A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo bùng phát xung đột vũ trang năm 2019?

 

QPTĐ-Năm 2018 chậm chạp trôi qua ghi dấu ấn một năm có nhiều biến động. Nếu như cuộc chiến chống khủng bố do nước Mỹ phát động (từ năm 2001) đã bước sang năm thứ 18 vẫn còn đang dang dở ở Trung Đông thì sức nóng của Mùa xuân Arab nhập khẩu vào châu Âu vẫn chưa có hồi kết. Lục địa già đang bị thử thách sự cảm thông, đoàn kết trong lòng mỗi quốc gia và thái độ bình đẳng, chia sẻ lợi ích trong hợp tác quốc tế. Quan hệ giữa các cường quốc đang xấu đi nghiêm trọng giữa Nga-Mỹ, Mỹ-Trung và châu Âu cũng bị kéo vào vòng xoáy, trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh được phát động từ sau Thế chiến II. 

 

 

Tàu Samum trong biên chế Hạm đội Biển Đen.


Năm 2019, Trung Đông vẫn là điểm nóng toàn cầu, xung đột trên diện rộng, ở nhiều quốc gia, kể từ Phong trào Mùa xuân Arab năm 2011, trong đó phải kể đến Syria, Iraq, Iran, Afghanistan, Libya, Yemen và vùng Vịnh. 


Mỹ vừa tuyên bố rút quân khỏi Syria nhưng quốc gia Trung Đông này vẫn chưa thể có ngay sự bình yên. Vẫn còn đó Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do các thành viên người Kurd (YPG) làm nòng cốt, được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát 1/3 lãnh thổ Syria, rất dồi dào vũ khí và tài chính. Nếu Mỹ rút hết 2.000 binh sĩ trong 60-100 ngày sau khi Lầu Năm Góc ban bố kế hoạch thì 20 căn cứ quân sự Mỹ trên đất Syria sẽ về tay SDF-YPG, không thể thiếu sự chỉ huy, cố vấn của chuyên gia Mỹ? Hiện, phiến quân IS vẫn còn 15.000 tay súng chiếm đóng ở vùng núi rừng biên giới, sẽ có cơ hội khôi phục lực lượng để chống Chính phủ B.al-Assad và Nga? Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ đang đưa thêm binh sĩ vào Syria chống khủng bố và lực lượng người Kurd, cũng là lực cản rất lớn với quân Chính phủ? Đó là chưa kể đến các yếu tố nước ngoài: Iran, Israel, Hezbollah, Lebanon tham chiến ở quốc gia này. 


Cuộc chinh phạt 17 năm qua, từ năm 2001, của Mỹ-NATO tại Afghanistan chưa như mong đợi. Với hơn 2.000 binh sĩ tử nạn và 5 tỉ USD/năm, Mỹ mới hỗ trợ Chính phủ nước này kiểm soát 229/407 quận, với 2/3 dân số. Nhà Trắng phải xuống thang hòa đàm với du kích Taliban, hòng rút một nửa quân trong số 14.000 binh sĩ đang bị sa lầy ở đây. Không dưới một lần, các quan chức Mỹ than thở về cuộc chiến tiêu tốn hàng trăm tỉ USD mà chưa mang lại kết cục nào sáng sủa.


Libya rơi vào nội chiến sau chiến dịch tấn công của Mỹ, sát hại nhà độc tài-Tổng thống M.Gaddafi, năm 2011. Chính trường Libya bất ổn do không thể dung hòa giữa hai phe phái: Chính phủ liên hợp do Thủ tướng F.al-Serraj đứng đầu được Liên hợp quốc ủng hộ kiểm soát khu vực phía Tây và Lực lượng Quân đội LNA được Quốc hội nước này ủng hộ kiểm soát khu vực phía Đông. Chính trường Libya có thể thay đổi sau cuộc bầu cử năm 2019 nhưng khó dung hòa quyền lợi giữa các phe phái. Tư lệnh Quân đội Libya-Tướng Kh.Haftar, đại diện Quốc hội Libya, kêu gọi Nga ủng hộ, nhằm chấm dứt xung đột ở quốc gia này.  


Xung đột ở Yemen ngày càng trở nên khó kiểm soát sau những cuộc giao tranh bằng tên lửa, pháo cối và các trận chiến đẫm máu giữa lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn và quân Chính phủ được liên quân Arab Saudi-vùng Vịnh hỗ trợ. Liên minh Arab được Mỹ hậu thuẫn, đang nỗ lực đưa Tổng thống M.Hadi (A.Allah) trở lại nắm quyền lực. Hơn 3 năm qua, kể từ tháng 3-2015, từ nông thôn đến Thủ đô Sanaa, sân bay, bến cảng Yemen trở thành chiến địa làm hơn 10.000 người thương vong. Liên hợp quốc kêu gọi hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia này với khoảng 15 triệu người đang sống trong điều kiện thiếu lương thực, không được chăm sóc y tế, dịch bệnh lan tràn. 


Sau vụ Tổng thống Iraq S.Hussein bị sát hại, Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng xuất hiện (năm 2014) đã làm mưa làm gió, chiếm đóng đến một nửa lãnh thổ ở Iraq, Syria. Vừa qua, Mỹ và liên quân tuyên bố, cuộc chiến chống phiến quân IS ở Iraq đã kết thúc nhưng hậu quả cuộc chiến và các tay súng phiến quân đã chuyển sang hình thức hoạt động mới. Người dân Iraq vẫn thấp thỏm sống trong mối đe dọa khủng bố bất cứ lúc nào, trong khi Chính phủ liên hợp Iraq luôn bị chia rẽ bởi các giáo phái. Hiện, việc tái thiết Iraq đang là bài toán khó với Mỹ và phương Tây.


Thỏa thuận hạt nhân Iran do Nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) ký với Iran chỉ làm dịu tình hình căng thẳng trong khoảng 3 năm (kể từ tháng 7-2015). Từ giữa năm 2018, Nhà Trắng đã 2 lần tuyên bố áp lệnh trừng phạt Iran khiến thỏa thuận bị phá vỡ giữa Iran và Mỹ. Mỹ cáo buộc Iran phát triển tên lửa, hạt nhân, tài trợ khủng bố; trong khi Iran luôn bác bỏ. Cơ quan Năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA) ghi nhận, Tehran tôn trọng thỏa thuận hạt nhân đã ký. Căng thẳng Mỹ-Iran càng thêm đốt nóng mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” lâu nay giữa Israel, Arab Saudi với Iran.


Mỹ gia tăng chính sách “NATO hướng Đông”, nỗ lực nhập khẩu Mùa xuân Arab vào châu Âu, mặc cho Nga kiên quyết phản đối. Đầu năm 2014, phương Tây đã thành công với Cách mạng đường phố Maidan, đảo chính nghị trường ở Ukraine đưa ông P.Poroshenko (thân Mỹ) làm Tổng thống.

 

Quan hệ Ukraine-Nga càng trở nên lạnh giá sau khi bán đảo Crimea trở về Nga và xung đột miền Đông Donbass kéo dài trong 4 năm (2014-2018) làm hơn 10.000 người tử nạn. Sự cố eo biển Azov-Kerch, Nga bắt giữ 3 tàu chiến cùng 24 thủy thủ Ukraine xâm nhập lãnh thổ trái phép (11-2018) đang thổi bùng ngọn lửa thù hận ở Kiev. Tổng thống P.Poroshenko đã ban bố tình trạng thiết quân luật. Chính phủ Kiev kêu gọi Mỹ và NATO cung cấp vũ khí, hỗ trợ tài chính, đưa tàu chiến đến Địa Trung Hải hậu thuẫn Ukraine “chống lại sự xâm lược từ phía Nga”. Nga đưa máy bay chiến đấu hiện đại, hệ thống phòng không S-400 đến Crimea, tăng cường sức mạnh hải quân Hạm đội Biển Đen. Tuy nhiên, Nga và châu Âu đang kiềm chế, tránh một cuộc xung đột vũ trang khu vực. 


Năm qua, bán đảo Triều Tiên có phần hạ nhiệt, được coi là thành công trong quan hệ đối thoại Liên Triều, Mỹ-Triều. Dường như tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chậm chạp cũng làm Mỹ sốt ruột, trong khi Bình Nhưỡng tuyên bố, thực hiện đúng cam kết với Mỹ và sẽ khởi động chương trình hạt nhân, nếu Mỹ và Liên hợp quốc không dỡ bỏ cấm vận. Bán đảo Triều Tiên được dự báo là một điểm nóng khu vực châu Á-Thái Bình Dương? 


Giới quân sự cũng dự báo, tranh chấp khu vực biển Đông, xung đột biên giới Trung Quốc-Ấn Độ, Pakistan-Ấn Độ hoặc phiến quân gia tăng hoạt động ở Philippines cũng có thể gây bùng phát vũ trang khó lường.          


HÀ NGỌC

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ