A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ Hà Nội đến Trường Sa

Bài 5: Trường Sa đất ấm tình người

QPTĐ-Trong hành trình của Đoàn công tác thành phố Hà Nội đến với Trường Sa thân yêu không thể thiếu một lực lượng mang những “món ăn tinh thần” đến với cán bộ, chiến sĩ, đó chính là Đội văn nghệ gồm các diễn viên, ca sĩ đến từ Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội và giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Trên đảo Trường Sa, giữa trùng khơi nghe những bài ca về biển đảo quê hương, cảm xúc mỗi đại biểu trong Đoàn công tác lại dâng trào xen lẫn niềm tự hào về ý chí kiên cường của những người lính biển. “Tôi đứng đây giữa biển trời bao la tiếng học vần ê a dưới nếp nhà ngói mới, chẳng còn xa đâu chẳng còn đêm tối đất ấm tình người, người ấm tình nhau”

Đêm văn nghệ thắm tình quân dân Trường Sa-Hà Nội.

Đất liền luôn hướng về đảo xa, trong không khí thắm tình quân dân, ở mỗi điểm đảo, các ca sĩ, diễn viên mang đến nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật trẻ trung, sôi nổi , tràn đầy tình cảm đất liền với các chiến sĩ. Các bài hát được Đội Văn nghệ xung kích của Đoàn công tác Hà Nội thể hiện một cách da diết, lay động lòng người, tiếp thêm tinh thần kiên cường giữ đảo của cán bộ, chiến sĩ. Đây là lần thứ 6, Nghệ sĩ ưu tú Khánh Hòa, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đến với Trường Sa nhưng vẫn vẹn nguyên niềm tự hào xúc động khi hát những ca khúc về biển đảo, quê hương: “Trường Sa đối với tôi như một trường học lớn, một tấm gương lớn để có thể soi mình vào đó. Trường Sa ngấm vào từng mạch máu và thớ thịt nên khi hát về Trường Sa tôi đều có những cảm xúc đặc biệt. Tôi mong tiếng hát của mình sẽ làm vơi bớt phần nào những thiếu thốn về tình cảm của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi đầu sóng - Chị Hòa tâm sự”.

Nhà giàn DK1 vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió.

Mỗi khi lên các điểm đảo và Nhà giàn DK1, thời gian để giao lưu văn nghệ với quân và dân dành cho các ca sĩ không nhiều. Vì thế, Đội Văn nghệ chia thành từng tốp nhỏ, đến từng khu vực, vị trí để phục vụ bộ đội. “Chúng tôi hát ở hội trường và đến tận nơi các chiến sĩ đang trực chiến, làm nhiệm vụ chuyên môn trên đảo để hát tặng”, ca sĩ trẻ Quỳnh Thi, Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội chia sẻ. Đặc biệt, hôm Đoàn đến đảo Trường Sa Đông, sau khi vào đảo an toàn, trời bỗng đổ mưa rào. Mọi người chạy hết lên hiên nhà và trong hội trường, song lời ca tiếng hát vẫn được cất lên. Một trong những hình ảnh khiến chúng tôi ấn tượng mãi, là đội Văn nghệ đang hát tặng các chiến sĩ bên hiên nhà, các chiến sĩ bất ngờ kéo nhau ra sân tắm mưa và hát cùng. Nhiều nữ ca sĩ trẻ cũng theo nhau ra sân cổ vũ bộ đội biểu diễn. Chiến sĩ ở đảo Trường Sa Đông rất bạo dạn, có nhiều hạt nhân văn nghệ biết nhảy múa như nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nhiều chiến sĩ trẻ đã vượt qua sự e ngại ban đầu để cất cao lời ca tiếng hát cùng các ca sĩ. Và thế là cuộc giao lưu dưới mưa bắt đầu. Trung úy Nguyễn Công Thái quê ở thôn Thanh Mạc, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ xúc động cho biết: “Lâu lắm đảo không có mưa, đúng lúc Đoàn Hà Nội ra trời lại mưa to. Vì vậy, cơn mưa này có giá trị rất lớn đối với sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Đoàn công tác đến, chúng tôi đón nhận tình cảm ấm áp từ đất liền, còn trời mưa cả đảo được tưới mát” .

Tâm sự của Thái khiến chúng tôi hiểu hơn về giá trị của nước ngọt trên đảo, cũng như nỗi lòng của người ở đảo. Cũng như Thái, Đại úy Ngô Thành Khoa, quê ở huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội chia sẻ: Đón đoàn Hà Nội, chúng tôi háo hức như gặp được người thân từ quê nhà ra thăm đảo, vui không biết diễn tả thành lời. Thấy các ca sĩ trẻ hát hết mình, tâm huyết, tôi thật sự khâm phục, trân trọng tình cảm của Đoàn công tác Hà Nội. Chúng tôi cảm thấy như được khích lệ mạnh mẽ, yên tâm, tin tưởng để tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả, giữ đảo, giữ biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.Nhớ đêm trên đảo Trường Sa, chúng tôi được các cháu học sinh thị trấn Trường Sa hát tặng bài “Quê em ở Trường Sa”. Giọng hát ngân vang của trẻ nhỏ ở nơi đầu sóng để lại nhiều cảm xúc cho các đại biểu. Từ Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cũng dành tặng lại nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc đã tập luyện công phu. Đồng thời gửi trao tới đội Văn nghệ xung kích, các đại biểu trong đoàn những món quà của biển như: Cây vỏ ốc tự làm, hoa bàng vuông, hoa tra, những lá cờ cũ từng tung bay giữa trùng khơi, có đóng dấu đảo giữa ngôi sao vàng… Chị Trần Thị Kim Liên, người dân thị trấn Trường Sa bộc bạch: Tôi rất yên tâm và tin tưởng khi được sinh sống, xây dựng gia đình trên huyện đảo này. Anh em bộ đội và đồng bào trên đảo luôn đoàn kết, yêu thương nhau. Hôm nay, Đoàn Hà Nội ra thăm lại có những món quà chứa đựng đầy ắp những tình cảm của đất liền gửi tặng bà con nhân dân trên đảo, bản thân tôi rất xúc động, vui mừng và cảm ơn nhân dân Thủ đô đã quan tâm. Chúng tôi sẽ nỗ lực học tập, trong lao động, góp phần xây dựng quê hương Trường Sa ngày càng phát triển, giàu mạnh”. 

Đoàn công tác chia tay Trường Sa.

Trường Sa hôm nay, tuy địa lý xa đất liền hàng trăm hải lý, nhưng khoảng cách đó được thu hẹp bởi sự quan tâm thường xuyên của đất liền nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng. Trường Sa đã có một vóc dáng tươi mới, cảnh quan, môi trường khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện nâng cao về cơ sở vật chất lẫn tinh thần. Thời khắc chia tay, quân và dân thị trấn Trường Sa xếp thành hàng dài đứng ở cầu cảng để tạm biệt Đoàn, đồng thanh hô vang “Trường Sa yêu cả nước”; các thành viên trên Tàu cũng đồng thanh hô: “Cả nước yêu Trường Sa”, rồi “Hà Nội vì Trường Sa”- “Trường Sa vì Tổ quốc”. Quân và dân còn cùng nhau hát những bài hát về Trường Sa, về Hà Nội vang vọng một góc biển trời Tổ quốc. Tàu rời cảng, mọi người vẫn nhìn theo nhau, vẫy tay chào cho tới lúc âm thanh nhỏ dần, những ngọn đèn từ phía đảo le lói xa xăm. Và cho đến giờ, hành trình đã kết thúc, trở về Hà Nội, chúng tôi lại thấy nhớ Trường Sa với những kỷ niệm khó quên, nồng ấm tình người.


Hữu Thu
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ