 9 đồng chí (trong đó có 2 đồng chí lái xe), thay ca nhau thực hiện nhiệm vụ từ cuối tháng 2. Hiện nay, do yêu cầu nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh tăng cường thêm 2 đồng chí là Y sĩ của Ban CHQS huyện Thường Tín và Thanh Trì. Do nhân lực có hạn nên thời gian đầu, sau khi lực lượng CDC của Sân bay kiểm tra khâu đầu thể trạng của công dân và bàn giao thì 2 Tổ Quân y của Bộ Tư lệnh tiếp nhận, tiếp tục theo dõi các biểu hiện bệnh lý của của mọi người, bảo đảm y tế trong vận chuyển để kịp thời cách ly, tránh lây lan diện rộng, đồng thời, vừa kiêm thêm việc kiểm tra tên và hộ chiếu, chuyển hành lý, xếp đồ và người lên xe về các điểm cách ly tập trung. Có những ngày người dân về quá đông như 27-29/2, rồi 17-19/3, dường như mỗi cá nhân trong Tổ phải làm việc gấp 3-4 công suất/người/ngày. Việc thường xuyên thức trắng đêm và ngủ một ngày chỉ vài ba tiếng diễn ra liên tục.


Bác sĩ-Thượng úy Nguyễn Văn Chiến, Tiểu đoàn Quân y 24, Sư đoàn Bộ binh 301, Tổ trưởng Tổ 1 cho biết: Quá trình thực hiện nhiệm vụ, có rất nhiều tình huống “dở khóc, dở cười” như, sau khi giao hộ chiếu nhưng người dân không chú ý chỉ dẫn lại lên nhầm xe khác. Người đã hạn hẹp, tôi kiểm tra tên và hộ chiếu, Kiên bê hành lý, còn Long xếp đồ của mọi người lên xe nhưng lúc này, một đồng chí lại phải dừng việc để đi tìm người xếp cho đúng. Hay có trường hợp còn không hợp tác, hoặc rất thiếu thiện chí khi phải chờ lâu, điều đó cũng gây khó khăn không nhỏ cho chúng tôi khi thực hiện nhiệm vụ”.


Bác sĩ-Đại uý Đoàn Đức Thi, Trợ lý Ban Quân y, Sư đoàn Bộ binh 301, Tổ trưởng Tổ Quân y số 2 kể lại: Trường hợp nữ Việt kiều Đài Loan có hành vi không đúng mực, thách thức cộng đồng mạng hôm về nước, tôi là người trực tiếp tiếp nhận hộ chiếu của chị này. Sau khi gây náo loạn ở trên CDC Sân bay, xuống dưới, chị vẫn tiếp tục đòi hỏi giải quyết trước cho mình để về nhà. Trước tình huống đó, mình phải thật bình tĩnh, cố gắng phân tích để chị hiểu, còn có người già, trẻ em đang chờ đợi, chị gây rối không cho chúng tôi làm việc, sẽ càng mất thời gian và ảnh hưởng tới tất cả mọi người. Cuối cùng thì chị ta cũng phải chấp thuận, dù vẫn tỏ ra khó chịu.


Rồi tình huống khác, một hôm đang thực hiện nhiệm vụ thì có hai mẹ con (mẹ sinh năm 1994 và cháu bé mới 2 tháng tuổi) từ Mỹ về. Hai mẹ con vừa bế nhau khóc, vừa tìm hành lý nhưng mãi vẫn chưa thấy, nhìn cảnh đó, tôi rất thương nhưng để an toàn, tôi nhanh chóng khử khuẩn toàn thân, mới vào bế giúp cháu bé (rất may khi đó thưa người về), đồng thời, cùng mẹ cháu tìm hành lý. Sau này, họ được cách ly tại Trung đoàn 59, Sư đoàn Bộ binh 301 và đã âm tính với Covid-19. 


Cũng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bản thân và cộng đồng, suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, các anh phải mang bảo hộ của Bộ Y tế, làm việc nặng nhọc lại khoác lên mình bộ quần áo kín mít nên rất bất tiện. Mặc dù có những ngày trời lạnh nhưng mồ hôi không ngừng rơi trên khuôn mặt của những cán bộ, chiến sĩ Quân y. Hay những ngày đầu, lực lượng của Bộ Tư lệnh đón công dân dưới hầm, mặc dù Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài có bố trí cho các anh  một phòng riêng nhưng dường như không một ai có thời gian vào nghỉ, mà chỉ có thể tranh thủ ngủ, nghỉ ngay gần khu đón tiếp như: Bậc thềm, hoặc những chỗ thuận tiện để sẵn sàng cho nhiệm vụ. Nhiều hôm làm việc liên tục trong ngày, đến khi ăn thì một là quá bữa, hai là quá mệt nên mọi người thường không muốn ăn. “Là Tổ trưởng, tôi động viên mọi người dù thế nào cũng phải ăn uống đầy đủ, xúc miệng nước muối 3 lần/ngày. Những ngày công dân về nước thưa, có thời gian về nơi cách ly tại Tiểu đoàn Công binh 544 thì anh em mua thêm rau, củ quả và những đồ tươi có nhiều vitamin bổ sung sức khỏe”-Đại úy Đoàn Đức Thi chia sẻ.


Đại tá Nguyễn Viết Thắng, Chủ nhiệm Quân y Bộ Tư lệnh khẳng định: “Đúng là trong thời chiến hay thời bình, trong hoàn cảnh khó khăn, khi Tổ quốc cần thì phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng. Vất vả, mệt mỏi đấy nhưng mọi người đều ý thức đây là những công việc hết sức quan trọng, mang tầm vóc quốc gia và có ý nghĩa lớn với cộng đồng nên họ rất cố gắng. Tất nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, trực tiếp là chỉ huy cơ quan, đơn vị các đầu mối có quân nhân đang thực hiện nhiệm vụ thường xuyên động viên tinh thần nhưng hơn tất cả đó chính là ý thức tự thân của các đồng chí ấy”.


Tính tới 6 giờ, ngày 26-3-2020, Bộ Tư lệnh đã thực hiện việc tiếp nhận, vận chuyển 12.422 người (trong đó có 125 người nước ngoài) tới các điểm cách ly tại các đơn vị quân đội và thành phố Hà Nội. Với số lượng hàng chục nghìn người trở về từ các vùng, quốc gia có dịch, 2 Tổ Quân y Bộ Tư lệnh đã làm việc vượt công suất, kịp thời phát hiện 9 trường hợp có dấu hiệu bệnh lý, nghi ngờ nhiễm Covid-19 chuyển lại cho bộ phận CDC Sây bay để đưa tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cách ly. Vẫn biết tiếp xúc trực tiếp với nhiều người từ các vùng có dịch, thời gian tiếp xúc dài thì nguy cơ lây nhiễm rất cao, song không vì thế mà những chiến sĩ trên tuyến đầu chiến đấu với “giặc Covid-19” của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội lại chùn bước, ngược lại họ luôn trang bị những kiến thức cần thiết tự bảo vệ mình, bảo vệ đồng bào, hăng say với công việc, viết tiếp bản hùng ca người lính trong thời bình, trước hiểm nguy của dịch bệnh.


Trần Hiền

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ