A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Iran không lùi bước trước răn đe của Mỹ?

 

QPTĐ-Quan hệ Iran-Mỹ trở nên căng thẳng sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với Tehran. Vào tháng 5 và tháng 11-2018, Ông chủ Nhà Trắng áp  lệnh trừng phạt lên các thực thể Iran, xiết chặt cấm vận nhằm vào các lĩnh vực công nghiệp ô tô, tài chính, dầu khí, khai thác khoáng sản của nước này.

 

 

Iran phóng tên lửa. 

                             

Giữa tháng 12 vừa qua, phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo cáo buộc Iran vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển tên lửa, đe dọa an ninh các đối tác của Mỹ tại khu vực. Mỹ cho rằng, Iran đã vi phạm Nghị quyết 2231 và 1929 của Liên hợp quốc về hạn chế chương trình tên lửa, hạt nhân đối với quốc gia Hồi giáo này; đồng thời, kêu gọi Liên hợp quốc tiếp tục gây sức ép lên Iran.

 

Tuy nhiên, Iran lên tiếng phản bác các cáo buộc của Mỹ và cho rằng, Washington đang theo đuổi chính sách thù địch, gây áp lực lên Tehran nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ khu vực Trung Đông. Tổng thống Iran R.H… kêu gọi Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU) và các cường quốc ủng hộ Iran trước các lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ. Iran cam kết, vẫn tuân thủ các điều khoản đã ký với Nhóm P5+1 về kiểm soát, phát triển năng lượng hạt nhân.

 

Giữa năm 2015, Nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký với Iran thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được Liên hợp quốc và EU bảo trợ. Theo đó, Iran đóng cửa các cơ sở hạt nhân làm giàu uranium ở cấp độ cao, cho thanh sát viên quốc tế giám sát kế hoạch tháo dỡ các máy ly tâm, đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân; đổi lại, Liên hợp quốc và Mỹ dỡ bỏ dần các lệnh cấm vận với Iran. Ba năm qua, Cơ quan Năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA) cho biết, Iran luôn tuân thủ các thỏa thuận về giải trừ hạt nhân với Nhóm P5+1. Cơ quan giám sát độc lập của EU cũng khẳng định tính chân thực do IAEA đưa ra. Năm nước: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức trong Nhóm P5+1, ủng hộ báo cáo của IAEA và EU về tình hình Iran, riêng Mỹ thì không?

 

Tổng thống Mỹ D.Trump cho rằng, Kế hoạch JCPOA là “một thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử”, không đủ sức kiềm chế Tehran phát triển hệ thống tên lửa mà bản chất của các vụ phóng và thử nghiệm sẽ giúp Iran hoàn thiện hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa. Được tháo dỡ cấm vận, Iran phục hồi kinh tế, “tài trợ khủng bố”, gây hiểm họa khu vực Trung Đông, đe dọa lợi ích của Mỹ và đồng minh. Lệnh cấm vận của Mỹ xiết chặt đối với Iran (lần 2 trong năm 2018) có hiệu lực từ 4-11 gây hậu quả bất ổn khôn lường cho nền kinh tế và chính trị Iran.

 

Hàng loạt các cuộc biểu tình do phe đối lập tổ chức, đòi dân sinh, nhân quyền và phúc lợi xã hội nổ ra ở thủ đô Tehran và các địa phương; thậm chí, người biểu tình đưa ra yêu sách đòi Chính phủ Hồi giáo đương nhiệm phải từ chức. Các công ty Nhà nước và doanh nghiệp Iran bị Mỹ và phương Tây phong tỏa, đóng băng tài sản tại các ngân hàng trị giá hàng trăm tỉ USD. Hàng trăm dự án đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn của nước này bị tạm dừng hoặc hủy bỏ. Các nhà đầu tư sợ “vạ lây”, bởi Tổng thống Mỹ tuyên bố, “ai muốn làm ăn với Iran thì không được làm ăn với Mỹ”? Xuất khẩu dầu mỏ là thế mạnh của Iran với 3 triệu thùng/ngày nhưng Tehran lâm vào bế tắc do cấm vận. Mặc dù Nhà Trắng nới lỏng thêm 180 ngày (kể từ 4-11) đối với 7 nước (Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italy, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc) đang nhập dầu khá lớn của Iran nhưng “họ không sẵn sàng mua dù chỉ một thùng”-Thứ trưởng Dầu mỏ Iran A.Zamania cho hay.

 

Trong tuần (từ 8-15/1), Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo có chuyến công du dài ngày đến 8 quốc gia Trung Đông: Jordan, Ai Cập,  Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Arab Saudi, Oman, Kuwait. Sứ mệnh của chuyến đi đặt lên vai ông M.Pompeo khá nặng nề, sau tuyên bố rút quân khỏi Syria của ông D.Trump cùng chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Mỹ đến Iraq với tuyên bố, “không rút binh sĩ Mỹ khỏi Iraq; thậm chí, củng cố các căn cứ quân sự ở đây để chống khủng bố trên đất Syria”.

 

Dư luận lập tức có phản ứng trái chiều bởi từng nhiều lần nghe Tổng thống D.Trump tuyên bố, sẽ rút dần binh sĩ khỏi Afghanistan, Iraq, Syria để tránh cuộc chiến hao tiền tốn của, cướp đi sinh mạng hàng ngàn binh sĩ Mỹ? Hẳn, Ngoại trưởng M.Pompeo sẽ biết phải làm gì để trao sứ mệnh chống khủng bố và hạn chế quyền lực của Iran ở Trung Đông cho các đồng minh vùng Vịnh, Bắc Phi nếu Mỹ rút chân khỏi khu vực này?

 

Để né lệnh trừng phạt của Mỹ, Chính phủ Tehran đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu về cam kết tiếp tục hợp tác kinh tế và thông qua một cơ chế tài chính đặc biệt để thực hiện các giao dịch mua dầu mỏ của Iran, dù đó chỉ là mang tính biểu trưng? Các quan chức Liên hợp quốc và EU tuyên bố, thỏa thuận hạt nhân về Iran vẫn có hiệu lực; đồng thời, kêu gọi các nước thành viên ủng hộ, tránh các hành động làm suy yếu thỏa thuận. Nga, Trung Quốc lên tiếng ủng hộ quan điểm của Liên hợp quốc và EU về duy trì mối quan hệ bình đẳng với Iran.

 

Gần đây, Iran tiếp tục gia tăng các hoạt động hậu thuẫn Chính phủ Syria, Qatar chống khủng bố và vượt qua cấm vận của các quốc gia vùng Vịnh. Iran hậu thuẫn chính cho phe Hồi giáo Shiette Houthi tại Yemen chống lại liên quân vùng Vịnh do Arab Saudi cầm đầu. Tư lệnh Vệ binh Tehran tuyên bố, sẽ đưa 2-3 tàu chiến tham gia một sứ mệnh tại Venezuela cùng tàu chiến hiện đại đến gần lãnh hải Mỹ ở Đại Tây Dương, sân sau nước Mỹ. Thậm chí, phong tỏa eo biển Hormuz ở vùng Vịnh, chặn toàn bộ các tàu vận chuyển dầu lửa qua đó. Chính phủ Nhà nước Hồi giáo Iran cam kết sát cánh cùng Nga chống khủng bố ở Syria và Trung Đông, bất chấp việc Tổng thống Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria.

 

Tuần qua, Nga đưa lực lượng Không quân vũ trụ (VKS) với dàn máy bay ném bom chiến lược Tu-160M2 tập trận không quân cùng Venezuela và dự định lập căn cứ không quân tại nước này, là đòn hiểm dành cho người Mỹ. Nếu Nga, Iran sử dụng lực lượng tầu ngầm hiện đại mang tên lửa siêu vượt âm Avangard, tên lửa hành trình Kalibr thì các thành phố của Mỹ trên bờ Đại Tây Dương và thủ đô Washington nằm trong tầm ngắm của vũ khí truyền thống và hạt nhân-Nước Mỹ không còn là thánh địa an toàn?

 

NHẬT MINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ