A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ Hà Nội đến Trường Sa

Bài 2: Vững vàng nơi đầu sóng

QPTĐ-Cách đây 46 năm, trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lực lượng đặc công của Quân chủng Hải quân và đặc công Quân khu 5 đã được lệnh giải phóng Trường Sa. Ngày 29-4-1975, quần đảo Trường Sa hoàn toàn được giải phóng. Tiếp bước truyền thống cha anh, ngày nay quân và dân trên quần đảo Trường Sa đang ra sức thi đua, vượt qua khó khăn gian khổ để gìn giữ và phát triển vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Toàn cảnh thị trấn Trường Sa.

 Căn nhà nhỏ nằm cuối thị trấn Trường Sa của gia đình chị Trần Thị Minh Cúc hôm nay rộn ràng tiếng cười nói. Các hộ dân và cán bộ trên đảo tập trung về nhà chị để tập luyện tiết mục văn nghệ biểu diễn chào mừng ngày giải phóng Trường Sa 29-4. Chị Cúc chia sẻ: “Cuộc sống ngoài đảo bây giờ thay đổi nhiều, gia đình em được huyện hỗ trợ đầy đủ tiện nghi, dịch vụ y tế trên đảo đầy đủ. Âu tàu được hoàn thành tạo thuận lợi trong việc mua bán hải sản… Em cũng như bà con nơi đây cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi. 

Bên cạnh các hoạt động văn hóa-văn nghệ, dịp này, chính quyền thị trấn Trường Sa cũng tổ chức các phong trào thi đua trong thực hiện nhiệm vụ, lao động sản xuất, tổ chức các hoạt động tuyên truyền về nội dung và ý nghĩa các ngày kỉ niệm. Ông Trần Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị trấn Trường Sa cho biết: “Quân dân trên đảo rất đoàn kết, thống nhất, quân với dân một ý chí. Thị trấn đã tổ chức các buổi tuyên truyền, các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ thể thao… tổ chức các hoạt động chung tổng dọn vệ sinh để môi trường cảnh quan ngày càng xanh, sạch, đẹp và thông thoáng hơn”.

Tại các đảo chìm, do điều kiện sinh hoạt và làm việc còn nhiều khó khăn nên các hoạt động chào mừng cũng được tổ chức kết hợp dưới nhiều hình thức. Thượng úy QNCN Đinh Văn Hiểu, Nhân viên Thông tin Đảo Thuyền Chài, quê ở xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội cho biết: “Đảo đã phát động các phong trào thi đua trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu để chào mừng ngày giải phóng 29-4 và ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30-4. Vào các buổi sinh hoạt cuối tuần, cán bộ, chiến sĩ được nghe những câu chuyện lịch sử, xem các chương trình liên quan đến chiến dịch giải phóng Trường Sa. Từ đây tôi và đồng đội càng hiểu rõ hơn nữa trách nhiệm của mình khi thực hiện nhiệm vụ ngoài quần đảo Trường Sa”. Còn Thượng úy QNCN Lưu Quang Khánh, Nhân viên hậu cần đảo An Bang, quê ở xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây chia sẻ: “Phát huy truyền thống của lớp lớp thế hệ các cha anh đi trước, cán bộ chiến sĩ chúng tôi hôm nay luôn phát huy tinh thần đoàn kết sẵn sàng chiến đấu cao, xứng đáng với sự hi sinh của cha anh đi trước, phấn đấu xây dựng đảo mạnh về phòng thủ, tốt về đời sống, đẹp về cảnh quan, mẫu mực về tình đoàn kết quân dân”.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong khí thế hào hùng của những đoàn quân tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, chấp hành chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Quân chủng Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng, bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ, mưu trí, táo bạo bất ngờ tấn công giải phóng quần đảo Trường Sa-quần đảo có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Với phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, rạng sáng 14-4-1975, các tàu HQ 673, HQ 674, HQ 675 của Lữ đoàn 125 đã chở Đội 1 Đặc công Hải quân cùng một bộ phận lực lượng đặc công Quân khu 5 bí mật đổ bộ lên đảo Song Tử Tây. Chỉ sau 30 phút chiến đấu, đội hình của ta đã hoàn toàn làm chủ đảo Song Tử Tây, khiến cho hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa lâm vào khủng hoảng. Sau đó, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa lần lượt được giải phóng và quân đội ta tiếp quản. Ngày 25-4, ta giải phóng đảo Sơn Ca; ngày 27-4, lực lượng của ta hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết; ngày 28-4, làm chủ đảo Sinh Tồn; ngày 29-4, giải phóng đảo Trường Sa.

Đồng chí Tư lệnh BTL Thủ đô Hà Nội thăm hỏi, động viên dân quân thị trấn Trường Sa

Phát biểu tại buổi gặp mặt, tặng quà quân và dân Trường Sa, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn công tác Trường Sa thành phố Hà Nội năm 2021 khẳng định: “Tôi rất vui mừng khi thấy cán bộ, chiến sĩ giữ vững truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa quân với dân, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xây dựng huyện đảo đổi mới từng ngày, khang trang hơn, kiên cố hơn. Chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi đóng góp được một phần nhỏ bé cùng các đồng chí gìn giữ biển đảo quê hương và tin tưởng quân và dân nơi đây sẽ luôn đoàn kết, rèn luyện tốt để thực sự là chỗ dựa cho người dân cả nước. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô luôn dành một tình cảm hết sức đặc biệt, tình yêu và sự biết ơn của Hà Nội với Trường Sa, luôn thể hiện có một Trường Sa trong lòng Hà Nội. Thủ đô Hà Nội cam kết đồng hành cùng Trường Sa bằng sự quan tâm thiết thực đến cán bộ, quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1”.

Quần đảo Trường Sa sau 46 năm được giải phóng giờ đây đã có nhiều đổi thay. Các công trình như hải đăng, âu tàu, làng chài, trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật đã đảm bảo an toàn cho các phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động khai thác hải sản trên biển của ngư dân. Các đảo đều được quan tâm đầu tư hỗ trợ vật tư, trang thiết bị, cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sĩ và người dân. Sinh sống và làm việc nơi biển đảo xa xôi, còn nhiều khó khăn vất vả, quân và dân Trường Sa đoàn kết một lòng, phát huy tinh thần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng quần đảo ngày càng phát triển.

Hữu Thu
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ